8 điều mang đến hạnh phúc cho các du học sinh có tính cách hướng nội

0

Sẵn sàng du học – Người hướng nội thường xuyên bị hiểu lầm là kiểu người… quai quái, lầm lũi không giao tiếp với ai, hệt như một sinh vật bí ẩn đến từ hành tinh khác mà chẳng ai hiểu được. Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Người hướng nội vẫn có thể lạc quan, tận hưởng cuộc sống như bất kỳ ai, chỉ là hạnh phúc của họ luôn đến từ bên trong, không phải từ tương tác với thế giới bên ngoài như người hướng ngoại.

Một người có tính cách hướng nội không phải người khó gần, khó xây dựng quan hệ, mà là người “nạp năng lượng” từ nội tâm, dễ mệt mỏi trước các tương tác xã hội. Người hướng nội tận hưởng thời gian ở một mình, lặng lẽ xử lý vấn đề trong đầu, ít thể hiện ý tưởng qua lời nói, thỉnh thoảng kiệt sức vì phải giao tiếp quá nhiều và thường xuyên cần “lui về ở ẩn” để tái tạo năng lượng.

Chính vì những đặc điểm này mà tính hướng nội dễ bị đánh đồng với sự rụt rè, nhút nhát, lạnh lùng. Thay vì vội vàng phán xét người khác, bạn hãy thử học cách hiểu họ trước xem sao. Cùng SSDH khám phá đâu là những điều có thể mang đến hạnh phúc cho người có tính cách hướng nội nhé!

ssdh-sinh-vien

1. DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CHO BẢN THÂN

 

Đây là điều bắt buộc phải có trong danh sách niềm vui của người hướng nội, bởi tiếp xúc quá lâu với người khác và diến biến sự việc xung quanh sẽ làm họ kiệt sức. Người có tính hướng nội trân trọng không gian yên tĩnh khi ở một mình chứ không phải họ ghét ở bên cạnh bạn.

Thời gian dành riêng cho bản thân mang đến cho người có tính cách hướng nội cảm giác háo hức, hồi hộp tương tự như một buổi tiệc tưng bừng sau tuần làm việc dài đối với người hướng ngoại. Đó là phần thưởng, là tất cả những gì họ trông đợi vào cuối ngày, bất kể buồn hay vui, mệt mỏi hay tràn đầy năng lượng.

Vì không ai có thể né tránh hoàn toàn giao thiệp xã hội, những quãng nghỉ tạm thời đều đặn là vô cùng cần thiết để họ chăm sóc cho tinh thần kiệt quệ, suy nghĩ sáng suốt hơn và “sạc pin” đón chào ngày mới.

2. NHỮNG CUỐN SÁCH HAY

Nếu được lựa chọn, có lẽ người hướng nội sẽ chọn bầu bạn với một quyển sách thay vì làm bạn với con người. Sách là “miếng bánh” ngọt ngào dành cho trí tưởng tượng dồi dào của người có tính hướng nội, giúp họ tận hưởng vô vàn trải nghiệm sống động trong tâm trí. Họ coi trọng những cuốn sách hay hơn bất cứ mối quan hệ xã giao hời hợt nào. Vài người bạn thân thiết và một kệ đầy sách, như thế là hạnh phúc.

3. THIÊN NHIÊN

Ngắm nhìn chim muông, dạo bộ trên cỏ, ngắm sao đêm hay những buổi tối lãng mạn ngoài trời, thiên nhiên luôn là trung tâm chữa lành của người có tính hướng nội. Họ tận hưởng sự kết nối với vẻ trấn an trầm mặc của thế giới tự nhiên. Hòa mình với thiên nhiên giúp họ “hồi sinh” tâm trí minh mẫn mỗi khi bị các tương tác xã hội rút cạn năng lượng. 

4. VIẾT

 

Người hướng nội thích tương tác, giao tiếp qua ngôn ngữ viết. Họ không thường giãi bày tâm tình, cảm xúc qua lời nói và viết lách cho họ cơ hội “lạc lối” trong trí óc của chính mình, sáng tạo nên những kiệt tác. Viết nhật ký cũng là cách người có tính hướng nội theo dõi, làm chủ những suy nghĩ, cảm xúc không thể nói thành lời. 

