Sẵn sàng du học – Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chọn chương trình Aupair để trải nghiệm cuộc sống trẻ tuổi của mình. Aupair phổ biến tại các nước Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Áo, Đan Mạch, Nauy. Thụy Sĩ… SSDH giới thiệu với bạn bài viết của Diệu Linh – một cựu Aupair Thụy Sĩ dưới đây, hi vọng các bạn sẽ tìm được điểm đến cho mình nhé.
Hallo các bạn, mình là cựu Aupair ở Thuỵ Sĩ. Thấy nhiều bạn muốn tìm hiểu về Aupair ở Thuỵ Sĩ mà số lượng bài viết về nó còn hạn chế nên mình viết bài này là muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn muốn đi Aupair tự túc mà không cần qua trung tâm. Mình tìm được Gast trên Aupairworld vào tháng 1 năm 2018, tháng 5 mình nhận được Visa và tháng 8 mình bay. Bài viết khá dài nhưng rất chi tiết, mong là sẽ giúp ích được cho các bạn.
Sơ qua về mình đó là năm đó mình vừa mới tốt nghiệp ĐHNN khoa tiếng Đức, vì thế mình không phải thi hay lấy chứng chỉ tiếng Đức nào để đi cả. Đối với các bạn k phải sv khoa Đức thì chỉ cần bằng A1 thôi.
Sơ qua về Aupair Thuỵ Sĩ:
Nếu so sánh với Aupair Đức thì thật sự thủ tục không hề phức tạp về phía Aupair, vấn đề duy nhất là bạn phải tìm được Gast ở Thuỵ Sĩ mà số lượng lại cực kỳ hạn chế. Bởi vì Thuỵ Sĩ đa phần họ tìm Aupair ở EU (mặc dù TS ko nằm trong EU), và một số bang không cho phép Aupair ngoài EU làm việc ở TS (cái này mình biết khi tự tìm hiểu). Lương sẽ cao hơn so với Đức, đương nhiên vì đây là đất nước cực kỳ đắt đỏ, lương thì sẽ tuỳ thuộc vào bang và rơi vào khoảng 500-800 CHF (khoảng 460-740e) 1 tháng. Ngoài ra nhà Gast sẽ hỗ trợ cho bạn toàn bộ chi phí khoá học (thay vì chỉ 50e 1 tháng như ở Đức). Và 1 điều hấp dẫn nữa là họ phải trả cho bạn tiền vé máy bay chiều đi (chiều về bạn tự trả hoặc nếu nhà Gast hào phóng thì có thể trả cho bạn luôn). Tiền tàu xe cũng được Gast mua vé năm ở khu vực bạn sống nếu như công việc của bạn phải đưa đón trẻ hằng ngày bằng phương tiện giao thông.
Còn về khó khăn khi là Aupair ở Thuỵ Sĩ?
Ngoài những vấn đề muôn thuở và mọi người sợ nhất đó chính là gặp nhà Gast không nett, bóc lột lao động, khó hoà nhập hay Kinder không ngoan,… thì đó là ngôn ngữ giao tiếp và văn hoá. Ở Đức ngôn ngữ giao tiếp là Hochdeutsch (tiếng Đức phổ thông), thì ở TS là tiếng Đức-Thuỵ Sĩ (một ngôn ngữ hoàn toàn khác xa so với tiếng Đức), họ nói mình không hiểu gì đâu, đến người Đức còn không hiểu huống chi mình người nước ngoài. Vậy nên điều quan trọng nữa là nhà Gast nói được Hochdeutsch, Kinder cũng nói được Hochdeutsch. Nếu không sẽ có tình trạng bạn giao tiếp được với Gast nhưng đến lúc Kinder nói bạn lại chẳng hiểu gì và phải cần Gast phiên dịch. Gast mình thì mẹ là người Áo nhưng nói Hochdeutsch siêu chuẩn dễ hiểu, còn Gast bố người Thuỵ Sĩ nên giọng sẽ khó nghe hơn. Bọn trẻ thì rất may học theo mẹ nên đều nói được Hochdeutsch nên mình không có gặp khó khăn gì khi giao tiếp cả. Còn văn viết ở TS thì là Hochdeutsch không có Dialekt, sách báo hay tàu xe nghe loa cũng là Hochdeutsch hết nên các bạn hoàn toàn yên tâm khi sống ở đây nhé.
Tìm Gast ở Thụy Sĩ như thế nào?
