Bí quyết thích ứng với cuộc sống ở nước ngoài hậu du học

0

SSDH – Khi còn ở trong trường đại học, bất kì ai trong chúng ta cũng đều thầm mong đến ngày ra trường, kết thúc chuỗi ngày thi mệt mỏi, bài tập nhóm hay đề tài nghiên cứu…Nhưng khi ngày đó đến thực sự, chúng ta lại không biết sẽ làm gì tiếp theo. “Cuộc sống sinh viên” tự lập khá nhiều nhưng lại không gánh nhiều trách nhiệm như cuộc sống sau khi ra trường.

 

Bí quyết thích ứng với cuộc sống ở nước ngoài hậu du học

 

Việc thích nghi với cuộc sống sau khi ra trường đôi khi khá áp lực với nhiều người, nhưng đó là một bước tất yếu trong nấc thang cuộc đời. Việc lo sợ hay căng thẳng này là tâm lí tất yếu nhưng không nên quan trọng hóa vấn đề. Bạn sẽ không thể kiếm được quyển sách hay hướng dẫn nào mang tên gọi “Những cách sinh tồn trong cuộc sống đời thực” hay bí quyết dẫn đến thành công hay “hạnh phúc mãi mãi về sau”, chúng ta vẫn nên tự tin rằng mọi thứ đang ở phía trước và tất cả đều phụ thuộc vào những quyết định, đường hướng đã lựa chọn.

 

Và làm thế nào để thích nghi với cuộc sống sau khi ra trường luôn là một câu hỏi lớn với nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp, đặc biệt là với những du học sinh quyết định ở lại làm việc tại nước sở tại. Dưới đây là một số lời khuyên giúp các bạn có thể vượt qua được thời kì “quá độ” này một cách dễ dàng hơn.

 

Dành thời gian đi du lịch

 

Khi gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nếp sống mới, bạn cần làm cho mình bận rộn hết mức có thể. Và dù mang trên vai nhiều trọng trách hơn, bạn cũng nên hưởng thụ cuộc sống. Hãy dành thời gian đi du lịch, đến những nơi chưa đến, gặp những người chưa gặp (ra nước ngoài chẳng hạn). Có ai bắt bạn lăn lộn vào cuộc sống ngay đâu, phải không nào?

 

Giữ liên lạc với bạn cùng khoá

 

Hãy cố gắng giữ liên lạc với bạn bè cùng khoá nhiều hết mức có thể. Dù gì đi nữa, đây cũng là những người bạn học cùng ngành cùng gắn bó với bạn suốt những năm đại học và họ có thể sẽ làm những ngành nghề liên quan đến công việc của bạn. Duy trì mối quan hệ với bạn bè đại học có thể giúp cho công việc và cuộc sống của bạn thuận lợi hơn một chút. Thêm vào đó, việc này còn giúp bạn yên tâm hơn khi thấy rằng có ai đó cũng gặp những khó khăn tương tự như mình. Những mối quan hệ nghề nghiệp và tình bằng hữu bắt đầu từ thời đại học có thể sẽ là một trong thứ quan trọng nhất mà bạn có thể duy trì đến cuối cuộc đời.

 

Tham gia các khoá tự học

 

Nếu bạn có suy nghĩ rằng sẽ không được học thêm những điều mới sau khi tốt nghiệp hay không được nghe giảng trên lớp và tham gia các buổi hội thảo nữa thì bạn đã nhầm. Hiện nay có rất nhiều các chương trình tự học đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng. Bạn có thể ghi danh vào một khoá học đại trà trực tuyến mở (MOOC – Massive Open Online Courses) trên internet và tìm hiểu bất cứ điều gì bạn muốn. Ngoài kia vẫn có rất nhiều thứ để bạn học, và đặc biệt hơn, bạn có thể tự do tìm hiểu những thứ mình quan tâm bằng việc áp dụng những kĩ năng học tập độc lập mà bạn đã rèn luyện được trong những năm tháng học đại học.

 

Xin thực tập tại các công sở

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ai ai cũng đều lo lắng cho công việc tương lai. Việc xin đi thực tập tại một công ty nào đó là một ý rất hay, vì mặc dù bằng cấp khá quan trọng nhưng kinh nghiệm thực tế vẫn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá. Đừng ngần ngại khi xin thực tập, cho dù công việc đó là không lương hay là một công việc tình nguyện. Đây chính là cơ hội đển bạn trải nghiệm bản thân với các vị trí việc làm khác nhau và làm đẹp sơ yếu lí lịch của mình.

 

Tham dự các sự kiện do Hội cựu sinh viên tổ chức

 

Hầu hết các trường đại học đều tổ chức sự kiện giao lưu nhằm tạo nhiều mối quan hệ tương tác sinh viên mới với sinh viên cũ trong khoảng vài năm một lần. Đây là một cơ hội tốt để bạn tìm ra đường hướng cho cuộc đời phía trước, bởi các hội khoá là nơi để những người cùng thế hệ, cùng được đào tạo trong môi trường học tập gặp mặt nhau. Đây chính là nơi để bạn được thắp lửa, chia sẻ kinh nghiệm, xin lời khuyên hay thảo luận các ý tưởng…Một cách nào đấy, bạn sẽ nhận ra bạn thực sự đạt được những gì sau khi rời trường đại học và đánh giá xem bạn đã thực sự thích nghi với cuộc sống sau khi ra trường!.

 

Phạm Huyền (SSDH) – Theo TopUniversities

Share.

Leave A Reply