Sẵn sàng du học – Mới đây, hãng Quacquarelli Symonds (QS) của Anh giới thiệu một bảng xếp hạng các nước có hệ thống giáo dục tốt nhất. Các nước đứng đầu, không khó dự đoán, là Mỹ và Anh. Lọt vào top 5 có Đức, Úc, Canada, Pháp và Hà Lan. Nga được xếp vào vị trí 26 trong số 50 nước (đứng cuối bảng là UAE, Estonya và Pakistan).
Nói chung, đối với Nga, kết quả đó không đến nỗi tồi. Một phần, nhờ chất lượng giáo dục cao hàng năm số lượng sinh viên nước ngoài trong các trường đại học Nga đang tăng lên. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, bởi càng nhiều sinh viên đến từ các nước khác nhà trường đại học càng được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng quốc tế như QS hay Times Higher Education.
Không có sự phân biệt học phí
Đối với các trường đại học, việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài không chỉ là vấn đề uy tín mà còn là cơ hội tăng thêm thu nhập. Học phí dành cho công dân nước ngoài ở các trường đại học Nga thông thường không khác với học phí của sinh viên Nga (trong điều kiện phần lớn chương trình được giảng dạy bằng tiếng Nga, còn chương trình tiếng Anh đắt hơn).
Đối với sinh viên các nước thuộc Liên minh châu Âu trả học phí ít hơn sinh viên các nước khác. Còn ở Mỹ, cũng như Nga, không có sự phân biệt giữa dân bản xứ và ngoại quốc, mặc dù học phí ở Mỹ nói chung cao hơn nhiều so với châu Âu.
Hàng năm, tại các trường đại học Nga trong khuôn khổ hạn ngạch có 15.000 người có thể vào học miễn phí. Năm 2016, tỉ lệ chọi của thí sinh nước ngoài vào các trường đại học Nga là 4,5 người/một chỉ tiêu ngân sách.
Theo khảo sát của OECD, ở Nga hiện có khoảng 3% tổng số sinh viên trên thế giới quyết định nhận học vấn đại học ở nước ngoài. Báo cáo của Vụ Quốc tế Bộ Khoa hoc và Giáo dục Nga và Trung tâm Điều tra Xã hội học Nga cho biết, năm 2016 có 156.211 sinh viên ngoại quốc học đại học ở Nga, tăng 11,9% so với năm 2015. Các trường đại học đang có kế hoạch tiếp tục tăng số sinh viên ngoại quốc bằng việc tổ chức các hội nghị quốc tế, các chương trình tiếng Anh cũng như nâng cao uy tín của các tổ chức giáo dục Nga ở nước ngoài.
Cách ngành học được ưa chuộng
Theo bảng xếp hạng mới nhất của hãng RAEX (“Expert RA”), năm 2016, số sinh viên nước ngoài ở Nga bắt đầu tăng lên từ 7,4% đến 8,3%. Top 7 trường hàng đầu về số lượng sinh viên nước ngoài do Trung tâm Dự báo Xã hội lập ra gồm các trường đại học lớn như: Đại học Hữu nghị các dân dộc ở Moskva, Đại học Sư phạm Quốc gia Saint-Petersburg, Đại học Quốc gia Moskva, Đại học bách khoa Saint-Petersburg, Đại học bách khoa Tomsk, Viện Tiếng Nga Quốc gia mang tên A.S. Pushkin và Đại học Y Quốc gia mang tên I.M. Sechenov. Ngoài ra, sinh viên nước ngoài còn học ở các thành phố Kursk, Novosibirsk và Kazan.
Theo số liệu của báo mạng “Giáo dục Nga”, sinh viên nước ngoài thường chọn các ngành Khoa học tự nhiên, Y, Ngữ văn, cũng như các chương trình liên quan tới văn học và nghệ thuật. Được ưa chuộng nhất là các trường chuyên ngành đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế và quản lý, tài chính và quản lý, dịch vụ nhà nước (sinh viên nước ngoài học tại 179 trường trong số đó), kỹ thuật, năng lượng, công nghệ và các trường đại học công nghiệp (99), xã hội nhân văn (112), các trường đại học cổ điển (99), cũng như các trường đại học có các ngành “văn hóa và nghệ thuật” (72).
