SSDH – Đôi khi bài học giá trị nhất mà các doanh nhân nhận được lại đến từ những lần vấp ngã, tự mình đứng dậy và áp dụng những gì họ học vào dự án kế tiếp.
Chúng tôi đã hỏi những doanh nhân thành đạt và nghe họ chia sẻ về những điều không đúng lớn nhất họ được dạy từ các chương trình kinh doanh. Dưới đây là một vài điều trong số đó:
1. Trước tiên hãy phác thảo toàn bộ kế hoạch
Các trường kinh doanh luôn nhấn mạnh đến việc lập kế hoạch (lập kế hoạch và lại lập kế hoạch). Nhưng khi bạn đang phải điều hành một công ty, thì thậm chí một thay đổi nhỏ trong ngành cũng có thể khiến các bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo bị ném ra ngoài cửa sổ.
“Trong học thuật, luôn có một cách duy nhất để chiến thắng“, Kristin Smith, CEO của Code Fellows, một trường lập trình phần mềm tại Seattle nói. “Nhưng kinh doanh không đi theo đường tuyến tính.” Thay vào đó, chúng lộn xộn và khó đoán trước, được ghi dấu bởi các thử nghiệm, thất bại và các bài học.
Dĩ nhiên là một tấm bằng kinh doanh sẽ trang bị cho bạn nhiều công cụ hữu ích mà bạn cần để điều hành một công ty. “Nhưng bạn có thể áp dụng chúng theo rất nhiều cấp độ khác nhau. Có thể bạn đang sử dụng chiếc búa theo một cách không đúng công dụng của nó.”, Smith nói.
Cô cũng nhấn mạnh rằng đừng nên nghĩ ngợi quá nhiều và quá kỹ thuật hóa ý tưởng của bạn. Thời gian có thể ngừng lại trong lớp học, nhưng việc đó không bao giờ xảy ra trên thị trường.
2. Bạn có thể biến phương án của mình thành một ý tưởng tốt
Ở trường kinh doanh, dữ liệu là ông vua. Nhưng nhiều sinh viên đã học được rằng bạn không thể dùng những bảng tính để biến phương án của mình trở thành một dịch vụ hoặc sản phẩm thành công được.
Katherine Long, cựu sinh viên của trường đại học Pennsylvania Wharton đã bắt đầu việc kinh doanh với số vốn lên tới 7 con số vào năm 2013, ngay sau khi cô tốt nghiệp. Chắc chắn là những bài tập tính toán A/B tại trường là những chỉ dẫn ban đầu. Nhưng khi theo đuổi một ý tưởng kinh doanh, cô đã nhận ra một nhu cầu cấp bách của bản thân mình và các sinh viên cùng lớp đó là: những mẫu thiết kế logo, website, ứng dụng di động và các tài liệu marketing khác với giá cả phải chăng và chất lượng cao.
“Đó thực sự là điều xảy đến với hầu hết các doanh nhân,” Long nói. “Bạn gặp phải một vấn đề, và bạn tìm ra cách để giải quyết nó. Bạn phải sử dụng trực giác và sự sáng tạo của mình, bởi đó không phải là điều bạn có thể làm với một mớ dữ liệu.
Smith đồng quan điểm rằng: “quá nhiều những bạn trẻ thông minh bước vào con đường kinh doanh mà lại quên mất việc thoát ra khỏi suy nghĩ thông thường và thâm nhập vào thực tế,” Smith nói.
3. Bạn phải làm những điều không thích trước khi đạt được điều mình muốn
Khác với những điều mà các giáo sư kinh tế có thể nói, bạn không cần phải làm trong môi trường doanh nghiệp trước khi thành lập công ty riêng. “Luôn có áp lực khi nói chuyện với các nhà tuyển dụng doanh nghiệp,” Long nói, người hướng dẫn và các cố vấn của cô đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc khởi đầu sự nghiệp với một nhà tuyển dụng tầm cỡ.
Không như nhiều bạn đồng môn, Long đã không đâm đầu vào các công việc truyền thống ở phố Wall sau khi tốt nghiệp. Hơn là việc có một lý lịch làm việc ấn tượng, cô tin rằng “tính bền bỉ và gan góc” là những tốt chất cần để thành công khi lập nghiệp. Công ty của cô, Illustria Designs có trụ sở tại Bethesda, Md. với khoảng 20 nhân viên và đạt doanh thu hơn 1 triệu đô la một năm.
