Australia thiệt hại tới 39 tỷ USD do vắng bóng sinh viên quốc tế

0

Sẵn sàng du học – Nhà nghiên cứu Peter Hurley cho biết không có sinh viên quốc tế nhập học trong sáu tháng cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ không có doanh thu trong hai đến ba năm tiếp theo.

sinh_vien

Nền kinh tế Australia phải đối mặt với thiệt hại dự kiến lên tới 60 tỷ AUD (39 tỷ USD) trong vòng ba năm tới, khi sinh viên quốc tế không thể nhập cảnh vào nước này do đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu của Viện Mitchell, Đại học Victoria, cho thấy khu vực đại học Australia, sẽ mất từ 10-19 tỷ AUD (6,5-12,8 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2023, tùy theo thời gian nước này mở cửa biên giới cho sinh viên quốc tế.

Bên cạnh đó, nền kinh tế quốc gia sẽ bị mất thêm 20-38 tỷ AUD (13-25 tỷ USD), khiến tổng thiệt hại có thể vào khoảng 30-60 tỷ AUD.

Peter Hurley, nhà nghiên cứu chính sách của Học viện Mitchell, cho biết doanh thu từ sinh viên quốc tế bị mất đi trong sáu tháng do hạn chế nhập cảnh ước tính tương đương với doanh thu của toàn bộ ngành sản xuất ôtô Australia.

Ông Hurley cho biết thêm không có sinh viên quốc tế nhập học trong sáu tháng cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ không có doanh thu trong hai đến ba năm tiếp theo.

Báo cáo của Viện Mitchell cho thấy doanh thu từ sinh viên quốc tế của các trường đại học Australia tăng 137% trong giai đoạn 2008-2018. Cũng trong khoảng thời gian trên, số lượng sinh viên quốc tế tăng 58%, điều này cho thấy các trường đại học đã tăng đáng kể mức học phí cũng như ngày càng phụ thuộc hơn vào sinh viên quốc tế.

Đáng chú ý, trong năm 2018, riêng các trường đại học ở hai bang Victoria và New South Wales thu được hơn hai phần ba tổng doanh thu của toàn ngành giáo dục đại học từ sinh viên quốc tế, với gần 6 tỷ AUD (4 tỷ USD) trong số gần 8 tỷ AUD (khoảng gần 6 tỷ USD).

[Du học sinh Việt Nam tại Australia và những tâm tư trong mùa dịch]

Sáu trường đại học có một nửa doanh thu từ sinh viên là từ các sinh viên quốc tế bao gồm Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Queensland và Đại học Liên bang ở Ballarat.

Ông Hurley nói các trường đại học lớn và có nguồn lực tài chính tốt trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với các khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các trường đại học nhỏ, ít phụ thuộc vào sinh viên nước ngoài nhưng cũng ít nguồn lực dự phòng hơn, sẽ buộc phải đưa ra quyết định cắt giảm chi phí, như cắt giảm nhân sự và các khóa học.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, Chính phủ liên bang Autralia đã cam kết tài trợ 18 tỷ AUD (gần 12 tỷ USD) cho giáo dục trong nước của các trường đại học trong năm 2020. Các trường đại học đã hoan nghênh sự hỗ trợ của chính phủ nhưng cảnh báo khoản tài trợ này không giải quyết được "lỗ hổng lớn" về doanh thu do sự vắng bóng của các sinh viên quốc tế.

Các cơ sở giáo dục quốc tế cũng báo động về thiệt hại lâu dài về danh tiếng của Australia sau khi Thủ tướng Scott Morrison mới đây khuyên các sinh viên nước ngoài và những người lao động không thể tự trang trải cuộc sống ở Australia nên trở về nước.

Chuyên gia tư vấn giáo dục Claire Field nói: "Cách tiếp cận của Australia trái ngược hoàn toàn với chính phủ Anh, New Zealand và Canada, khi các nước này đang có các hỗ trợ cho sinh viên quốc tế tương tự như công dân của họ."

Bà Field cho biết số lượng sinh viên quốc tế đã giảm mạnh 20% ở Australia cách đây 10 năm sau khi xảy ra một loạt các cuộc tấn công vào các sinh viên Ấn Độ, thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài.

Nếu Australia không cung cấp hỗ trợ tài chính phù hợp cho sinh viên quốc tế bị mất việc làm vì khủng hoảng COVID-19, thiệt hại cho khu vực giáo dục quốc tế này có thể sẽ lớn hơn nhiều, bà Field nói./.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tổ Quốc

Share.

Leave A Reply