Bỏ học bổng du học chọn trường Quốc tế tại Việt Nam

0

SSDH – Chọn một trường Quốc tế đảm bảo chất lượng để học tại Việt Nam, sau đó dùng chi phí chênh lệch để đi du học bậc Thạc sĩ là lựa chọn rất thực tế của nhiều bạn trẻ hiện nay.

 

Đặc biệt trong các chuyên ngành kinh tế, rất đơn giản vì các bạn không muốn bị lỡ ‘nhịp’ trong dòng chảy của thị trường đầy biến động ở VN  Có em còn bỏ cả học bổng du học vì nhìn thấy cơ hội lớn hơn ở trong nước.

 

Chọn trường Quốc tế trong nước… tiện hơn

 

Hà Mạnh Quân, sinh viên năm 1 đại học London UoL, (British University Vietnam (BUV) – Đại học Anh Quốc VN) đã học dự bị đại học ở New Zealand và đứng thứ hai trong khóa dự bị đại học đó, nhận được 3 lời mời của các trường đại học hàng đầu của New Zealand, kèm học bổng và trường Monet của Úc nhưng Quân quyết định nghỉ 1 năm để chọn trường cho hợp lý.

 

“So với đi du học thì học ở đây có một điểm thuận lợi là em có nhiều thời gian để học, nghiên cứu và áp dụng ngay trong thị trường hơn. Quan trọng là sau này em  muốn mở công ty ở Việt Nam, nên em có thể cập nhật thông tin hằng ngày trong khi học  đại học . Muốn ‘chơi’ trên sân nhà, mình phải là gà nhà, nếu chưa phải là gà nòi” – Quân nói.

 

Ninh Quang Khôi, sinh viên năm 2, Đại học Staffordshire (BUV), đã học một năm rưỡi tại  một trường Đại học công lập thuộc dạng tốt tại Việt Nam. Nhưng như nhiều sinh viên khác, Khôi thấy chương trình học không thực tế, nhiều môn không liên quan tới chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế, lớp học đông, cách dạy và học không sáng tạo… Tình cờ thi được học bổng khóa tiếng Anh của BUV, Khôi bảo lưu kết quả ở trường cũ, bắt đầu học tiếng Anh ở đây.

 

“Thời gian đầu, bố mẹ thấy em có được học bổng thì cũng muốn xem em học ở đây thế nào. Rồi thấy em chăm học hơn nên bố mẹ em đồng ý cho em học ở đây. Đến bây giờ thì bố mẹ em rất hài lòng về kết quả học tập và an tâm về trường. Em có dự định học xong ở đây sẽ đi làm 1 đến 2 năm rồi tiếp tục đi học Thạc sĩ ở Anh” – cậu sinh viên năm 2  tính toán.

 

20 tiếng làm việc bán thời gian mỗi tuần, cộng với thời gian học, Ninh Quang Khôi ở trường nhiều hơn ở nhà. Chàng trai này giải thích, đi làm vừa để tích lũy kinh nghiệm và lại có thêm thu nhập, và quan trọng nhất là được thấy mình là một phần trong sự phát triển của trường tại Việt nam

 

Bạn Huy Tùng, một sinh viên vừa trúng tuyển vào trường cho biết, việc thi tuyển đầu vào trường rất nghiêm túc và khó hơn hẳn nhiều trường đại học ở trong nước. Ngoài việc xét kết quả học tập ở cấp 3, điều khó nhất đối với các sinh viên là  phải đạt được ít nhất IELTS 6.0 mới được duyệt vào năm nhất

 

.“Để đạt được số điểm này không phải dễ đối với các học sinh cấp THPT. Tiêu chuẩn đầu vào của trường với trình độ tiếng Anh là khá cao đối với học sinh cấp THPT, để đạt được điều này không phải dễ. Nhưng cũng không lo lắm đâu ạ, vì chương trình dự bị đại học của BUV có nhiều lớp dành cho các bạn có trình độ tiếng Anh thấp hơn, thậm chí học sinh có thể tham gia học tiếng Anh ngay khi còn đang học lớp 11 và 12”, Huy Tùng khẳng định.