Abby Falik, tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard, cũng lựa chọn từ bỏ một công việc ổn định và ra ngoài lập nghiệp. “Tôi khá bất ngờ với việc rất nhiều bạn học của mình, giờ có kinh nghiệm trên 5 năm tại các doanh nghiệp, vẫn đang tự hỏi bản thân một cách nghiêm túc về con đường mà họ nên chọn sau khi rời trường kinh doanh” Falick nói.
4. Bạn cần kiếm tiền trước khi có thể theo đuổi niềm đam mê
Đó là thông điệp mà Falik nhận được trong trường học: Trước hết hãy kiếm thật nhiều tiền, rồi tập trung vào sự nghiệp mà bạn mơ ước sau.
Falik, người làm trong lĩnh vực phát triển quốc tế và giáo dục, đã phớt lờ lời khuyên này. Vào năm 2008, khi vừa mới bước chân ra khỏi trường kinh doanh, cô đã thành lập Global Citizen Year, một tổ chức phi lợi nhuận tọa lạc tại Oakland, California nhằm lựa chọn và đào tạo các học sinh trung học phổ thông dành một “năm cầu nối” để phát triển đất nước.
Đúng là ban đầu nguồn tài chính khá hạn hẹp, đặc biệt là với những khoản vay dành cho học sinh. Để tổ chức có thể hoạt động được, Falik đã chuyển về sống với bố mẹ cô, rút tiền tiết kiệm và kêu gọi tài trợ. “Không có lý do gì để trì hoãn làm điều mà tôi đam mê cả,” cô nói.
Đó là một quyết định đúng đắn: Global Citizen Year đã phát triển mạnh – nó đã nhận được 8,5 triệu đô la từ các nguồn tài trợ, và 5,5 triệu đô la cho học phí và phí tham gia chương trình – và Falik yêu công việc của mình. Quan trọng hơn là tổ chức đã gửi thành công gần 500 học sinh trung học tại Mỹ La Tinh và Châu Phi trong một “năm cầu nối”; và đang tiến hành kế hoạch bổ sung thêm các chương trình tại Ấn Độ, Trung Đông và Trung Quốc.
5. Bạn cần huy động vốn từ các tổ chức
Các trường kinh doanh tập trung quá nhiều vào việc gây vốn từ các nhà đầu tư “thiên thần” và các nhà đầu tư mạo hiểm, Bob Gillesple – một doanh nhân nhận bằng MBA năm 2011 từ trường kinh doanh Booth của đại học Chicago cho biết. “Kêu gọi tài trợ từ các tổ chức là rất khó và mất nhiều thời gian. Tốt hơn hết là kêu gọi giúp đỡ từ bạn bè và gia đình.”, Gillesple nói thêm.
Dĩ nhiên là nguồn vốn từ các tổ chức sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn sau của chu trình kinh doanh. Nhưng khi bạn đang ở giai đoạn đầu xây dựng một công ty, bạn nên tập trung vào việc tìm hiểu thị trường, hiểu khách hàng muốn gì (và mức giá họ sẵn lòng trả), tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và chứng tỏ quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư muốn góp vốn cho các doanh nghiệp có tiềm năng rõ ràng về doanh thu và thị trường lớn, chứ không phải là các ý tưởng chưa được kiểm chứng.
6. Làm việc chăm chỉ là chìa khóa quan trọng nhất cho thành công
Trên thực tế đó chỉ là một trong rất nhiều yếu tố. Là một sinh viên tại trường kinh doanh Neeley của đại học Texas Christian, Tanner Agar đã được học về phần thưởng xứng đáng nếu anh dành thật nhiều thời gian và công sức cho việc kinh doanh.
“Trên góc độ truyền cảm hứng thì thông điệp này rất tuyệt vời. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ giúp bạn ứng phó với những gì bạn sẽ phải đối mặt trên thực tế.” , Tanner Agar chia sẻ.
Những áp lực, nghi ngờ bản thân và thậm chí trầm cảm là những vấn đề về cảm xúc mà nhiều người mới lập nghiệp gặp phải. Thật không may việc có các nhà đầu tư và đội ngũ nhân viên hỗ trợ, chưa kể đến việc người thân luôn mong muốn bạn có một “công việc thực sự” – có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Trong khi các trường kinh doanh lại đề cao lợi ích của tư duy một chiều và sự cống hiến, thì các chuyên gia lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các doanh nhân tạo cho mình sự thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
Nguồn: Ndh