Lời trái tai với giấc mơ du học Mỹ của người Việt

0

Sẵn sàng du học – Nhà toán học Neal Koblitz – Giáo sư ĐH Washington tại Mỹ cảnh báo xu hướng vì sùng bái phương Tây mà quá coi trọng bằng cấp nước ngoài của người Việt.

Ngày 25/12, tại Viện toán học – Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, GS Neal Koblitz (Đại học Washington tại Seattle, Mỹ) đã có bài giảng đại chúng chủ đề Những thách thức trong giảng dạy toán học, từ bậc phổ thông đến bậc tiến sĩ. 

Theo GS Neal Koblitz, ở Việt Nam, con đường lập nghiệp của những người học toán thường là 1 trong 5 nhánh: (1) giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu, (2) vào các cơ quan nhà nước, (3) làm việc trong các công ty tư nhân, (4) rời Việt Nam ra nước ngoài (ta thường gọi là chảy máu chất xám), (5) cuối cùng thì họ có thể không làm toán nữa mà tìm việc khác để làm.

“Mục đích của chúng ta ngày hôm nay là làm cho điều  1 đến 3 khả thi. Để vì thế mà họ không cần điều 4 và điều 5” – GS Neal nhấn mạnh.

GS Neal Koblitz trong buổi giảng bài tại Viện toán học Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

GS Neal Koblitz trong buổi giảng bài tại Viện toán học Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

Theo ông, điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta mở rộng và nâng cao chất lượng các trường đại học (phát triển giáo dục đại học).

Thực tế, hiện nay nhiều đơn vị tự xưng là trường ĐH, song thực chất không phải như vậy. Đó là các ĐH vì lợi nhuận. Mục tiêu đầu tiên  của họ không phải là làm giáo dục mà là làm kinh tế. Cao nhất là họ đào tạo nghề thích hợp với những nghề nghiệp mức thấp. 

Chính vì lý do này nên Việt Nam cần ưu tiên cho việc cải thiện, cũng như nâng cấp chất lượng các trường ĐH quốc gia và địa phương. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt, và giúp đảm bảo việc làm chất lượng cao cho nghiên cứu sinh nhận bằng Tiến sỹ toán học thuần túy hay toán học ứng dụng. 

Cũng trong buổi nói chuyện, GS Neal đã lý giải tâm lý “sính ngoại, sính bằng cấp ngoại” ở Việt Nam và các nước đang phát triển. 

Ông cho biết, tại Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang có tâm lý sính ngoại, tức là có suy nghĩ tất cả những gì thuộc về những quốc gia phương Tây khác đều tốt hơn những gì mà nước mình đang có. 

Ở các nước đang phát triển, người dân có xu hướng sùng bái tâng bốc văn hóa, những cơ sở đào tạo của Mỹ hay các quốc gia châu Âu, và có xu hướng chê bai những trường ĐH hay những viện nghiên cứu của nước mình. 

Ví dụ rất nhiều người ở Ấn Độ hay Trung Quốc tin rằng tấm bằng của trường ĐH Alabama, là danh giá và có giá trị hơn tấm bằng tại Viện công nghệ Ấn Độ hoặc tại trường ĐH Thanh Hoa. Trong khi trường ĐH Alabama ở Mỹ chỉ nổi tiếng vì… đội bóng bầu dục. Còn ĐH Thanh Hoa hay Viện Công nghệ Ấn Độ lại nổi tiếng toàn thế giới vì chất lượng đào tạo.  

Ở Việt Nam, GS Neal cho rằng  tình trạng cũng tương tự. Một số người nghĩ rằng học rằng học tại trường Cao đẳng cộng đồng Houston (chi nhánh tại Việt Nam) hay tại ĐH Fulbright tốt hơn tại ĐH Quốc gia Hà Nội. 

“Hầu hết các trường ĐH ở Mỹ, kể cả trường tôi, chấp nhận ngày càng nhiều sinh viên đến từ Trung Quốc. Trong số này có nhiều sinh viên xuất sắc, xuất sắc hơn rất nhiều sinh viên Mỹ, nhưng một số sinh viên kém vẫn được nhận học mặc dù khả năng tiếng Anh thấp. 

Thiên vị này là một dạng ưu tiên đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có thể chi trả mức học cao. Điều này có nghĩa là những người trẻ có công việc thu nhập cao vì gia đình họ giàu chứ không phải vì thực lực của họ", ông nhấn mạnh.

Các trường ĐH Mỹ mở chi nhánh ở các quốc gia đang phát triển chủ yếu vì lý do tài chính, họ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ vì học phí cao. Họ bán thương hiệu và đang tạo điều kiện cho các con các gia đình khá giả, dù có lực học không tốt có cơ hội công việc tốt hơn”, vị giáo sư thẳng thắn nói.

“Trong một số trường hợp, tôi phản đối quan điểm Việt Nam nên bắt chước hệ thống của Mỹ. Trong các chuyến thăm của mình, tại các nước châu Á, châu Mỹ tôi thường nói hầu hết bài học của Mỹ các bạn không nên học theo. Thường là các bài học tiêu cực", vị GS chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo vị GS, trong lĩnh vực phát triển toán học có hai bài học tích cực mà Việt Nam có thể học hỏi từ Mỹ. Đầu tiên là cải thiện mở rộng các trường ĐH khu vực. Thứ hai là những nhà toán học nên trực tiếp giảng dạy các cử nhân, những sinh viên đã tốt nghiệp (nhưng không nhiều, đảm bảo cho việc nghiên cứu).

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Đất Việt 

Share.

Leave A Reply