John Green – tác giả cuốn sách nổi tiếng The Fault In Our Stars (Khi lỗi thuộc về những vì sao) – từng nói: “Viết lách là điều bạn làm một mình. Đó là nghề nghiệp phù hợp với những ai hướng nội – những người muốn kể bạn nghe một câu chuyện mà không cần nhìn thẳng vào mắt người đối diện”.

ssdh-sinh-vien1

5. NHỮNG CUỘC TRÒ CHUYỆN SÂU SẮC

 

Với người có tính cách hướng nội, những cuộc hội thoại xã giao, thăm hỏi hời hợt chỉ tổ phí phạm thời gian quý báu của đôi bên. Họ không thích hỏi “Cái gì?”, “Là gì?”, “Chuyện gì?” mà luôn đặc biệt yêu thích câu hỏi “Tại sao?”. Sinh ra với tính cách hướng nội, họ được “lên dây cót” sẵn sàng để đào sâu, khám phá đến tận cốt lõi mọi vấn đề.

Những cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa là bài tập rèn luyện tinh thần thiết yếu dành cho người hướng nội, bởi đó là sự gần gũi về tình cảm họ hằng tìm kiếm. Tiến sĩ Laurie Helgoe viết trong cuốn sách Introvert Power (tạm dịch: Sức mạnh hướng nội, 2008): “Người hướng nội ghét nói chuyện xã giao không phải vì chúng tôi ghét mọi người. Chúng tôi ghét thứ rào cản nó tạo ra giữa người với người thì đúng hơn”.

6. LÀM VIỆC TẠI NHÀ

 

Người hướng nội tận dụng mọi cơ hội có thể để làm việc tại nhà. Không đến văn phòng làm việc nghĩa là không phải dự các buổi họp nhóm brainstorm ý tưởng, không phải đương đầu với mười triệu kiểu “drama” nơi công sở, cũng không bị đủ loại tiếng ồn áp đảo năng suất làm việc của mình.

Tâm trí của họ giống như một nồi nước đang sôi sùng sục, buộc họ phải nỗ lực nhiều hơn để giữ sự tập trung khi có người khác vây quanh. Không gì có thể thay thế niềm vui sướng, thoải mái và riêng tư của 4 bức tường phòng mình mỗi khi cần làm việc.

7. ĐỐI THOẠI VỚI BẢN THÂN

 

Người hướng nội hay nghĩ ngợi, trò chuyện với chính mình. Trong đầu họ dường như luôn có một giọng nói nho nhỏ phân tích ưu điểm, nhược điểm của mỗi quyết định, ngẫm nghĩ về những khoảnh khắc hạnh phúc lẫn đau khổ trong quá khứ, thổ lộ những điều họ không bao giờ dám nói cho người khác biết.

Không chỉ dừng ở nghĩ thầm trong đầu, họ còn nói thành tiếng to rõ khi đối thoại với bản thân. Họ nói chuyện một mình tự nhiên như không, chẳng mảy may nghĩ đó là một thói quen kỳ quặc. Nó giúp họ khai sáng, thông tỏ những rắc rối, bế tắc tồn đọng trong tâm trí. Họ chọn mở lòng với chính mình, thay vì tìm đến những mối quan hệ bên ngoài như người hướng ngoại.

8. HẸN HÒ VỚI CHÍNH MÌNH

Hẹn hò với chính mình có đôi chút khác biệt với việc dành thời gian riêng cho bản thân. Người hướng nội cần thời gian ở một mình trong phòng để nghỉ ngơi, trò chuyện với bản thân, nhưng họ cũng cần cả những ngày ra ngoài vui chơi, nuông chiều chính mình mà không có bạn đồng hành.

Họ lên kế hoạch cho buổi hẹn hò một mình chỉn chu, thú vị không kém cạnh những buổi hẹn với người yêu: ăn uống no say ở một quán ăn ngon, đến rạp xem bộ phim yêu thích, thử thách với những trải nghiệm phiêu lưu, mạo hiểm độc đáo… Họ không cần ai khác đi cùng để cảm thấy hạnh phúc, hay để tận hưởng những niềm vui, khám phá nho nhỏ trong cuộc sống.

Cá Domino (SSDH) – Theo elle

Share.

Leave A Reply