Sinh viên du học Anh có được làm thêm không?

0

Sẵn sàng du học – Sinh viên du học Anh Quốc với visa Tier 4 (General) có thể đi làm thêm trong quá trình học tập. Sinh viên với visa Tier 4 (Child) từ đủ 16 tuổi trở lên có thể làm thêm tối đa 10 tiếng/tuần. Sinh viên nhỏ tuổi hơn không được phép đi làm thêm.

Nếu bạn nộp visa Tier 4 (General), việc bạn có được cho phép đi làm thêm hay không tùy thuộc vào trường mà bạn sẽ theo học.

Đa số sinh viên bậc đại học trở lên đều được phép đi làm thêm và sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi trong chính sách visa công bố ngày 03/8/2015.

Nếu bạn học tại một trường cao đẳng tư thục, trong hầu hết các trường hợp bạn sẽ không được phép đi làm thêm, ngoại trừ trường hợp làm việc theo chương trình thực tập (work placement) như là một phần trong chương trình học của bạn. Tuy nhiên, nếu trường cao đẳng tư thục này là một đơn vị được phép cấp bằng recognized body, bạn sẽ được phép đi làm thêm.

Portrait of Vietnamese beautiful waitress with a tray standing in a cafe

Kể từ ngày 03/08/2015, nếu bạn nộp visa Tier 4 (General) để theo học tại một trường cao đẳng công lập, bạn sẽ không được phép đi làm thêm, ngoại trừ làm việc theo chương trình thực tập (work placement) như một phần của chương trình học.

Nếu bạn muốn kiểm tra xem liệu mình có được phép làm thêm hay không, hãy tìm tên trường của mình trong các danh sách dưới đây. Nếu trường bạn theo học không được liệt kê trong bất kỳ danh sách nào, điều đó tương đương với việc có khả năng bạn không được phép đi làm thêm. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với trường mình dự định theo học để biết thông tin chi tiết.

Cách kiểm tra xem bạn có được phép làm thêm khi du học Anh

Để kiểm tra bạn có được phép làm việc khi du học Anh không, bạn có thể xem nội dung trên tem visa du học Anh quốc trong hộ chiếu của bạn (giấy phép nhập cảnh hoặc giấy phép cư trú) hoặc trong thẻ cư trú (BRP – Biometric Residence Permit) để biết bạn có được phép làm thêm hay không. Những thông tin này cũng sẽ được nêu rõ trong thư gửi kèm giấy phép nhập cảnh hoặc thẻ cư trú của bạn. Bạn có thể làm thêm trong quá trình học tại Vương quốc Anh nếu tem visa trên hộ chiếu của bạn thể hiện một trong những nội dung như sau hoặc tương tự sau:

“Work (and any changes) must be authorised”
“Able to work as authorised by the Secretary of State”
“Work as in Tier 4 Rules”
“Restricted Work. P/T term time. F/T vacations”
“Restricted work term time”
“Work limited to max 20 hrs per week during term-time”
“Work limited to max 10 hrs per week during term-time.”

Tem visa du học Anh Quốc của bạn có thể diễn đạt khác đi một chút so với những ví dụ trên, nhưng bạn vẫn có thể làm việc nếu không có thông tin nào đề cập:

“No work” hoặc,
“Work prohibited”.

Bạn KHÔNG được làm thêm nếu visa của bạn có đề cập ‘No work’ hoặc ‘Work prohibited’ vì điều này đồng nghĩa với việc vi phạm quy định nhập cảnh và phạm pháp. Bộ Nội vụ có thể kiểm tra được thông tin nếu một cá nhân đã từng có làm việc hay chưa bằng cách kiểm tra không báo trước các đơn vị thuê mướn lao động và thông qua thông tin ở cục thuế, HMRC.

Để được làm thêm khi du học Anh bạn cần có thẻ bảo hiểm

Bước tiếp theo trước khi tìm một công việc tại Anh Quốc là đăng kí sổ bảo hiểm quốc gia (National Insurance- NI). Để làm việc tại nước này, tất cả mọi người phải đăng kí số thẻ bảo hiểm. Số đăng kí trên thẻ bảo hiểm là để phục vụ cho các mục đích về thuế (tương tự mã sỗ thuế cá nhân). Vì thế, sẽ là bất hợp pháp nếu bạn làm việc tại Anh Quốc mà không có thẻ bảo hiểm. Số thẻ bảo hiểm cũng được dùng như thẻ đăng kí với các văn phòng cho du học sinh tại Anh Quốc như DWP (Department of Work and Pensions) hay HMRC (Her Majesty\’s Revenue and Customs).

Để có được số NI, bạn có thể gọi đến Jobcentre Plus (0845 600 0643).Giờ làm việc từ 8.00 giờ sáng đến 6.00 giờ tối từ thứ hai đến thứ sáu. Jobcentre Plus sẽ xắp xếp một buổi phỏng vấn EOI (Evidence of Identity) cho bạn hoặc gửi cho bạn một bản đăng kí qua bưu điện. Họ sẽ xác nhận ngày, giờ và địa điểm của buổi phỏng vấn. Họ cũng sẽ cho bạn biết bạn cần những thông tin và tài liệu gì trong bản đăng kí.

