Mức lương khởi điểm cho sinh viên châu Á: Thấp hay cao đều bất lợi?

0

Sẵn sàng du học – Mức lương khởi điểm cho sinh viên vừa tốt nghiệp thường được sử dụng như một thước đo cho uy tín của trường đại học cũng như giá trị của tấm bằng. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

ấm bằng đại học không còn là thứ đảm bảo một công việc tốt cho các tân cử nhân, kĩ sư ở nhiều quốc gia châu Á - Ảnh: SCMP

Tấm bằng đại học không còn là thứ đảm bảo một công việc tốt cho các tân cử nhân, kĩ sư ở nhiều quốc gia châu Á – Ảnh: SCMP

Tấm bằng không của riêng ai…

Một tấm bằng cử nhân hoặc kĩ sư ở Hong Kong không còn khả năng đảm bảo mức thu nhập khá. Theo một nghiên cứu xã hội vừa được công bố, 6 sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ có 1 người phải nhận công việc lao động phổ thông hoặc mức lương dưới ngưỡng trung bình.

Nghiên cứu, bởi nhóm chính sách công New Forum, cho thấy mức lương khởi điểm trung bình hàng tháng của một sinh viên tốt nghiệp đại học là 20.231 HKD vào năm 1987 đã giảm xuống còn 15.457 HKD vào năm 1997, tiếp tục giảm còn 13.100 HKD vào năm 2012 và chỉ tăng lên một chút ở mức 14.395 HKD (1.842 USD) trong năm 2017.

Nhà nghiên cứu Chan Wai-keung, giảng viên tại Đại học Bách khoa Hong Kong, Đại học Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, cho rằng một phần nguyên nhân chính là sự bùng nổ trong số lượng trường đại học, khiến chất lượng đào tạo giảm mạnh và bằng cấp không còn giá trị.

“Kết quả là thế hệ sinh viên mới hoàn toàn thiếu các kỹ năng phù hợp với thị trường việc làm. Theo tôi, chúng ta đang lãng phí quá nhiều nguồn lực vào việc đào tạo bậc đại học”, ông Chan nói.

Nhà lập pháp Michael Luk Chung-hung, thuộc Hiệp hội Công đoàn Hong Kong, nhận định cơ cấu kinh tế tại đây đã bị thu hẹp và mất cân đối. “Chúng tôi quá tập trung vào tài chính và quản lý bất động sản do thị trường này bùng nổ những năm gần đây. Sinh viên đua nhau học những ngành này và cung vượt cầu dẫn đến việc các em không có đủ việc làm theo chuyên môn”.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc. Tuy chính phủ đã có chính sách kêu gọi các du học sinh tốt nghiệp trở về xây dựng quốc gia nhưng một khảo sát trên tờ SCMP cho thấy hơn 80% các em cho rằng mức lương ở quê nhà quá “bèo bọt” so với chế độ đãi ngộ nhân viên ở Mỹ hoặc các nước châu Âu.

Vấn đề này đã trở thành chủ đề tranh cãi và mối quan tâm của chính phủ các quốc gia Đông Nam Á trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có được giải pháp hiệu quả. Ngược lại, các trường đại học dân lập mọc lên như nấm sau mưa, thậm chí mạnh tay tuyển sinh viên nước ngoài khiến ngành giáo dục trở nên hỗn loạn. Tháng 6/2018, chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir đã cấm các trường cao đẳng nghề và chi nhánh đại học nước ngoài cấp visa cho sinh viên ngoại quốc.

Và mức lương cao cũng không phải điều đáng mơ ước

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đã nhanh chóng vươn lên trong bảng xếp hạng đại học thế giới, đứng đầu châu Á và nằm trong top 20 đến 50 trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp tại đây có mức lương khởi điểm khoảng 200.000 USD/ năm – một con số không tưởng so với mức lương trung bình đã nhắc ở trên của sinh viên Hong Kong.

Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) xuất sắc lọt vào bảng xếp hạng 100 trường đại học tốt nhất thế giới.

Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) xuất sắc lọt vào bảng xếp hạng 100 trường đại học tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chi phí cơ hội của mức lương “trên trời” này bao gồm từ bỏ chương trình giáo dục hướng đến nghiên cứu, quyền lợi của giảng viên và học bổng cho sinh viên địa phương. Một nền giáo dục hiện đại nhưng không mang lại lợi ích cho sinh viên Singapore sẽ không bền vững và nền kinh tế hoặc an sinh xã hội quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại một hội nghị quốc tế ở NUS vào tháng 9, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung đã kêu gọi các trường đại học từ bỏ tư tưởng giành giật thứ hạng cao trên thế giới để nhìn nhận vai trò đa dạng và quan trọng của giáo dục bậc đại học ngày nay cũng như nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế – xã hội của nó.

Đây cũng là khuyến nghị được Hội đồng tư vấn học thuật quốc tế Singapore (IAAP), Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường đại học toàn cầu và CEO của nhiều công ty quốc tế từng nhất trí sau cuộc họp vào tháng 6.

Mức lương khởi điểm cao cũng đồng nghĩa với mức học phí rất cao bởi tiêu chuẩn giáo dục quốc tế tại đảo quốc sư tử. Điều này đặt gánh nặng kinh tế lên vai các bậc phụ huynh, áp lực tâm lý lên các em học sinh từ tiểu học và trách nhiệm phức tạp cho các nhà lập pháp xã hội.

Trong một thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi, kiếm được công việc đúng chuyên môn với mức lương tốt yêu cầu những sinh viên phải trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm thật đầy đủ. Và đó cũng là một phần lớn trách nhiệm của ngành giáo dục mỗi quốc gia.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Đời Sống Pháp Luật

Share.

Leave A Reply