Sẵn sàng du học – Trung bình một sinh viên Mỹ còn nợ khoảng 22.000 đô la vào thời điểm họ tốt nghiệp ĐH, vì vậy không có gì lạ khi chàng thanh niên Dave Bell không bao giờ dám tin mình có thể theo học đại học. Tuy nhiên, điều khó tin ấy lại trở thành sự thật nhờ vào một ngôi trường tiên phong ở Kentucky, Hoa Kỳ khi không thu bất kỳ một khoản học phí nào trong hơn 120 năm.
Bell đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính và sẽ tốt nghiệp vào tháng Năm, anh là người đầu tiên trong gia đình làm được điều này mà không tốn một đồng nào.
Bell và tất cả 1.600 sinh viên khác tại trường Cao đẳng Berea, Kentucky, đều được học miễn phí với một điều kiện là các sinh viên theo học phải làm việc cho trường. Đây là một trong tám trường đại học được chính quyền liên bang đưa ra yêu cầu buộc sinh viên thường trú phải có một công việc bán thời gian trong hoặc ngoài khuôn viên trường.
Bell hiện là trợ giảng, nhưng anh cho biết công việc đầu tiên của anh thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Bởi lẽ, sinh viên ở đây có thể làm mọi việc ở văn phòng tuyển sinh đến khu ký túc xá trong khuôn viên trường. Họ thậm chí còn tự thực hiện công việc dọn vệ sinh sân trường.
Sinh viên trường Cao đằng Berea College chủ yếu đến từ miền trung hoặc miền nam Appalachia và tiểu bang Kentucky. Trung bình, ở những nơi này, mỗi gia đình chỉ kiếm được 29.000 đô la mỗi năm, thấp hơn thu nhập trung bình của hộ gia đình cả nước.
Hiệu trưởng trường, Berea Lyle Roelofs cho biết 75% ngân sách của trường là từ tiền ủng hộ, và phần còn lại là do quá trình đi gây quỹ mà có. Hiệu trưởng Roelofs nói: "Có những trường có nguồn lực tương đương với trường chúng tôi nếu tính trên cơ sở mỗi sinh viên nhưng lại chưa thể thực hiện chính sách miễn học phí. Tôi nghĩ chúng tôi có thể là một hình mẫu về khả năng chi trả và và tiếp cận giáo dục đại học".
Trong thập kỷ qua, học phí và lệ phí đại học tư tại Mỹ đã tăng 26% lên khoảng 35.000 đô la một năm. Tuy nhiên, do sự gia tăng của các khoản tài trợ và miễn giảm từ thuế, chi phí thực tế thấp hơn. Vậy nhưng các gia đình có thu nhập thấp vẫn cảm thấy khó khăn vì bất bình đẳng gia tăng và tiền lương không tăng kể từ suy thoái kinh tế.
Luke Hodson, cựu sinh viên ngành kinh doanh tại trường Cao đẳng Berea và tốt nghiệp năm 2002, hiện đang là giám đốc tuyển sinh của trường, cho biết: "Việc chúng tôi đang làm là cố gắng xác định ai là người sẵn sàng cho việc học tập ở ngôi trường này? Ai phù hợp với trường? Bởi vì Cao đẳng Berea không dành cho tất cả mọi người.
Việc một sinh viên vừa có thể học toàn thời gian tại trường vừa có thể làm việc đòi hỏi kinh nghiệm thực tế cuộc sống. Và trường thì luôn cần những sinh viên vừa kiên trì vừa có thể quản lý tốt thời gian".
Kể từ khi thành lập vào năm 1855, Cao đẳng Berea vẫn luôn chấp nhận sinh viên người Mỹ gốc Phi và cả phụ nữ. Trường cũng đã mở cửa cho những người nước ngoài muốn nộp đơn xin học – những người có thị thực sinh viên như Alexandra Cvetanovska đến từ Macedonia.
"Đây chắc chắn là một cơ hội có thể thay đổi cuộc sống của một người đến từ một quốc gia nhỏ ở Đông Âu như tôi, cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời, đó là đi du học," Cvetanovska nói.
Còn sinh viên Salem Ben Saad, người Tunisia lại nói, "Tôi sẽ không bao giờ quên cơ hội mà trường Berea đã tặng mình”.
"Chắc chắn, được miễn học phí giống như là ban có một khoản đầu tư trị giá 100.000 đô la trong tương lai," sinh viên Dave Bell nói. "Sau bốn năm, điều này có ý nghĩa rất lớn khi tôi tốt nghiệp mà không còn bất kỳ khoản nợ nào phải trả. Điều đó càng thúc đẩy tôi muốn cống hiến lại cho cộng đồng, xã hội, đó cũng là lý do tại sao tôi đang cố gắng học thật tốt và trở thành một giáo viên giỏi".
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tổ Quốc