SSDH – Đối với hầu hết sinh viên quốc tế tại Mỹ, thì Trung Tâm Y Tế Sinh Viên (Student Health Center) là nơi tốt nhất để khám bệnh. Các nhân viên tại đây đều được huấn luyện một cách bài bản, nhằm hỗ trợ và điều trị cho tất cả sinh viên. Trong trường hợp bạn cần khám chuyên khoa, trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra những bước đầu cho bạn, và sau đó giới thiệu bạn tới những nơi thích hợp để làm các xét nghiệm.
Ngoài ra, việc khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Sinh viên cũng có nhiều ưu điểm, đặc biệt là về tài chính. Chi phí khám chữa bệnh ở đây rẻ hơn rất nhiều so với các phòng khám ngoài hay bệnh viện. Nhưng điều này không có nghĩa là chất lượng ở đây không tốt. Họ đều là những người có trình độ và được đào tạo bài bản. Thực tế, khi bạn đóng học phí thì trong đó đã bao gồm một khoản dành cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Và thêm một điểm cộng là mức phí của nó không quá cao, vì phần còn lại đã được hỗ trợ bởi những chính sách của nhà trường.
Nếu trường bạn không có một trung tâm y tế nào, bạn có thể xin ý kiến của cố vấn sinh viên quốc tế và đề nghị họ giới thiệu tới bác sĩ. Bạn nên chú ý xem liệu bảo hiểm y tế của bạn có chi trả phần nào khi bạn đi khám bác sỹ ở ngoài không. Vì có một số loại bảo hiểm cho phép bạn khám ở bất kỳ bác sỹ nào.
Hơn nữa, có một điều bạn nên biết, các phòng cấp cứu của bệnh viện là “nơi xa xỉ của túi tiền sinh viên”, và có nhiều chương trình bảo hiểm hạn chế chi trả cho khoản này. Có một lỗi mà sinh viên quốc tế hay mắc phải, họ thường xuyên vào phòng cấp cứu cho dù bị những chấn thương rất nhỏ hay ốm sốt. Hành động này vừa không cần thiết, vừa “tốn tiền”.
Hiệu thuốc tại Mỹ: Hầu hết các hiệu thuốc tại Mỹ đều lớn. Bên cạnh việc bày bán thuốc, họ còn bán một số đồ khác như báo, tạp chí, tem, kẹo hay kể cả kem đánh răng… Và bạn sẽ không mua được thuốc nếu không có đơn kê thuốc và bắt buộc đó phải là đơn thuốc do chính tay bác sỹ kê cho bạn, không có dấu hiệu của việc sao y.
Thông thường, họ sẽ không đưa thuốc cho bạn ngay, mà họ thường bảo bạn chờ (khoảng 15 – 30 phút) hoặc dặn bạn quay lại sau. Sau đó, họ sẽ ghi lại những thông tin như tên và số liên lạc của hiệu thuốc, tên của bệnh nhân, tên bác sỹ, đơn thuốc và hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc. Qua đó, bạn có thể biết được chi tiết những lợi ích cũng như tác dụng phụ trong quá trình bạn dùng thuốc hoặc những thứ khác mà bạn nên biết. Không chỉ vậy, dược sỹ sẽ thỉnh thoảng sẽ giới thiệu cho bạn một số “nhãn hiệu thuốc quê hương” với tác dụng tương tự mà giá cả lại rẻ hơn. Ngoài ra, họ thường xuyên tư vấn cho bạn những loại thuốc bạn nên dùng để phù hợp với thể trạng của bạn.
Đa số các hiệu thuốc tại Mỹ sẽ mở cửa 24/24 và 07 ngày/tuần. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi có vấn đề sức khỏe trong những ngày nghỉ lễ hay trong lúc nửa đêm.
Tuy phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ khá cao và cách thức mua thuốc cũng không dễ dàng như ở Việt Nam, nhưng chắc chắn nếu đang du học ở trời Mỹ xa xôi, một mình bạn sẽ vẫn không phải lo lắng quá mức khi bị ốm hoặc gặp bất kỳ sự cố gì. Hãy lập một kế hoạch rõ ràng và cụ thể để bạn có thể hoàn thành thật tốt chặng đường du học và tận hưởng quãng thời gian đáng nhớ này.
Nguồn: Dân trí