SSDH-Bộ trưởng di trú và bảo vệ biên giới Peter Dutton cho biết: “Gói cải cách sẽ đảm bảo cho các có ứng viên có đủ trình độ Tiếng Anh, đã thường trú tại Úc ít nhất 4 năm và cam kết là một phần của công cuộc xây dựng nước Úc.”
6 yêu cầu mới để trở thành công dân Úc
- Tất cả các ứng viên đều phải vượt qua một kỳ kiểm tra Tiếng Anh độc lập gồm đọc, viết, nghe và nói.
- Ứng viên phải sống ở Úc với tư cách là thường trú nhân ít nhất 4 năm, thay vì một năm như hiện tại.
- Bài kiểm tra công dân sẽ được củng cố bằng các câu hỏi mới và có ý nghĩa hơn nhằm đánh giá sự hiểu biết của người nộp đơn về trách nhiệm của bản thân và các giá trị của Úc.
- Ứng viên sẽ phải trình bày quá trình bản thân hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng Úc thông qua lịch sử làm việc hay là thành viên của các tổ chức cộng đồng.
- Ứng viên được phép trượt bài kiểm tra quốc tịch tối đa 3 lần (hiện tại không giới hạn số lần ứng viên có thể trượt);
- Ứng viên sẽ bị đánh trượt vòng kiểm tra ngay lập tức nếu bị phát hiện gian lận trong lúc làm bài.
Cũng như theo tuyên bố, Tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc để tham gia vào nền kinh tế.
“Nó là công cụ để hòa nhập với cộng đồng Úc và gắn kết xã hội. Các trường hợp miễn trừ có liên quan cũng sẽ được áp dụng, như những người mất năng lực vĩnh viễn hoặc lâu dài và trẻ em dưới 16 tuổi.
Gói cải cách mới cũng sẽ xem xét hồ sơ hình sự của ứng viên bao gồm hành bị bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Văn bản pháp luật về quốc tịch mới sẽ được đưa ra quốc hội cuối năm nay, tiu nhiên sự thay đổi là ngay lập tức với các hồ sơ nộp từ 20/4 vừa qua.
Tại sao Úc liên tục siết chặt chính cách nhập cư bằng những quy định mới ngày càng khắc nghiệt?
Nếu như khi tổng thống Donald Trump lên nhận chức tổng thống vào năm 2017, chúng ta đã quen thuộc với câu nói “Nước Mỹ trước hết ” thì Chính phủ Úc đề ra cái gọi là “Ưu tiên người Úc”, bắt đầu siết chặt chính sách nhập cư để hạn chế dòng người di cư và lao động đến nước này.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi chính sách nhập cư của Úc sẽ là những người đến Úc theo diện tị nạn hoặc di dân được tiếp nhận vì lý do nhân đạo, bởi vì những người đến làm việc hoặc du học đã phải qua kỳ kiểm tra tiếng Anh nghiêm ngặt và chứng minh có đủ trình độ ngôn ngữ cần thiết. Kỹ năng sử dụng máy tính để thực hiện các bài kiểm tra cũng là trở ngại mà người di dân phải vượt qua để được xét nhập quốc tịch Úc.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người nước ngoài đang là thường trú nhân ở Úc, có đủ điều kiện nhập quốc tịch nhưng sẽ không nộp hồ sơ và không dự kiểm tra. Ở Mỹ có hàng triệu thường trú nhân có thể trở thành công dân Mỹ nhưng không muốn nhập tịch vì chi phí nhập tịch quá cao và các bài kiểm tra quá khó. Nhiều người di dân ở Úc cũng bày tỏ mối lo lắng tương tự.
Trong năm 2015-2016 có 102.029 người dự kỳ kiểm tra nhập tịch Úc; trong số này có 3.447 người bị “trượt” lần thứ ba, theo số liệu của Bộ Di trú và Bảo vệ biên giới Úc. Nếu các quy định mới của chính phủ được Nghị viện Úc thông qua thì những người bị trượt sau ba lần kiểm tra sẽ mất cơ hội trở thành công dân Úc. Và đây lại là một chướng ngại nữa trên con đường trở thành công dân xứ chuột túi.
Nhập tịch Úc khó khăn hơn
Thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra những yêu cầu mới, cứng rắn hơn, cho những người muốn nhập tịch trở thành công dân Úc, bao gồm tiêu chuẩn cao hơn về độ thông thạo tiếng Anh, bài kiểm tra về “giá trị Úc” khó hơn và thời gian xem xét kéo dài tới bốn năm thay vì chỉ một năm hiện nay.
Hiện thời Úc đã đòi hỏi thường trú nhân muốn nhập tịch phải có trình độ tiếng Anh căn bản và phải được kiểm tra lý lịch tư pháp; người xin thị thực (visa) làm việc có thời hạn và du học sinh nước ngoài phải ký vào một “tuyên bố giá trị”, trong đó có những nguyên tắc như “Quốc tịch Úc là một bản sắc được chia sẻ, một mối ràng buộc chung đoàn kết tất cả người Úc mà vẫn tôn trọng tính đa dạng của họ”.
Bài kiểm tra “giá trị Úc” tăng cường, theo đề xuất của Thủ tướng Turnbull, có thể sẽ chỉ thực hiện bằng tiếng Anh và bao gồm nhiều câu hỏi về quyền tự do ngôn luận cũng như các khái niệm dân chủ khác.
Như chúng ta đã biết, Úc là một trường hợp nổi bật về hội nhập thành công số lượng lớn người di cư; hiện 27% tổng số dân Úc là người được sinh ra ở nước ngoài, cao gấp đôi tỷ lệ ở Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Ben Saul – Trưởng khoa luật quốc tế trường Luật Sydney: “Có rất ít bằng chứng cho thấy quy trình xét duyệt nhập tịch Úc hiện hành bị lợi dụng” ông nói và cho rằng, ông không thấy Úc có nhu cầu phải thay đổi chính sách nhập cư.
Đề nghị thay đổi tiêu chuẩn để xem xét cấp quốc tịch là thách thức mới nhất cho hình ảnh đa văn hóa của Úc sau khi chính phủ nước này vừa thay đổi chính sách cấp visa cho lao động có tay nghề nước ngoài đến làm việc tại Úc.
Khánh Ngọc (SSDH) – Tổng hợp