Buổi phỏng vấn thường là môt- một ( bạn và người phỏng vấn) trừ những trường hợp ngoại lệ ( ví dụ, bạn cần một người phiên dịch). Bạn sẽ được hỏi bạn là ai, tại sao bạn cần thẻ bảo hiểm quốc gia, quá trình học tập và hoàn cảnh hiện tại của bạn. Trong quá trình phỏng vấn, bản đăng kí thẻ bảo hiểm quốc gia sẽ được hoàn tất và bạn sẽ kí tên lên bản đăng kí đó.

Nếu bạn được yêu cầu cung cấp thêm thông tin, bạn cần phải hoàn tất trong thời gian đã được đinh sẵn. Jobcentre Plus sau đó sẽ báo cho bạn biết bản đăng kí của bạn có được chấp nhận hay không và gửi cho bạn số thẻ bảo hiểm.

Bạn nên báo lại nơi làm việc số thẻ bảo hiểm của bạn ngay khi bạn có. Thông thường khi bạn có số thẻ bảo biểm, bạn cũng sẽ được cung cấp một thẻ bảo hiểm kèm theo. Bạn sẽ có thẻ sau khi đăng kí khoảng 12 tuần.

Để có thêm thông tin đăng kí thẻ bảo hiểm quốc gia tại Anh Quốc bạn có thể truy cập vào GovDirect.

Những công việc làm thêm dành cho du học sinh tại Anh

Ở Anh, học sinh Việt Nam thường kiếm được những công việc làm thêm như chạy bàn, rửa bát hay đi phát tờ rơi, v.v. Ưu điểm của những công việc làm thêm khi đi du học này là dễ xin việc, không cần trình độ tiếng Anh quá cao. Tuy nhiên, nhược điểm của những công việc trên cũng khá nhiều như vô cùng vất vả, thường bị ép về mức lương nếu đăng ký làm tại những nhà hàng Trung Quốc. Nếu có ý định đi làm những nghề trên các bạn học sinh nên lựa chọn làm tại các cửa hàng lớn như McDonald, KFC, Burger King, v.v. Mức lương của những công việc này dao động từ 5,5 bảng tới 7 bảng một giờ nhưng khối lượng công việc nhiều và rất hay phải làm việc vào buổi tối.

Một số việc làm khác các bạn du học sinh có thể tham khảo như xin thử việc tại các công ty dựa theo chuyên ngành của mình, tuy nhiên đây chỉ là công việc tạm thời không ổn định. Ngoài ra, các bạn có thể làm Phone researcher (công việc gọi điện đến các công ty để điền đơn khảo sát), Language advisor trong trường học (công việc giải đáp thắc mắc cho những học sinh, sinh viên người Việt với trình độ tiếng Anh không cao), hay lễ tân tại một số tổ chức và tập đoàn lớn. Những công việc này môi trường làm việc tốt đồng thời giúp học sinh cải thiện khả năng Anh ngữ. Tuy nhiên, những công việc này đòi hỏi trình độ tiếng Anh IELTS khoảng 7.5 trở lên và quy trình tuyển vô cùng khắt khe. Đi cùng với đó sẽ là mức lương xứng đáng ( từ 7,5 tới 10 bảng một giờ). Giờ làm việc thường rơi vào giờ hành chính (từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều).

Ngoài ra, các bạn học sinh có thể tham khảo bộ phận Job Vacancies tại trường theo học. Tại các trường đại học lớn, cơ hội có việc làm thêm trong trường là rất nhiều.

Bên cạnh những công việc được đề cập ở trên, nếu các bạn mạnh dạn, tích cực mở rộng mối quan hệ với các bạn sinh viên Việt Nam ở nơi bạn sống hay ở bất kì nơi nào trên toàn nước Anh, các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin về cơ hội về các công việc làm thêm trong cộng đồng sinh viên Việt Nam – những công việc vừa giúp bạn có thêm thu nhập, vừa góp phần giúp đỡ các bạn du học sinh còn đang bỡ ngỡ vào những ngày đầu du học. Có những công việc vô cùng phù hợp và ý nghĩa với du học sinh Việt mà các bạn nên khám phá, bằng cách này các bạn sẽ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ và có thêm rất nhiều trải nghiệm du học thú vị.

Một số trang web giúp bạn tìm việc làm thêm khi du học tại Anh

www.svuk.org.uk
www.justjobs4students.co.uk/
www.e4s.co.uk/
www.student-part-time-jobs.com/
www.student-jobs.co.uk/
www.studentjobs4u.co.uk/part-time-jobs.htm

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Nước Anh

Share.

Leave A Reply