 

tt712111

Các bạn trẻ lựa chọn học trường quốc tế trong nước để dành tiền du học Thạc sĩ ở nước ngoài (Hà Mạnh Quân đứng hàng thứ 2, bên phải).


Cậu bạn này từng học phổ thông và  trung học ở nước ngoài, dự định sau khi hoàn tất khóa học tại BUV sẽ tiếp tục du học bậc Thạc sĩ.

 

Tính toán thực tế

 

Ông Phạm Đức Quang, phụ huynh bạn Minh Trang, cũng tính toán như vậy để quyết định chọn một trường Quốc tế tại Việt Nam cho biết, mức học phí ông phải trả cho việc học của cô con gái chỉ bằng một nửa so với đi du học, chưa kể sinh họat phí…

 

“Cam kết của trường là bằng cấp cho sinh viên có giá trị tương đương với bằng của ĐH ở nước ngoài và chất lượng đào tạo được trường đại học nước ngoài kiểm soát thông qua việc ra đề thi và chấm tại trường (bài thi được chuyển sang trường đại học ở nước ngoài nhận xét)” – vị phụ huynh  tỏ vẻ yên tâm.

Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT  Lương Thế Vinh, Hà Nội thì tỏ vẻ rất hài lòng khi nghe về những tính toán thực tế của  các em học sinh.

 

Thầy nói: “Đó là một lựa chọn tốt, tôi nghĩ, chắc hẳn có sự tư vấn của gia đình. Mỗi gia đình có một khoản kinh phí nhất định chi cho con học, học 2-3 năm trong nước, 1 năm nước ngoài, hay học xong đại học tại trường quốc tế trong nước rồi đi du học bậc Thạc sĩ, đây là cách em sử dụng số kinh phí đó  hiệu quả nhất. Không phải gia đình nào cũng đủ tiền cho con theo học 6 năm ở nước ngòai”.

 

Ông thẳng thắn, so với du học ở nước ngoài, học ở trong nước có nhược điểm lớn nhất là môi trường thực hành tiếng Anh không tốt bằng: ở trường nước ngoài, các em phải nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, trong khi học ở trong nước, các em chỉ nói tiếng Anh tại trường. Tuy nhiên, điều đó sẽ được bù đắp nếu các em học tiếp Thạc sĩ ở nước ngoài.

 

“Đây là xu hướng mà những trường đại học có điều kiện đào tạo tốt cần phải đón lấy để tránh nguồn lực đầu tư cho giáo dục của những gia đình có điều kiện chuyển hết ra nước ngoài” – thầy Văn Như Cương nhận định.

 

Ông Christopher Jeffery, Giám đốc học vụ BUV cho biết, chương trình học của BUV, các nguồn tài liệu, thông tin hỗ trợ cho việc dạy và học của trường nào, thì trường đó sẽ cung cấp và giám sát về mặt chất lượng. BUV rất may mắn đã được kế thừa 175 năm kinh nghiệm đào tạo xuất sắc của ĐH London và ĐH Staffordshire.

Chất lượng đào tạo được kiểm định hai lần bởi cơ quan kiểm định chất lượng của Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Bài thi của thí sinh ở VN sẽ được chuyển sang hội đồng giám hiệu của trường bên Anh  chấm bài. Bằng cấp do chính trường bên Anh cấp như cho các sinh viên học tại Anh hàng chục năm qua nên chắc chắn bằng cử nhân của các bạn sinh viên sau khi ra trường được công nhận trên toàn cầu.

Hiện BUV đang tuyển sinh ba chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Marketting (Đại học Staffordshire), Tài chính và Ngân hàng LSE- UoL (Học viện Kinh tế và Chính trị London – Đại học London).

 

Nguyễn Yến – Thanh Xuân

 

Share.

Leave A Reply