Sẵn sàng du học – Mùa hè đã đến! Các bạn học sinh đang phải trải qua đợt nắng nóng cao độ khiến cơ thể mệt mỏi, mất nước và rất dễ bị cảm nắng. Trong thời tiết nắng nóng kéo dài, phải làm gì để phòng tránh say nắng?
1. Đừng đợi khát rồi mới uống nước
Nước là thành phần không thể thiếu giúp cân bằng và duy trì nhiệt độ của cơ thể, tránh hiện tượng say nắng, cảm nắng.
Trong mùa nóng kỷ lục, bạn nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lượng nước mất qua bài tiết. Cách tốt nhất là uống nước trái cây hoặc đồ uống điện giải. Nếu bạn tập thể dục, không uống viên muối trừ khi bác sĩ đồng ý.
Lượng nước trung bình mỗi người nên uống hằng ngày là từ 1,5 – 2 lít, nhưng trong mùa nóng, bạn có thể cần một lượng lớn hơn, khoảng 2,5 – 3 lít. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước chính xác mà bạn nên bổ sung hàng ngày.
2. Ăn nhiều rau xanh & trái cây cũng là một cách chống say nắng
Trong nhiều cách chống say nắng thì việc bổ sung các thực phẩm giải nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch cũng là một biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Bạn có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau đây:
Nước dừa được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều khoáng chất như magie, kali, muối, đường tự nhiên,… Những thành phần này vừa giúp cơ thể bớt háo nước vừa giải nhiệt nên chống say nắng rất tốt.
Xoài xanh: Xoài được coi là thuốc chống say nắng. Trong xoài chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn cảm, say nắng mùa hè.
Dưa chuột: Theo y học cổ truyền Trung Hoa có viết dưa chuột là loại trái cây có tính mát và đắng nên có thế làm toàn thân hạ nhiệt và hạ thấp nồng độ cholesterol trong cơ thể.
Đậu xanh: Khi bạn làm việc chân tay nặng nhọc hay đi ngoài đường về đẫm mồ hôi thì nên uống một cốc nước chè đỗ xanh, sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể trạng thái say nắng và các bệnh liên quan đồng thời xóa đi sự mệt mỏi sau thời gian hao tốn năng lượng.
Trung bình, mỗi người nên ăn ít nhất 200gr trái cây và 300gr rau. Các món canh chua với nhiều nước, chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như súp cua, hến, thịt nạc nấu chua … rất thích hợp cho mùa hè.
3. Mặc đồ thật chuẩn cho những ngày hè oi bức
Ánh nắng mặt trời gay gắt là một trong những nguyên nhân đẩy cơ thể đến tình trạng say xẩm, choáng váng (biểu hiện của say nắng). Vì vậy khi phải hoạt động ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp, bạn nên chọn những bộ trang phục dài tay và đội nón rộng vành. Cần lưu ý, quần áo không được quá chật vì sẽ cản trở quá trình tỏa nhiệt. Tốt nhất, nên mặc quần áo với chất liệu cotton, lanh và chọn các màu sáng vì màu tối, đặc biệt là màu đen thường dễ “bắt nắng” hơn, tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt vào bên trong cơ thể.
Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, tốt nhất bạn nên hạn chế ra ngoài hoặc đi chơi, hoạt động thể lực trong không gian nắng nóng. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cơ thể như trên để tránh cảm nắng.
4. Giải nhiệt bằng… nước ấm!
Nghe hơi lạ nhưng hiệu quả vô cùng, khi mới hoạt động ở môi trường nắng nóng thì cách tốt nhất để làm giảm nhiệt độ cơ thể là tắm nước ấm. Các nhà khoa học đã chứng minh: cách giúp cơ thể thải nhiệt tốt nhất là nên để cơ thể tự thoát hơi qua các lỗ chân lông. Nước ấm giúp loại bỏ những bụi bẩn và các tế bào chết bám trên da đồng thời còn làm các lỗ chân lông giãn nở giúp cơ chế điều hòa nhiệt độ cơ thể hoạt động tốt hơn.
Lưu ý: tuyệt đối không tắm nước lạnh khi mới đi nắng về, hay cơ thể có các biểu hiện của say nắng nhé! Mặc dù tắm nước lạnh có thể làm bạn cảm thấy mát lạnh ngay, nhưng nước lạnh lại làm cơ thể bị sốc nhiệt, dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí còn có thể gây tử vong; nguyên nhân là do thay đổi đột ngột nhiệt độ bên trong và bên ngoài cơ thể.
5. Hãy dùng điều hòa 1 cách hợp lý
Điều hòa dường như là đồ dùng không thể thiếu mỗi khi hè về rồi! Nhưng đừng lạm dụng quá nhé.
Hãy để điều hòa ở nhiệt độ ổn định, thích hợp trong suốt thời gian sử dụng, nên chọn loại điều hòa có chức năng lọc không khí, không nên nằm điều hòa quá lâu để tránh làm giảm thân nhiệt cơ thể. Vì thế, bạn nên chỉ sử dụng điều hòa khoảng 2 tiếng sau đó tắt và thay vào đó là dùng quạt điện…
Ngoài ra bạn nên lưu ý thêm: Ở trong không gian kín khi trời nắng nóng sẽ khiến cơ thể bị ngột ngạt, khó thở gây bức bối nên nếu ở phòng kín có điều hòa chúng ta cũng nên sử dụng thêm quạt thông gió hoặc có khe hở giúp thoáng khí.
Nếu chẳng may bạn hoặc người quen của mình bị say nắng, tuyệt đối không được làm những điều sau:
– Từ chối hoặc không gọi hỗ trợ y tế: đây là một quyết định sai lầm và gây hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị đột quỵ do nhiệt, hoặc có dấu hiệu sốc, co giật, mất ý thức.
– Uống một số loại thuốc: nhiều người khi cảm thấy không khỏe, cụ thể trong trường hợp say nắng, họ thường sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen. Hành động này sẽ làm bệnh nặng thêm bởi đây là 2 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ra vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe bởi khi đó da của người bệnh có thể đang cháy nắng dẫn tới phồng rộp.
– Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng của người bệnh trong trường hợp họ đang bất tỉnh hoặc nôn mửa, vì có nguy cơ gây ngạt.
– Nhiều người thường cho rằng chà xát lên cơ thể bằng rượu, làm hạ nhiệt nhanh. Điều này rất nguy hiểm với người bệnh bởi rượu làm cơ thể hạ nhiệt quá nhanh dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể. Tốt nhất hạ nhiệt cơ thể người bệnh bằng nước lạnh thường.
– Bổ sung nước và chất điện giải là đúng nhưng không nên uống quá nhanh, quá nhiều, có thể gây sốc. Nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.
Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt này là mỗi người cần tăng cường hiểu biết để phòng bệnh, có cách xử trí phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân hay trong trường hợp có người cần trợ giúp.
Cá Domino (SSDH)