SSDH – Chỉ với 03 bước đơn giản này, bầu trời Âu thơ mộng nơi đất Pháp sẽ không còn chỉ là một giấc mơ với bạn.
Nổi tiếng với nền giáo dục chất lượng cao cùng mức học phí hấp dẫn, Pháp hiện là điểm đến lý tưởng của hàng trăm du học sinh Việt mỗi năm. Vậy, du học Pháp liệu có quá xa vời như bạn hằng tưởng không? Chỉ với 03 bước sau, bầu trời Âu thơ mộng nơi đất Pháp sẽ không còn chỉ là một giấc mơ với bạn.
Du học Pháp có quá xa vời như bạn tưởng?
Bước 1: Học tiếng Pháp
Để có thể đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường đại học công lập của Pháp, bạn bắt buộc phải thi chứng chỉ TCF (bài kiểm tra trình độ tiếng Pháp) với kết quả đạt từ 400 điểm trở lên hoặc thi đạt chứng chỉ DELF B2 trở lên. Yêu cầu này có vẻ khá “khó nhằn” đối với những bạn không biết tiếng Pháp mong muốn du học tại đây. Thực chất, Pháp còn có các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các chương trình này thường cho bạn rất ít lựa chọn về ngành nghề cũng như trường học, và đi cùng với đó là khoản học phí khá “chát” (khoảng 10.000 euro/năm, tương đương 246 triệu đồng). Chính vì lẽ đó, biết tiếng Pháp là một lợi thế rất lớn đối với những bạn dự định nộp hồ sơ tuyển.
Biết tiếng Pháp là một lợi thế!
Được sử dụng bởi 470 triệu người tại 57 quốc gia, tiếng Pháp là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 9 trên thế giới. Ấn tượng đầu tiên của một người mới học tiếng Pháp có vẻ như luôn là: “Có nhiều từ và nhiều dạng ngữ pháp cũng “na ná” tiếng Anh nhỉ”. Thật vậy, tiếng Anh và tiếng Pháp cùng dùng chung một bảng chữ cái Latin. Tiếng Anh có tới gần 8000 từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Hơn nữa, học tiếng Pháp, bạn không những học được cách suy nghĩ chặt chẽ của người Pháp qua từng cấu trúc câu, mà còn học được cả cái sáng tạo duyên dáng của người dân xứ Gô-loa. Nếu đã quen với câu “Anh nhớ em” trong tiếng Việt, hay “I miss you” trong tiếng Anh, bạn hẳn sẽ rất bất ngờ khi biết người Pháp nói câu này hoàn toàn ngược lại: “Tu me manques”, tức “You are missing from me”, hay “Em khiến anh cảm thấy trống vắng”.
Chưa hết, thứ ngôn ngữ đầy chất nhạc này được họ phát âm thật tròn, thật trong mà vô cùng uyển chuyển. Quả thật, không phải tình cờ mà tiếng Pháp được mệnh danh là thứ ngôn ngữ trữ tình, không phải tình cờ mà “Amour” – một từ tiếng Pháp – được các chuyên gia ngôn ngữ bầu chọn là từ lãng mạn nhất hành tinh.
Bức tường “Je t’aime” tại Paris.
“Học tiếng Pháp khó lắm, khó nhất ở khoản chia động từ. Tiếng Pháp có đến 20 thì (temps) và 6 thức (modes). Chia động từ tiếng Pháp rắc rối đến mức các thầy cô thường hay nói đùa rằng đến người Pháp còn chia sai, thế nên phải dựa vào “linh cảm ngoại ngữ” mà chia thôi. Khó là thế nhưng tớ không sợ đâu nhé, vì tớ tin vào “linh cảm ngoại ngữ” của tớ mà (cười).” – Nguyễn Phước Duy, sinh viên Đại học Paris 12.
Tớ tin vào “linh cảm ngoại ngữ” của tớ mà! – Nguyễn Phước Duy, sinh viên Đại học Paris 12.
“Tớ mới học tiếng Pháp được khoảng một năm rưỡi. Khó khăn lớn nhất của tớ là làm sao để phản ứng cho nhanh, để có thể dễ dàng giao tiếp bằng thứ ngoại ngữ mới mẻ này. Nhưng cứ mỗi khi lời bài hát “La vie en rose” vang lên từ chiếc loa trong phòng tớ, là tớ lại đắm chìm trong thế giới của âm nhạc, của thơ ca kịch nghệ xứ Pháp và quên bẵng đi mọi trở ngại trên con đường đến với ngôn ngữ và đất nước thơ mộng này.” – Vũ Thùy Ngân, cựu du học sinh Pháp.
Ngân từng tham gia một khóa học ngắn về ngôn ngữ Pháp tại Paris hè 2014.
Bước 2: Chọn ngành học, trường đại học, và thành phố
Giáo dục Pháp vốn nổi tiếng bởi ngành Quản lý Kinh tế với chất lượng cao được công nhận trên toàn thế giới. Chính vì vậy, hàng năm, lượng sinh viên quốc tế đến Pháp theo học ngành này luôn chiếm phần đông (hơn 80%). Ngoài ra, với những thành công nhất định trong nghiên cứu khoa học cùng số lượng giải Nobel hay huy chương Fields đáng nể (59 giải Nobel và 10 huy chương Fields. Giáo sư Ngô Bảo Châu dành huy chương Fields vào năm 2010), Pháp cũng khẳng định trên trường quốc tế là một quốc gia có nền khoa học và nghiên cứu tiên tiến, năng động. Chưa hết, đất nước hình lục lăng còn được biết đến như cái nôi của thời trang cao cấp, của Coco Chanel, của Hermes… Vì vậy, thật dễ hiểu khi số lượng sinh viên cắp sách đến đây theo học Thời trang hay Nghệ thuật luôn chiếm phần không nhỏ.
Pháp có nhiều trường đại học và trường lớn xếp hạng top đầu thế giới như Trường Sư Phạm (ENS), Trường Bách Khoa (École Polytechnique) hay Trường Đại Học Paris VI (Université Pierre et Marie Curie)… Với môi trường sư phạm năng động cùng sự liên kết chặt chẽ giữa các trường và các doanh nghiệp, sinh viên học tập tại Pháp được trang bị kĩ những kĩ năng thiết thực để hòa nhập tốt với môi trường việc làm và nhiều cơ hội được tuyển dụng sau khi kết thúc khóa thực tập bắt buộc. Nhờ chất lượng giáo dục uy tín, bằng cấp của Pháp được công nhận trên toàn châu Âu.
Bằng cấp của Pháp được công nhận trên toàn châu Âu.
Nói đến Pháp là nói đến tháp Eiffel – biểu tượng của “kinh đô hoa lệ”, Khải Hoàn Môn lộng lẫy, hay cung điện Versailles cổ kính. Nhưng Pháp không chỉ có Paris. Pháp còn có thành phố hồng Toulouse, có Nancy nhộn nhịp, có Amiens yên bình, có Bordeaux với cánh đồng nho trải dài bất tận, và có Provence với vườn oải hương bát ngát. Hãy yên tâm bạn nhé, vì ở mọi nơi trên đất Pháp, hội đồng hương du học sinh Việt sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng cùng bạn xua tan mọi bỡ ngỡ thuở mới sang, đem lại hơi ấm quê hương đến từng người con xa xứ.
Pháp còn có thành phố hồng Toulouse.
… có Amiens yên bình.
… và có Provence với vườn oải hương bát ngát.
Bước 3: Tiến hành quy trình Campus France
Campus France là quy trình bắt buộc đối với mọi sinh viên đi du học Pháp. Tùy theo chương trình đào tạo mà bạn sẽ phải đăng ký trực tiếp với trường (song song với quy trình Campus France).
Lịch mở hồ sơ trên trang web bắt đầu từ giữa tháng 11 cho các bạn muốn nhập học vào tháng 09 năm kế tiếp. Sau khi hoàn thành hồ sơ điện tử, bạn sẽ phải thực hiện phỏng vấn tại văn phòng Campus France tại Việt Nam. Cuộc phỏng vấn này thường diễn ra trong vòng 30 phút với mục đích hoàn thiện, xác nhận hồ sơ điện tử. Bạn sẽ phải mang toàn bộ hồ sơ giấy tờ nhằm giúp cán bộ Campus France kiểm tra và xác nhận khớp với hồ sơ điện tử. Quá trình phỏng vấn hoàn toàn không áp lực và không mang tính chất “đánh trượt”. Sau khi cuộc phỏng vấn hoàn tất, hồ sơ của bạn sẽ được xác nhận và gửi đến các trường theo thứ tự nguyện vọng. Các cán bộ Campus France rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp mọi thắc mắc của các bạn trong suốt quy trình, từ những bước đầu tiên cho đến khi nộp hồ sơ xin thị thực.
Hội du học sinh Việt Nam tại Pháp luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Chúc các bạn thành công với 03 bước trên và hẹn gặp lại tại Pháp – xứ sở của rượu vang và bánh mì nhé!
Nguồn: Trí Thức Trẻ