Các bạn có thể tìm trên Aupairworld như mình, các trang Aupair hay trên FB. Nhưng mà số lượng rất ít, năm mình tìm hầu như chẳng có thông tin hay quen biết được ai là người Việt đang là Aupair ở Thuỵ Sĩ cả. Rất may là mình tìm được Gast của mình, họ chưa có Aupair ngoài EU bao giờ nên họ cũng phải tìm Agentur để tìm hiểu xem họ và mình cần những giấy tờ thủ tục gì. Như hiện tại mình biết, thì bang Bern, Basel-Landschaft có nhận Aupair Việt. Bang Solothurn và bang Zürich không nhận Aupair ngoài EU (cái này theo luật rồi). Ngoài ra Thuỵ Sĩ có 26 bang tất cả nên bạn nên hỏi Gast là bang họ có chấp nhận Aupair Việt ko, nếu có thì hẵng làm thủ tục nhé.
Hồ sơ thủ tục cần những gì?
Sau khi làm quen trò chuyện với nhau một thời gian, skype với gia đình nhà Gast, cạnh tranh với những bạn Aupair ở các nước khác, thì Gast mình quyết định chọn mình. Sẽ có nhiều gia đình ưu tiên chọn Aupair ở EU hơn vì thứ nhất, hồ sơ không phức tạp và phải chờ đợi rồi xin visa như mình, thứ hai là chi phí vé máy bay sẽ rẻ hơn… Thế nên gia đình Gast phải giải trình lý do tại sao lại tìm Aupair ngoài EU để thuyết phục Behörde cấp Zustimmung, Einreiseerlaubnis (giấy tờ cấp phép nhập cảnh và làm việc ở TS) cho mình. Hồ sơ từ phía mình lúc đó chỉ cần mỗi hộ chiếu copy và Lebenslauf gửi cho Gast thôi. Ngoài ra còn có hợp đồng lao động do 2 bên ký. Những giấy tờ khác Gast sẽ lo hết để làm thủ tục ở TS. Sau đúng 6 tuần thì có kết quả, mình nhận được Zustimmung của TS. Mình mang hết giấy tờ này, hộ chiếu, tờ khai thị thực, hợp đồng, ảnh hộ chiếu, và gửi bưu điện cho Lãnh Sự quán Thuỵ Sĩ ở TP HCM. Mặc dù mình ở HN nhưng hồi đó (mình k biết bâyh thế nào) chỉ có LSQ TS ở TP HCM mới cấp visa Aupair TS thôi. Trước đó mình có gọi điện cho LSQ hỏi họ xem mình có phải trực tiếp bay đến đó để nộp hồ sơ, phỏng vấn hay lăn tay gì không nhưng không cần, chỉ cần nộp hồ sơ qua bưu điện cùng lệ phí (khoảng 1tr6). Và sau 1 tuần mình nhận được hộ chiếu trả về tận nhà cùng với đó là visa TS 3 tháng. Bởi vì bên TS đã cấp Zu cho mình, nghĩa là coi như mình được phép làm Aupair ở TS rồi nên bên LSQ không thể có lý do gì không cấp visa cho mình cả, nên thủ tục rất nhanh. Điều quan trọng nhất trong quá trình này là bạn có nhận được Zu từ cơ quan ở TS hay không thôi. Mình đã từng hỏi Gast sao họ cấp Zu cho mình thì Gast bảo thứ nhất là cho tới thời điểm đó không có (hoặc ít) trường hợp xấu từ VN sống bất hợp pháp ở đấy. Thứ hai là Gast đã viết thư riêng giải trình là tại sao lại chọn mình làm Aupair để thuyết phục Behörde (cái này thay cho Motivation của mình luôn, mình k phải viết), vd như là vì mình có thể làm liền 1 năm, trong khi những bạn Aupair nước khác chỉ muốn làm vài ba tháng, mình là sv khoa Đức, yêu tiếng Đức và có dạy tiếng Đức nên là muốn trao đổi văn hoá ngôn ngữ để sau này có thể làm Deutschlehrerin… Nói chung là từ những cái đó mà Gast viết thì mình nghĩ cũng đủ để thuyết phục bên Behörde cấp Zu cho mình.
Nghe thì có vẻ xa vời với những bạn không học khoa Đức, nhưng mình quen biết một số bạn Aupair ở TS không phải khoa Đức như mình, các bạn ý cũng chỉ A1, A2 thôi nhưng vẫn là Aupair TS được nhé. Thủ tục và cách thức cũng khác mình một chút, thậm chí đơn giản hơn, ở trên chỉ là trải nghiệm riêng của bản thân mình thôi. Ngoài ra nếu không tự tin tiếng Đức các bạn có thể giao tiếp với Gast bằng tiếng Anh cũng được.