Sinh viên nước ngoài hay chọn các chương trình cử nhân (59.500 người), chuyên khoa (43.200 người), thạc sĩ (10.990 người). Số người nước ngoài làm luận án tiến sĩ khoa học ở các trường đại học Nga rất ít, chỉ có 81 người.
Họ đến từ đâu
Trong số sinh viên nước ngoài ở Nga, có nhiều công dân Ấn Độ và Trung Quốc, mặc dù hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có sinh viên học ở Nga: Canada và Mỹ, các nước châu Á và châu Âu, châu Phi và châu Đại dương, châu Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ lớn nhất là sinh viên các nước châu Á (26,6%) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (51,9%).
Những khó khăn của sinh viên nước ngoài ở Nga
Khó khăn thứ nhất là sự khác nhau về phong tục tập quán và sinh hoạt. Ví dụ, người Anh khó thích nghi với quy tắc giao thông bên phải…
Về ẩm thực: sinh viên một số nước không thích các món ăn truyền thống của Nga. Những sinh viên Anh và Mỹ đến Nga thực tập các chương trình ngắn hạn được bố trí ở trong các gia đình người Nga, ở đấy họ được ăn uống như các thành viên gia đình. Thức ăn Nga đôi khi làm họ khó chịu. Một số sinh viên cho rằng nó quá nhiều mỡ và thiếu chất cay.
Sự bất đồng ngôn ngữ: nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Nga. Để khắc phục điều này một số trường mở các khoa dự bị tiếng Nga. Tất nhiên, thời gian gần đây số chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh đã tăng lên, song vẫn còn quá ít.
Mức độ thích nghi thấp của các trang web của các trường đối với thí sinh nước ngoài. Các trang web chủ yếu viết bằng tiếng Nga, điều này gây ra không ít phiền hà cho thí sinh nước ngoài khi tìm hiểu thông tin về các trường đại học Nga.
Vấn đề xã hội hóa: phần lớn người Nga chỉ nói tiếng Nga, theo khảo sát mới nhất của EF Education First, Nga chiếm vị trí thứ 39 trên thế giới trong bảng xếp hạng trình độ nắm vững dù chỉ một ngôn ngữ phổ biến và thua xa các nước EU. Kết quả điều tra năm ngoái của Trung tâm Levada khẳng định kết luận này: có 86% công dân Nga không có khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng của họ, và chỉ 14% trong số họ biết 1 ngoại ngữ ở trình độ trung bình. 70% những người được hỏi nói rằng họ chưa bao giờ ra nước ngoài.
Còn một khía cạnh không kém phần quan trọng nữa, đó là mức độ thân thiện của xã hội Nga. Theo bảng xếp hạng của Insider Monkey về những nước phân biệt chủng tộc nhất thế giới Nga xếp vị trí thứ 20. 17% dân Nga không muốn nhìn thấy người nước ngoài thậm chí với tư cách hàng xóm, mặc dù trong những năm gần đây số lượng đó đang giảm dần.
Mặc dù có những khó khăn nêu trên, sinh viên nước ngoài nhanh chóng thích nghi với cuộc sống và học tập ở nước Nga, họ tìm thấy bạn bè, đi xem phim, nhà hát, bảo tàng… Bằng chứng là trong các dòng lưu bút khi chia tay, họ viết: “Tôi yêu nước Nga! Tôi muốn tốt nghiệp đại học, sinh sống và làm việc ở Moskva”.
Sau đây là số lượng sinh viên nước ngoài đang học tập ở Nga phân bố theo khu vực: SNG: Kazakhstan- 27500; Turkmenia- 12100; Tadzhikistan-6600. Châu Á: Trung Quốc- 18300; Ấn Độ- 4700; Việt Nam- 4300.Tây Âu: Đức- 1500;Ý- 1100: Pháp- 1000.Cận Đông và Bắc Phi: Syria- 1800: Marocco- 1400: Iraq- 1400. Mỹ-1600. Các nước châu Phi: Nigeria-1600: Angola- 780; Gana- 730.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo GDTĐ