SSDH – Các bạn cần tìm hiểu kỹ về nước Nga, từ con người cho đến nét văn hóa khi quyết định chọn nơi đây là điểm du học lý tưởng, có như vậy bạn mới có thể tồn tại khi sống xa vòng tay yêu thương của gia đình.
Được ra nước ngoài du học là điều mong ước của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, con đường học tập có nhiều chông gai, chướng ngại tâm lý, tình cảm cần phải vượt qua, nhất là những người lần đầu tiên xa nhà… Đó là cảm nhận chung của hầu hết các du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới.
Hãy cùng lắng nghe một chút kinh nghiệm cho những ai mong muốn đi du học, đặc biệt là tại nước Nga xinh đẹp cũng như những bạn mới sang còn nhiều bỡ ngỡ:
Thứ nhất, thời tiết ở Nga rất phức tạp. Mùa đông thường rất lạnh, kéo dài khoảng từ hai đến bốn tháng, mức lạnh nhất mà tôi từng trải qua là -28°C. Do vậy, các bạn hãy chuẩn bị áo quần, khăn, mũ ấm đầy đủ.
Mùa đông nước Nga vốn được mệnh danh khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Một kinh nghiệm nhỏ là các bạn không nên mua áo ấm từ nhà rồi mang sang đây vì nó không đủ độ ấm. Một chiếc áo ấm bên này giá cũng không quá đắt, chỉ từ 1500 rup/áo trở lên (xấp xỉ 900.000 đồng).
Đừng vội chất nặng vali hành lý, hãy sang tận nơi để kiếm chiếc áo ấm chịu được cái lạnh của Nga nha!
Thứ hai, các bạn phải nhớ mang theo đủ các loại thuốc cần thiết, nhất là thuốc cảm cúm, đau bụng… vì bên này thuốc khá đắt. Bạn phải đi khám sức khoẻ ở bệnh viện trước rồi mới ra hiệu thuốc mua được.
Mách nhỏ cho những ai mắc những căn bệnh liên quan đến thời tiết, tốt nhất các bạn nên chữa khỏi ở nhà trước khi qua đây, giả dụ như căn bệnh viêm xoang nó rất kỵ lạnh. Và thời tiết tại Nga thì bạn biết đấy – luôn luôn lạnh.
Thời tiết lạnh tại Nga hoàn toàn không phù hợp cho chiếc mũi “nhạy cảm” của bạn đâu nhé.
Khi học thể dục ngoài trời hay đi ra ngoài trong thời tiết lạnh bạn sẽ bị sổ mũi, đau nhức ở vùng đầu. Nếu bạn không kịp chữa trị thì hãy mang theo một chiếc khăn bản to để che được vùng mũi khi đi ra ngoài, điều đó sẽ giảm được lạnh cho mũi hơn đấy.
Thứ ba, một điểm lạ tại xứ Bạch Dương là người Nga sẽ “xa lánh” nếu bạn mang khẩu trang khi đi ngoài đường, vì họ nghĩ bạn đang mắc một căn bệnh “dễ lây lan” nào đó. Các bạn hãy chú ý điều đó nhé.
Đeo khẩu trang tại Nga đồng nghĩa với việc bạn bị mắc bệnh truyền nhiễm.
Thứ tư, học phí ở Nga không quá cao như Mỹ, Anh, Pháp. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn không quá dư giả thì hãy xem xét kỹ, tùy theo từng ngành học và trường bạn đến học.
- Hệ dự bị: 1.000 – 2.000 USD/năm.
- Hệ đại học: 1.200 – 4.500 USD/năm (đối với ngành Y thì khá đắt, bạn của tôi vừa rồi đóng đến 130.000 rup (xấp xỉ 4000 USD).
- Sau đại học: 1.500 – 5.000 USD/năm.
Mức học phí trên chỉ áp dụng tại các thành phố tỉnh lẻ thôi, còn ở thủ đô Moscow thì đắt hơn rất nhiều.
Moscow hào nhoáng kéo theo mức học phí cũng khá là “sang chảnh”.
Thứ năm là vấn đề chi tiêu hằng ngày: Một lời khuyên cho các bạn là khi mua bất kỳ vật gì ở bên này thì bạn không nên hoán đổi ra tiền Việt làm gì bởi nếu bạn tính thế thì sẽ chẳng dám mua cái gì cả bởi một gói mì tôm ở đây giá khoảng 20 rup (khoảng 15 ngàn đồng).
Điểm đáng lưu ý là ở Nga là rất ít rau. Bạn sẽ dần phải làm quen với những bữa ăn toàn ăn thịt đến nỗi ngán ngẩm. Bên cạnh đó, đồ điện tử ở Nga cũng không hề rẻ nên bạn cần lưu ý với túi tiền khi mua một món đồ đắt tiền nào đó.
“Phần thịt thật to mà phần rau thật nhỏ” nhé!
Thứ sáu, người Nga cũng như phương Tây không ăn cơm nhưng vẫn có gạo, bạn không phải lo lắng khoản này. Ở siêu thị họ bán từng túi gạo nhỏ tầm 1kg, tuy nhiên loại gạo không phong phú như ở Việt Nam.
Người Nga cũng có ba bữa ăn. Buổi sáng họ sẽ ăn nhẹ bằng những món như cháo hoặc là cơm với cá và 1 ly cà phê. Bữa trưa là bữa chính của họ, chắc chắn sẽ có món soup (canh), món chính là thịt xào với rau cải… món phụ là salad.
Bữa tối người Nga thường ăn nhẹ như cháo, khoai tây nghiền và nước uống thường là trà xanh. Đây là thực đơn thông thường còn thực đơn trong mỗi gia đình sẽ có sự khác nhau bạn nhé).
Du học sinh việt tại Nga khỏi phải nhớ cơm nhà nữa nhé!
Thứ bảy, người dân nơi đây luôn coi trọng việc xếp hàng, bởi vậy khi đi du học, các bạn hãy nhớ kỹ điều này, đừng chen lấn xô đẩy khi mua bất cứ thứ gì.
Thứ tám, hãy nói cảm ơn và xin lỗi thường xuyên. Có thể nhiều bạn không tin nhưng người Nga luôn nói cảm ơn khi bạn giúp họ, cho dù thứ nhỏ nhặt nhất và xin lỗi khi làm sai. Đó là phép lịch sự tối thiểu của người dân nơi đây.
Một lời xin lỗi hay cảm ơn ở bất cứ nền văn hóa nào đều vô cùng cần thiết.
Thứ chín, khi sang Nga cũng như những nước khác, bạn không nên đi ra đường một mình vào đêm khuya bởi điều này rất nguy hiểm. Nếu cần thiết, hãy đi cùng bạn bè của bạn.
Luôn chú ý để giữ an toàn cho bản thân bạn nhé!
Cuối cùng, bạn hãy tự tạo cho mình cuộc sống tự lập. Học xa nhà, xa bố mẹ, không ai lo cho bạn cả, khi ốm đau bạn phải tự nấu ăn, giặt quần áo. Bởi thế, nếu muốn đi du học hãy tự làm mọi thứ nếu có thể làm được, đừng ỷ vào người khác kể cả việc học. Ở xa không có bố mẹ nhắc nhở, bạn hãy tự học để nắm lấy tương lai trong bàn tay.
Chúc bạn có những ngày tháng học tập tuyệt vời tại Nga!
Hy vọng chút kinh nghiệm nhỏ nhoi của tôi sẽ giúp ích được cho những bạn mong muốn đi du học, đặc biệt là xứ sở Bạch Dương diệu kỳ này. Chúc các bạn thành công.
Nguồn: Trithuctre