Bí kíp xây dựng hồ sơ du học để giành học bổng

0

SSDH – Du học là một chặng đường cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về cả mặt kiến thức, kinh tế và cả kinh nghiệm sống từ các du học sinh và phụ huynh. Với cả một kế hoạch dài hơi và chi tiết, hẳn học sinh nào cũng muốn nhận được lá thư chấp nhận của các trường đại học danh tiếng cùng các suất học bổng cao.

Tuy nhiên, để có thể giành được các suất học bổng giá trị cao dưới sự cạnh tranh gắt gao của các ứng viên cùng tiêu chuẩn đầu vào khắt khe, học sinh không những cần có một bảng thành tích học tập tốt mà hơn nữa còn cần nhiều yếu tố khác để xây dựng một bộ hồ sơ du học hoàn chỉnh và có ưu thế cạnh tranh.

Scholarship for education concept with money coin on wooden with dark background and graduation cap on a open book

Hồ sơ xin thư nhập học/học bổng cơ bản cho các bậc học:

  1. Hồ sơ học tập: bao gồm bằng cấp, bảng điểm sử dụng để nộp hồ sơ. Đối với bậc đại học là học bạ của 3 năm học THPT, đối với bậc thạc sỹ là điểm trung bình của các năm đại học. Điểm GPA hợp lệ sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của từng trường.
  2. Chứng chỉ ngoại ngữ – tiếng Anh; các bài thi chuẩn hóa quốc tế (nếu được yêu cầu)
  3. Bài tiểu luận cá nhân – SOP
  4. Thư giới thiệu
  5. Các bằng cấp/chứng chỉ khác (nếu có)
** Một số ngành học về nghệ thuật, thiết kế, phim ảnh… sẽ yêu cầu thêm portfolio cá nhân hoặc các dự án mà bạn đã tham gia.
Trong khi xây dựng một bộ hồ sơ du học đầy đủ các loại giấy tờ được yêu cầu chỉ là điều kiện cơ bản khi nộp đơn xin thư nhập học hay học bổng, thì nội dung của từng văn bản đó lại là điểm quyết định bạn có nhận được thư mời/hoặc mức học bổng mà mình mong muốn hay không. Dưới đây là các lưu ý trong việc hoàn thiện bộ hồ sơ xin học bổng du học:

1. Điểm tổng kết trung bình – GPA

GPA là tiêu chí đầu tiên trong các yêu cầu cho bộ hồ sơ, cũng là tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá khả năng học thuật của ứng viên. Điểm GPA sẽ được xét tùy vào yêu cầu của từng trường, tuy nhiên, thông thường khi nộp vào các trường có danh tiếng hoặc để xin học bổng, GPA cần tương đương từ 8.0 trên thang điểm 10 trở lên. Bên cạnh đó, trên bảng điểm của mình, bạn sẽ có lợi thế hơn khi đạt điểm cao ở các môn học có liên quan đến chuyên ngành mà mình đang nộp đơn, ví dụ như các môn khoa học ở THPT; các môn chuyên ngành ở chương trình đại học.

2. Chứng chỉ Tiếng Anh / Các bài thi chuẩn hóa quốc tế

Một năng lực ngoại ngữ tốt, cụ thể là Tiếng Anh cho thấy bạn sẽ có khả năng tiếp thu được toàn bộ những kiến thức được truyền tải trong chương trình học sắp tới, đảm bảo cho chất lượng giảng dạy của khóa học. Bởi vậy, chứng chỉ ngoại ngữ là loại giấy tờ không thể thiếu trong mỗi bộ hồ sơ, đặc biệt là các chứng chỉ uy tín và được chấp nhận bởi hầu hết các trường như IELTS hay TOEFL. Điểm số Tiếng Anh cao sẽ là một điểm mạnh cho hồ sơ của bạn. Hơn nữa, đối với những trường có yêu cầu phỏng vấn cấp thư mời hoặc học bổng, khả năng tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn trả lời trôi chảy và thể hiện bản thân mình tốt hơn, dễ dàng nhận được đánh cao từ người phỏng vấn cũng như tăng cơ hội nhận học bổng.
Bên cạnh đó, đối với các trường yêu cầu bài thi chuẩn hóa quốc tế về tư duy như SAT, GRE, GMAT… Học sinh cần tìm hiểu sớm để làm quen các dạng đề thi, ôn luyện để đạt được điểm số tốt nhất. Mức điểm tiêu chuẩn sẽ phụ thuộc vào từng trường cụ thể.

3. Bài tiểu luận cá nhân – SOP

Nếu như GPA, Tiếng Anh hay các bài thi chuẩn hóa đều dựa vào điểm chuẩn được quy định từ nhà trường thì bài tiểu luận cá nhân – SOP trong một bộ hồ sơ học bổng du học sẽ là một điểm nhấn để bạn thể hiện những điểm nổi bật của chính bản thân mình, từ tính cách, những trải nghiệm từng có và định hướng cá nhân của mình cho tương lai. Trong một bài tiểu luận, tùy vào cách viết và văn phong của bạn để quyết định tính hấp dẫn của nội dung. Tuy nhiên, bạn cần phải thể hiện rõ các luận điểm trả lời các câu hỏi sau:
  1. Bạn là ai? – Với những nét tính cách, sở thích, thành tích học tập, quan điểm và trải nghiệm như thế nào?
  2. Tại sao bạn muốn theo học ngành học này? Ngành học này có điểm gì thu hút bạn?
  3. Bạn biết gì về trường học/quốc gia mà bạn đang nộp hồ sơ? Ấn tượng của bạn với trường học/quốc gia đó?
  4. Dự định của bạn trong tương lai là gì?
Có thể nói rằng trong các giấy tờ cần chuẩn bị để xin thư mời hay học bổng du học, bài tiểu luận cá nhân là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của hồ sơ. Với một bài tiểu luận thể hiện rõ cá tính và quan điểm cá nhân, cũng như niềm yêu thích, gắn bó của bản thân với chương trình đã chọn, hồ sơ của bạn chắc chắn sẽ nổi bật trong hàng ngàn ứng viên và trở thành một ứng cử sáng giá cho các suất học bổng của trường.

4. Thư giới thiêu/ Các bằng cấp chứng chỉ khác/Portfolio

Để hoàn thiện một bộ hồ sơ đầy đủ, các giấy tờ như thư giới thiệu, các bằng cấp chứng chỉ khác, hoặc một portfolio khi được yêu cầu chính là những dẫn chứng thuyết phục cho những gì bạn đã thể hiện trong bài tiểu luận cá nhân. Bên cạnh học tập, bạn sẽ thể hiện được mình có một quá trình phát triển bản thân toàn diện với các trải nghiệm phong phú trong các hoạt động ngoại khóa, các chương trình tình nguyện hoặc tham gia các khóa học nâng cao kiến thức và kỹ năng sống. Các giấy tờ này sẽ là minh chứng chi tiết và cụ thể nhất cho những gì bạn có được, là một điểm thể hiện ưu thế của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu có thể, hãy chọn tham gia những chương trình và khóa học có liên quan đến chuyên ngành của bạn, vừa có thể lấy được những kinh nghiệm thực tế, vừa là điểm cộng cho hồ sơ xin học bổng của mình.
Sự thành công của một bộ hồ sơ du học để xin thư mời vào các trường danh tiếng, hay để giành các suất học bổng cao không có điểm khác biệt giữa các ứng viên về thủ tục cũng như loại giấy tờ cần chuẩn bị, mà nằm ở nội dung và cách trình bày của bộ hồ sơ đó.
SSDH (Hội DHS Mỹ)
Share.

Leave A Reply