Sẵn sàng du học – Liên tiếp bị tạch khỏi vòng phỏng vấn dù năng lực ổn, không ít bạn trẻ đã ngớ người khi nhận ra mình đã mắc phải một trong 7 lỗi cơ bản dưới đây khi đi xin việc.
Trong cuộc sống, muốn được nhận vào làm một công ty nào đó, bạn chắc hẳn phải trải qua những lần phỏng vấn xin việc. Đây là buổi gặp mặt đầu tiên và cơ hội thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng nên không ít bạn trẻ có chung tâm trạng lo lắng. Đương nhiên chuyện rớt đậu là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu trình độ của bạn ổn nhưng vẫn bị tạch nhiều thì chắc hẳn kỹ năng phỏng vấn có vấn đề và nên xem lại ngay trước khi đánh mất niềm tin vào chính năng lực của mình.
Trước khi bắt đầu nói về những điều hay ho của bản thân, ứng cử viên nên làm tốt những kỹ năng giao tiếp cơ bản cái đã. Bởi ấn tượng giao tiếp ban đầu còn không có thì nhà tuyển dụng khó lòng "nuốt" nổi những thành tích cao siêu của bạn. Liên quan đến chuyện phỏng vấn xin việc, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của FB Lê Tuấn Anh được nhiều dân mạng chú ý khi chia sẻ về cách để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Bài viết kể về lần phỏng vấn vị trí chăm sóc khách hàng, vị trí thiên rất nhiều về khả năng giao tiếp cũng như cách ứng xử. Tuy nhiên, nhiều bạn phỏng vấn còn khá "non" khi lúc đến phỏng vấn không chịu quan sát, không tìm hiểu thậm chí còn nói sai lĩnh vực công ty đang hoạt động. Bài viết tuy còn nhiều tranh cãi nhưng nhìn chung ai cũng cho rằng ấn tượng giao tiếp rất quan trọng và điều đó còn ảnh hưởng rất lớn đến quyết định nhận vào hay không của không ít ứng viên.
"Hôm nay phỏng vấn vị trí chăm sóc khách hàng cho một trung tâm, có bạn phỏng vấn rất tốt, có bạn chưa được tốt lắm. Note lại một vài điều mình quan sát được ở đây cho các bạn đi phỏng vấn chỗ khác có thể lưu ý phỏng vấn tốt hơn.
1. Một cuộc phỏng vấn bắt đầu từ khi bạn ngồi chờ, không phải là lúc bạn ngồi trước mặt nhà tuyển dụng. Vì khi ngồi chờ là đã có nhiều người quan sát bạn rồi. Thay vì ngồi ôm điện thoại lướt Facebook, hãy tranh thủ lúc chờ ngồi quan sát xung quanh xem công ty có gì hay, văn hoá làm việc của mọi người như thế nào, biết đâu xài được gì trong lúc trả lời phỏng vấn lại sẽ gây ấn tượng hơn. Như vậy thể hiện bạn là một người biết quan sát.
2. Vị trí này có nhiều bạn sinh viên đến ứng tuyển, nên mình thấy rất nhiều bạn vào phòng phỏng vấn mà vẫn đeo ba lô, ngồi xuống ghế mới bắt đầu loay hoay bỏ ra. Như thế trông không hay tí nào. Trước khi bước vào phòng phỏng vấn, hãy bỏ hết ba lô ra, đừng đeo trên người. Nếu có mang theo CV thì lôi ra luôn, cầm sẵn trên tay, đừng để vào đến nơi mới bắt đầu ngồi loay hoay tìm xem CV ở đâu nhé.
3. Phỏng vấn 2 ngày nay rồi mà không thấy bạn nào đem theo CV bản cứng. Cho dù cái này không đề cập trong mail và mình cũng có in sẵn CV ra rồi, nhưng nếu bạn đem theo một bản cứng đưa cho mình thì mình vẫn ấn tượng hơn.
4. "Em có câu hỏi gì trước khi kết thúc buổi phỏng vấn không?" – "Em không ạ!". Trời ơi, chẳng lẽ trước khi đi phỏng vấn bạn không tìm hiểu gì sao? Hay cái gì bạn cũng biết về công ty rồi?
5. Tối thiểu hãy biết tên công ty đầy đủ trước khi bạn đi phỏng vấn. Ví dụ như tên công ty là ABC Telecom – Công ty Cổ phần Viễn thông CBC. Thế mà nhiều bạn đến nơi thao thao bất tuyệt về các đơn vị ABC khác: về phần mềm, về bán lẻ… Mất điểm nghiêm trọng khủng khiếp.
6. Các bạn đến ứng tuyển công việc, không phải xin cho gì hết, nên cứ hùng hổ bước vào, đừng ngại. Nhiều bạn đến mở cửa xong thò đầu vào hỏi lí nha lí nhí, nghe đã không ấn tượng rồi. Thay vào đó, khi được mời vào ngồi phỏng vấn, các bạn ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng và cười một cái cho tự tin nha.
7. Cuối cùng và nhắc đi nhắc lại, dù cảm thấy mình phỏng vấn tốt hay hơi hơi fail hay thậm chí fail rồi thì hãy lịch sự gửi lại một email cảm ơn nhà tuyển dụng. Như thế là phép lịch sự tối thiểu và giúp bạn gây ấn tượng hơn với người đã nói chuyện. Một bạn chuyên môn chưa giỏi nhưng tính cách tốt thì sẽ vẫn có nhiều cơ hội. Ví dụ vị trí chăm sóc khách hàng này mình chỉ dự định tuyển 1 bạn thôi, nhưng công ty luôn để sẵn 2-3 options cho các bạn tiềm năng để giới thiệu đến các đối tác của trung tâm đấy".
Các doanh nghiệp lớn thường nói thái độ hơn trình độ không phải không có lý do. Nếu bạn là người tài nhưng cách hành xử thiếu nghiêm túc, không coi trọng thậm chí đến cả việc cơ bản nhất tìm hiểu về công ty còn không làm thì thử hỏi bạn sẽ sẵn lòng dành ra bao nhiêu tâm huyết cho công việc. Một khi thái độ đã "kém sang" thì bức ảnh 3×4 dán trên đầu CV sẽ được ghi nhớ rất kỹ, thậm chí nhiều công ty liên quan còn truyền tay nhau hồ sơ của bạn vào blacklist. Vậy nên đừng để mắc những lỗi cơ bản như này sinh viên nhé!
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14