Sẵn sàng du học – Nhiều người trẻ tìm người nước ngoài để giao tiếp, nhằm cải thiện khả năng ngoại ngữ của bản thân.
Vì sao phải "săn tây" ?
Cụm từ "săn tây" với nhiều người trẻ chính là tìm người nước ngoài để giao tiếp, để học ngoại ngữ. Thế Anh, sinh viên (SV) Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết bản thân đạt TOEIC 600, nhưng kỹ năng nói vẫn còn ở mức trung bình. Chính vì thế, Thế Anh thường xuyên lân la khắp các con đường ở Q.1 (TP.HCM) để tìm người nước ngoài, mong có cơ hội được trò chuyện để rèn kỹ năng nói cho mình.
Tương tự, Hoài Thu, SV Trường ĐH Sài Gòn, kể đều đặn mỗi tuần hai ngày rảo bộ khắp các công viên 23.9, khu vực nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, chợ Bến Thành… để tìm người nước ngoài trò chuyện.
"Mình đi học ở các trung tâm Anh ngữ nhiều, thế nhưng cảm nhận việc phát âm chưa chuẩn. Và khi giao tiếp hơi luống cuống. Mình muốn gặp người nước ngoài để giao tiếp nhằm tự tin hơn, phát âm chuẩn hơn", Hoài Thu cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Mai Lâm, giảng viên Trường ĐH Phan Thiết, thừa nhận thực tế hiện nay nhiều SV tuy học tiếng Anh ở trường, ở các trung tâm rất nhiều nhưng khi nói tiếng Anh với người nước ngoài lại thường "khớp".
"Vì thế, ngoài việc học ngữ pháp, lý thuyết tại trường, thì việc "săn tây" để nâng cao kỹ năng, khả năng nói tiếng Anh là cần thiết", ông Lâm nói.
Một khảo sát nhỏ của người viết với những bạn trẻ hay "săn tây", là thường "săn tây" như thế nào? Phần lớn ý kiến cho biết: "Thì gặp người nước ngoài ở đâu cũng tranh thủ bắt chuyện, nói càng nhiều càng tốt".
Lan Phương, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, kể: "Mình hay rủ nhóm bạn đi "săn tây". Thấy người nước ngoài là chạy lại xin nói chuyện. Mỗi đứa nói vài ba câu. Hỏi han đến từ nước nào, ở VN lâu không, làm gì ở VN…".
Còn Ánh Ly, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thì: "Mình hay tranh thủ sau giờ học buổi sáng là đến phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) để tìm người nước ngoài. Ở đó rất nhiều người, trên đường gặp ai, dù đến từ nước nào, cũng tranh thủ bắt chuyện"…
Theo anh Thanh Khiết, kỹ sư xây dựng ở Q.1 (người từng ròng rã nhiều năm rèn kỹ năng nói tiếng Anh bằng cách trò chuyện với người nước ngoài), những cách "săn tây" như vậy là chưa chuẩn, thậm chí không đúng.
"Nếu có quá đông bạn trẻ đến hỏi han, người nước ngoài sẽ cảm thấy bị làm phiền, và có khi sẽ cảm thấy hoang mang, hoảng sợ. Vả lại khi có nhiều bạn đến nói với một người nước ngoài, thì mỗi người chỉ nói được một vài câu, và sẽ không giúp được nhiều cho việc trau dồi kỹ năng nói tiếng Anh", anh Khiết chia sẻ.
"Săn tây" thế nào cho hiệu quả ?
Thanh Khiết cho rằng để "săn tây" thật sự hiệu quả, khi gặp gỡ cần phải giới thiệu rõ ràng: lý do và mục đích của cuộc giao tiếp. "Người nước ngoài đến VN hay đọc về những câu chuyện cảnh giác. Vì thế, phải giới thiệu rõ ràng là SV, mong được nói chuyện để nâng cao kỹ năng tiếng Anh… thì mới tạo cảm giác yên tâm cho người nước ngoài. Chưa kể, nên chỉ một hai người, chứ đi nhiều quá là việc nói chuyện sẽ khó có hiệu quả", anh Khiết chia sẻ kinh nghiệm.
Thạc sĩ Nguyễn Mai Lâm thì hướng dẫn, ngoài việc chuẩn bị kiến thức về ngoại ngữ, SV còn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý VN… để lồng ghép vào những câu chuyện. Đặc biệt phải chuẩn bị trước những chủ đề dự định sẽ nói và tìm kiến thức, tư liệu liên quan.
"Nhiều bạn hỏi câu đầu là bạn thích ăn món gì ở VN, sau đó lại hỏi bạn thấy giao thông ở VN như thế nào? Như vậy là không nên. Phải biết triển khai ý tưởng. Nếu đang hỏi về ăn món gì, họ trả lời là phở, thì phải tiếp tục hỏi những câu liên quan như: Bạn thích ăn phở gì, phở bò hay phở gà? Bạn có biết phở làm từ nguyên liệu gì không? Bạn hay ăn phở ở quán nào? Bạn cảm thấy hương vị như thế nào?… Rồi từ đó có thể giới thiệu nền nông nghiệp của nước ta. Nếu làm được điều đó, người nước ngoài sẽ rất thích và mong muốn được trò chuyện, tìm hiểu nhiều hơn về VN vì những câu chuyện đưa ra thật sự sâu sắc. Chứ nếu không chuẩn bị, những cuộc hội thoại dễ cụt lủn và khiến người nước ngoài chán ngán, không muốn nói chuyện", ông Lâm chia sẻ bí quyết "săn tây".
Còn Tuấn Đạt, cựu SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì khuyên: "Đừng e thẹn và mặc cảm vì khả năng ngoại ngữ chưa tốt. Hãy nói thật nhiều để "lòi" ra những khuyết điểm, qua đó sẽ được người nước ngoài chỉnh sửa lỗi. Khi được người nước ngoài nói chuyện, phải biết nói lời cảm ơn. Hãy thể hiện sự thân thiện và hiếu khách. Tốt nhất, nên tìm đọc những lưu ý khi gặp người nước ngoài hay phép lịch sự khi nói chuyện với người nước ngoài để không vô tình đánh mất thiện cảm với họ".
Ý kiến
"Đừng run, đừng ngại ngùng, hãy tự tin tiếp cận và lịch sự chào hỏi, nói rõ là bản thân mong có một cuộc trò chuyện. Chắc chắn người nước ngoài sẽ đồng ý, khi đó bạn sẽ "săn tây" thành công".
Lê Vũ
SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM"Phải chuẩn bị kỹ lưỡng những chủ đề trước khi muốn nói chuyện với người nước ngoài. Chứ không chuẩn bị thì cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc trong sự nhàm chán".
Thúy Anh
SV Trường ĐH Mở TP.HCM"Đừng bao giờ hỏi những câu "vô duyên" khi trò chuyện với người nước ngoài, chẳng hạn như hỏi về tình trạng hôn nhân, thu nhập, công việc, tuổi tác, vấn đề mập ốm, bầu bì… những vấn đề riêng tư".
Thu Thảo
SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên