Cho con du học sớm: Thử thách cho cả đứa trẻ và cha mẹ

0

Sẵn sàng du học – Biết cách chấp nhận thử thách, nhiều gia đình vẫn quyết định cho con ra nước ngoài khi vẫn đang học phổ thông với mong muốn có được môi trường phát triển tốt nhất cho con.

ivy

Đối diện với nhiều thách thức

Giáo dục chưa bao giờ là khoản đầu tư lỗ vốn, thế nên nhiều phụ huynh sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để con em mình tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thông qua các chương trình du học tại nhiều quốc gia phát triển. Nếu như trước đây, nhóm tuổi du học chủ yếu là 17 – 19 và 20 – 22 tuổi (chuyển tiếp đại học) thì những năm gần đây Việt Nam có tỷ lệ du học sớm tăng trưởng cao.

Ở độ tuổi 15 – 16 thậm chí ít hơn, các bậc phụ huynh đã nghĩ đến việc cho con đến học ở những môi trường hiện đại để có thể tự tin phát triển và thành công. Chị Trúc Ngân (Q.1) có con gái đang du học tại Mỹ chia sẻ: “Con gái tôi đã đi du học hai lần, một lần du học hè ở Anh trước khi chính thức sang học lớp 11 ở Mỹ. Cả hai lần con đi du học, tôi đều trải qua mọi cảm xúc, sợ hãi, hoang mang, vui mừng rồi lại sợ hãi, lo lắng. Nhưng có những bài học vô giá khiến tôi nhận ra quyết định cho con du học sớm của tôi dù khó khăn nhưng hoàn toàn xứng đáng”

Chị Ngân tâm sự: “Không riêng gì cha mẹ Việt Nam mà các bậc cha mẹ nói chung đều có tâm lý bảo bọc con cái. Ở nhà thì thay nhau đưa đón, khi đi du học thì lo con còn quá nhỏ chưa thể đi, chưa bao giờ xa gia đình một mình quá vài ngày làm sao có thể thân cô thế cô sang nước ngoài du học mấy năm. Rồi mọi nguy hiểm rình rập, lo con trầm cảm, cô đơn…

Nhưng các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, càng bao bọc con quá mức, con càng dễ thất bại. Chúng ta không thể bảo bọc con cả đời. Du học, ngoài lợi ích giáo dục, thì đây chính là cách tốt nhất để con trưởng thành. Tôi lo sợ khi con gái bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia, nhưng chẳng thà tôi để con học cách đương đầu còn hơn nghĩ đến một ngày con không có đủ kỹ năng để giải quyết va chạm cuộc sống”.

Cũng quyết định cho con du học New Zealand khi con bắt đầu vào lớp 10, anh Ngọc Huy (Q.2) cho biết, cho con đi du học khi mới 15 tuổi quả thật là một thử thách lớn cả với con và cha mẹ. Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ anh thấy nếu chọn được trường tốt, an toàn và hiện đại con trẻ sẽ bắt nhịp tốt hơn ở bậc học cao hơn, có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Thực tế con anh đã ổn sau hơn 6 tháng đi du học bởi môi trường rất tuyệt vời, cả dạy và học hay các điều kiện sống đều được đảm bảo.

Luôn là con dao 2 lưỡi

Các chuyên gia tâm lý cho biết, độ tuổi trung học là độ tuổi của những thay đổi về tâm sinh lý. Học sinh ở độ tuổi này thường vẫn được sống trong sự bao bọc của gia đình nên khi đến một đất nước khác, mức độ tự lập của bản thân sẽ phải thay đổi. Hoặc các em sẽ chủ động, bản lĩnh, tự lập hơn, hoặc sẽ bết bát hơn dẫn đến những hệ lụy rất khó lường.

Theo ThS Phạm Cúc Hà, chuyên gia giáo dục Úc, SACE College VN, phương pháp giảng dạy ở những hệ thống giáo dục nước ngoài yêu cầu học sinh phải chủ động và có thói quen học tập độc lập, trong khi phần lớn học sinh Việt Nam vốn vẫn quen với phương pháp đọc chép, học thuộc lòng từ bậc tiểu học đến THCS, thậm chí cả THPT. Vì thế, để chuẩn bị cho du học, các em phải chuẩn bị từ cách học mới.

Bên cạnh đó, khi du học sớm, học sinh phải đối mặt với việc tự lập sớm trong khi nhiều học sinh chưa sẵn sàng sống xa bố mẹ ở độ tuổi này, không biết cách tự quản lý thời gian đến chi phí sinh hoạt, dễ dẫn đến việc “tự tung tự tác” không có ai quản lý. Khi bước chân vào môi trường học tập ở nước ngoài, nhiều học sinh phải vất vả vật lộn để thích nghi với phương pháp học tập mới, đòi hỏi những kỹ năng như độc lập nghiên cứu, phản biện, viết bài luận và trình bày, làm việc nhóm mà không phải một sớm một chiều có thể học được. Kết quả, nhiều học sinh bị trầm cảm, phải nghỉ hoặc tạm dừng học để hồi phục sức khỏe, tinh thần.

Mặc dù luôn là con dao 2 lưỡi nhưng rõ ràng thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều các bậc phụ huynh lựa chọn con đường du học sớm cho con, giống như tâm sự của chị Trúc Ngân: “Với tôi cho con du học không phải là giấc mơ Mỹ. Cho con du học là kết quả của hàng đêm suy nghĩ và cân nhắc, là gửi gắm hy vọng của tôi cho con một tương lai tốt hơn chúng tôi bây giờ. Thế giới lúc nào cũng có nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy, nhưng có đi mới có trưởng thành. Tôi yêu con theo cách cho con tự tiến tới bằng chính khả năng của mình”.

Thái Hải (SSDH) – Theo VOV

Share.

Leave A Reply