Cảm nhận của mình về Aupair:
Phải nói thật là cuộc sống Aupair nó có muôn màu muôn vẻ lắm, và nó phụ thuộc rất nhiều vào Gast của bạn, công việc cũng như thời gian mà bạn làm. Nếu gặp gia đình không tốt thì bạn có thể sẽ bị bóc lột sức lao động, hay là 2 bên không hoà hợp, không có tiếng nói chung với nhau (vì vậy mà khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp cũng góp phần rất quan trọng), ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nữa… Thế nên mỗi bạn Aupair sẽ có những trải nghiệm riêng khác nhau. Có nhiều người có khoảng thời gian Aupair rất là thích, có những bạn lại không may có trải nghiệm không mấy tốt đẹp hay thậm chí rất đáng sợ. Nếu gặp Gastfamilie không hợp với mình hay thậm chí không tốt, sống một thời gian đến khi không chịu được nữa thì phải đổi Gast để giải thoát cho mình. Nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều với những bạn Aupair như chúng mình đó là khi mình đơn độc một mình giữa đất khách quê người và phải sử dụng ngoại ngữ, không có người thân giúp đỡ mà phải tự mình tìm hiểu và tìm sự giúp đỡ của người khác.
Trước khi đi Aupair mình cũng đã định hình sẵn trong đầu là ôi nó không màu hồng đâu, không phải đi Aupair là đồng nghĩa với việc đi du lịch khắp nơi đâu. Có khi thậm chí làm việc rất cực, bị bắt nạt, hay còn chả đủ tiền cũng chẳng có thời gian mà đi chơi vì lương thấp, thời gian làm việc nhiều, cuối tuần không được nghỉ… Nhưng mà, phải thử, không thử sao biết. Mỗi người đều có trải nghiệm của riêng mình, không ai giống ai. Mình phải nghe kinh nghiệm từ nhiều người khác nhau, không nên chỉ nghe những lời mật ngọt cám dỗ quá, màu hồng quá (nếu không sẽ bị vỡ mộng khi thực tế mình không thấy vậy), cũng không nên chỉ đọc những bài viết tiêu cực về Aupair nhiều quá (nếu không sẽ thấy sợ hãi và không dám đi nữa luôn). Trước khi đi Aupair cần xác định cho mình thứ nhất là khả năng ngôn ngữ, liệu bạn có đủ tự tin để bước chân sang đây một mình với khả năng ngoại ngữ của bạn để giao tiếp và trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài. Vì mình biết nhiều bạn sang đây bị sock ngôn ngữ, mặc dù đã học A2, B1 hay thậm chí B2, C1 nhưng sang đây nói chuyện với người ta không hiểu gì luôn hay gặp khó khăn với việc giao tiếp (thực ra đó là chuyện hết sức bình thường khi lần đầu chân ướt chân ráo bước sang đây). Nhưng dần rồi sẽ quen, quan trọng là bạn không ngại nói, không ngại giao tiếp và không sợ nói sai, rồi dần dần bạn sẽ cải thiện được. Thứ hai là bạn có thể đủ bản lĩnh tự tin để có thể rời xa cuộc sống bên cạnh gia đình, bạn bè người thân và bước sang đây sống cùng một gia đình người bản xứ với ngôn ngữ và văn hoá hoàn toàn khác. Thứ ba là bạn cũng phải biết được nhiều mặt của cuộc sống Aupair, có sướng có khổ, có vui có tủi hờn, và phải chuẩn bị tâm lý thật tốt, tìm hiểu thêm nhiều về văn hoá, cuộc sống ở nhà Gastfamilie cũng như đất nước mà bạn đặt chân đến. Vì thế hãy cố gắng tìm hiểu tìm hiểu tìm hiểu thật kỹ và trải nghiệm trải nghiệm trải nghiệm thật nhiều. Mỗi người đi Aupair đều có những mục đích khác nhau, nhưng dù vì gì đi nữa mình cũng mong các bạn Aupair đem lại trải nghiệm tốt đẹp cho nước họ để tạo cơ hội tiền đề tốt cho các thế hệ Aupair Việt sau này nhé.
Tất cả những thứ trên mình viết theo cảm nhận và kinh nghiệm thực tế cá nhân của mình, mong có thể giúp ích được cho những bạn đang tìm hiểu về Aupair. Trước mình cũng tự tìm hiểu từ những bài chia sẻ của mọi người trong group và đã giúp mình rất nhiều, thế nên mình cũng muốn chia sẻ cho các bạn Aupair ở thế hệ sau. Các bạn muốn hỏi gì thì cứ hỏi mình, nếu mình biết sẽ giái đáp cho các bạn nhé.
SSDH sưu tầm