Bí kíp học nhanh nhớ lâu sinh viên nào cũng nên biết

0

SSDH – Học và tiếp thu kiến thức là một kĩ năng vô cùng cần thiết đối với sinh viên đại học để có thể an toàn vượt qua các bài kiểm tra và hoàn thành bài tập. Bài viết này sẽ bật mí 7 cách đơn giản giúp bạn tận dụng tối đa những gì học được trên lớp.

Bạn có đang áp dụng phương pháp học nào không?

Dù là trong học tập hay đời sống xung quanh, việc xử lý và tiếp nhận thông tin là một kĩ năng mà ai cũng phải cần đến. Và để có thể học nhanh nhớ lâu, bạn hãy tham khảo 7 tips siêu hữu ích dưới đây.

  1. Ngủ sau khi học

Ngay sau khi học hay làm xong một thứ gì đó, bạn có thể dễ dàng ghi nhớ chúng tại thời điểm đó. Nhưng sau một thời gian, khi bạn đọc nhiều thứ và tiếp thu được nhiều điều hơn, trí nhớ của bạn sẽ dần dần giảm sút. Một điều cần lưu ý chính là những ký ức mới thường rất mong manh và dễ bị quên lãng.

Một trong những cách bạn có thể làm để tăng cường trí nhớ chính là việc ngủ. Nhiều nghiên cứu gần đây cho biết quá trình củng cố diễn ra khá mạnh khi bạn đang ngủ. Một nghiên cứu vào năm 2006 đã kết luận rằng những sinh viên đi ngủ trong vòng 3 tiếng sau khi học xong có thể ghi nhớ nhiều hơn tới 16% so với những ai đợi đến 10 tiếng sau mới đi ngủ. Giấc ngủ có thể xóa bỏ nhiều tác động của môi trường gây ảnh hưởng tới nội dung kiến thức bạn đã học.

[Tham khảo: 3 kỹ thuật ghi nhớ đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian]

  1. Tưởng tượng

Đôi khi trí não của chúng ta không thể nào phân biệt được giữa hiện thực và tưởng tượng. Chúng ta đều biết rằng hình tượng về một vật (mental imagery) có thể kích thích một số vùng não bộ, và việc tưởng tượng này có thể đem lại hiệu quả đáng kể cho những nhiệm vụ mà bạn đang làm. Tưởng tượng ra các thông tin cũng là một cách hỗ trợ tốt.

Một nghiên cứu năm 2003 đã điều tra những nguyên nhân dẫn đến khả năng ghi nhớ tuyệt vời của những bậc thầy trí nhớ. Kết quả cho thấy họ đều sử dụng các chiến lược mã hóa thông tin nhằm khiến chúng dễ nhớ hơn, chứ không hề có khả năng ghi nhớ siêu phàm hay có cấu trúc não khác biệt. Và cách mã hóa một lượng lớn thông tin phổ biến nhất chính là thông qua hình ảnh.

  1. Gộp thông tin

Bạn có biết rằng về mặt lí thuyết chúng ta có thể lưu trữ 7 mẩu thông tin trong trí nhớ ngắn hạn của mình bất cứ lúc nào không? Nhưng đôi khi, bạn vẫn có thể ghi nhớ nhiều hơn 7 mẩu thông tin bằng cách gộp chúng lại với nhau.

Hãy thử nghiệm với chuỗi 14 chữ số sau: 1-9-6-9-4-8-1-2-1-6-1-0-6-6. Nhìn qua thì chúng chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu bạn viết theo một kiểu khác như: 1969, 4, 8, 12, 16, 1066, chúng lại trở nên khá dễ nhớ. Hầu hết các chuỗi thông tin đều không dễ gộp như thế này, nhưng bạn đã nắm được ý tưởng cơ bản rồi!

  1. Tạm dừng

Tạm dừng không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn. Đây là kiểu học ngắt quãng, học đan xen với những quãng nghỉ ngắn thay vì học nhồi nhét liên tục cho đến khi kết thúc bài học (cramming).

Có thể bạn đã từng nghe đến phương pháp Pomodoro – phương pháp học/làm việc tập trung trong vòng 25 phút trước khi nghỉ giải lao. Tuy nhiên, phương pháp này chưa chắc đã có thể mang lại hiệu quả tối ưu cho bạn, vì thế hãy thử nghiệm với nhiều khoảng thời gian khác nhau.

Không chỉ khiến cho kết quả học tập giảm sút đáng kể, việc học nhồi nhét cả đêm còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe do thiếu ngủ và thời gian nghỉ ngơi. Hãy tránh sử dụng cramming nếu có thể bởi sự chuẩn bị và lên kế hoạch trước có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn.

[Tham khảo: Phương pháp 90 giây: Giúp bạn ghi nhớ từ vựng tiếng Anh nhanh]

  1. Không trì hoãn

Nguyên nhân khiến nhiều người phải học nhồi nhét chính là do liên lục trì hoãn việc ôn tập trước mỗi kỳ thi. Việc sắp xếp thời gian học cụ thể, cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi có thể giúp bạn tránh việc trì hoãn và mang lại hiệu quả trong học tập. Nhiều nghiên cứu cho thấy dù ở độ tuổi, giới tính, dân tộc hay IQ nào, con người đều trì hoãn.

Hãy viết ra tất cả những gì bạn muốn đạt được trong một học kỳ (đọc 1 chương trong sách, viết lại nội dung bài giảng, …) sẽ giúp bạn nhận thức rõ mục đích của bản thân và bỏ thói trì hoãn.

  1. Kiểm tra bản thân

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc thường xuyên ôn bài sẽ mang lại kết quả cao trong học tập. Việc tạo ra câu hỏi và trả lời chúng giúp bạn nghiên cứu toàn bộ nội dung bài học và rút ra những điều cần chú ý. Cho dù chỉ là đọc văn bản và tạo ra câu hỏi dựa trên những gì bạn đã đọc cũng đem lại nhiều lợi ích cho bạn.

Để thực sự hiểu và ghi nhớ một khái niệm, bạn luôn có thể thử giải thích với một người khác hoặc chính bạn.

[Tham khảo: Chuyên gia tâm lý mách 3 mẹo nhỏ để học nhanh, ghi nhớ sâu tất cả mọi thứ]

  1. Tinh chỉnh tài liệu

Việc nghĩ đến một khái niệm, ý tưởng hay lý thuyết và gắn định nghĩa của nó với những gì bạn đã biết có thể giúp bạn ghi nhớ chúng tốt hơn. Không những thế, việc sáng tạo này còn có thể giúp các thông tin được lưu trữ vào trong trí nhớ dài hạn của bạn. Quá trình này được gọi là tinh chỉnh – elaboration.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply