Cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo ở bậc đại học

0

SSDH- Trích dẫn là gì? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách trích dẫn tài liệu tham khảo theo tiêu chuẩn ở bậc đại học.

Với hầu hết các môn ở bậc đại học, bạn đều cần phải thêm mục “References” (trích dẫn) vào bài luận/báo cáo của mình nếu sử dụng bất kỳ ý tưởng hoặc câu văn nào từ các nghiên cứu đi trước.

Trích dẫn là gì?

Trích dẫn là hành động thêm nguồn tham khảo vào bài viết của bạn. Bằng việc thêm trích dẫn, bạn có thể củng cố thêm tính khoa học cho bài luận và đảm bảo không bị đạo văn. Có rất nhiều hình thức trích dẫn, nhưng phổ biến nhất là:

  • Trích dẫn đề cập đến nguồn của tài liệu tham khảo
  • Danh sách trích dẫn, hay thư mục, với đầy đủ chi tiết của các nguồn tham khảo

[Tham khảo: Các bước để viết bài luận cá nhân và xin thư giới thiệu]

Vì sao phải trích dẫn trong bài viết của bạn?

  • Để công nhận ý tưởng của tác giả gốc
  • Củng cố luận điểm
  • Cung cấp nguồn tham khảo cho người đọc
  • Giúp người đọc biết thời gian nguồn tham khảo được xuất bản
  • Chứng minh bạn đã nghiên cứu về chủ đề
  • Tránh đạo văn

Đạo văn là gì?

Plagiarism (đạo văn) là việc sao chép ý tưởng của người khác và sử dụng chúng như của mình, dù trực tiếp hay gián tiếp. Đạo văn có thể bao gồm việc sao chép và dán chữ/ảnh mà không đề cập đến nguồn tham khảo.

Đây là một lỗi học thuật mà các trường đại học sẽ không coi nhẹ nếu bạn mắc phải. Nếu mức độ đạo văn vượt quá mức cho phép, bài viết của bạn có thể sẽ không được chấp nhận. Bạn sẽ bị cảnh cáo hoặc nặng nhất là bị đánh trượt khóa học.

Hầu hết các trường đại học đều yêu cầu sinh viên phải kiểm tra đạo văn với mỗi bài viết của mình, sử dụng các phần mềm chống đạo văn và nộp minh chứng đạo văn theo kèm.

Hình thức trích dẫn nào được sử dụng ở trường đại học?

Có rất nhiều hình thức trích dẫn khác nhau, và giảng viên sẽ là người cho bạn biết cần sử dụng hình thức nào. Các hình thức phổ biến nhất bao gồm:

  • Harvard style
  • Modern Language Association (MLA)
  • American Psychological Association (APA)
  • Modern Humanities Research Association (MHRA)
  • Oxford University Standard for the Citation of Legal Authorities (OSCOLA)
  • Institute of Electrical and Electronics Engineers (IEEE)
  • American Medical Association (AMA)
  • Chicago/Turabian style
  • Vancouver style

Trong đó, Harvard style là hình thức được sử dụng phổ biến nhất ở UK, MHRA được sử dụng ở các môn nhân văn, APA ở các môn khoa học xã hội, Vancouver ở các môn sinh dược, và OSCOLA thường được sử dụng để trích dẫn luật.

[Tham khảo: Bí quyết viết bài luận cá nhân ấn tượng]

Làm thế nào để trích nguồn trong bài viết?

Nếu bạn trích dẫn nguyên văn tài liệu, diễn giải ý tưởng của ai đó theo một cách khác, hoặc liên hệ tới ý tưởng của người khác, bạn sẽ cần phải trích nguồn trong bài viết (in-text citation). Bạn cần phải sử dụng ký hiệu “…” nếu trích dẫn nguyên văn (quote) câu từ của người khác. Tuy nhiên với diễn giải (paraphrase), bạn không phải sử dụng ký hiệu trên mà chỉ cần trình bày ý tưởng của người khác theo một cách khác.

Ví dụ, với Harvard style, bạn phải thêm (họ tác giả, năm xuất bản) trong ngoặc theo sau trích dẫn.

Làm thế nào để viết thư mục hay danh sách tham khảo?

Với Bibliography (thư mục), bạn cần phải trình bày mọi thông tin liên quan đến tất cả các nguồn tham khảo bạn đã đề cập trong bài luận, dự án hoặc báo cáo. Một số hình thức trích dẫn như OSCOLA hay Chicago style không yêu cầu thư mục ở cuối bài bởi bạn đã trình bày đầy đủ thông tin nguồn tham khảo ở mục chú thích cuối trang.

Hầu hết các thư mục đều được trình bày theo thứ tự bảng chữ cái xét theo họ tác giả và kèm theo link bài viết tham khảo. Ví dụ, bạn cần trình bày thư mục với Harvard style như sau: Họ tác giả, chữ cái đầu trong tên nguồn/sách tham khảo (năm xuất bản), số xuất bản, công ty và địa chỉ

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply