Cách viết một Bài tự giới thiệu bản thân (Personal Statement) thành công – Phần 2

0

tt-26-8-2011Tiếp theo Phần 1 hướng dẫn cách lập danh sách và lựa chọn những vấn đề có thể đưa vào Bài tự giới thiệu bản thân, sau đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn phần cuối của bài viết này với các bước 3, 4 và 5.

 

Phần 1 gồm 2 bước.

 

 

 

 

Bước 3: Sắp xếp thứ tự trình bày các ý

 

Bạn hãy cố gắng gắn kết các ý cần viết để bài viết liền mạch, nhưng cũng đừng lãng phí chỗ trống bằng việc viết những câu dài mang tính ghép nối bởi bản thân những câu này lại không có giá trị chuyển tải thông tin.

 

Hãy bắt đầu bằng lý do bạn lựa chọn ngành học, đặc biệt nếu như bạn có những thông tin hỗ trợ tốt (ví dụ: kinh nghiệm làm việc trong bệnh viện sẽ là thông tin hỗ trợ tốt cho hồ sơ đăng kí học ngành y).

 

Đối với phần còn lại của Bài tự giới thiệu bản thân, Kinh nghiệm cho thấy rằng các bạn sinh viên có thể lúng túng hơn khi viết, nhưng ví dụ sau đây sẽ cho các bạn thấy cách để có thể vượt qua sự lúng túng này. Hãy giả định bạn có những ý sau để viết:

 

1.    Đội bóng chuyền của trường

2.    Đại diện sinh viên của khu kí túc xá

3.    Tôi thích đọc sách

4.    Lặn biển

5.    Đã du lịch nhiều nơi

6.    Đã từng giúp việc ở nhà trẻ

7.    Có chứng chỉ về kĩ năng sơ cứu

8.    Huy chương Duke of Edinburg đồng

 

Bạn có thể bắt đầu bằng ý 2, rồi chuyển sang ý 6 (cả hai đều là những công việc ở trường và trách nhiệm bạn đã có), rồi sau đó đến ý 7 và 8 (hai ý này đều nói về thành tích, đồng thời ý 6 và ý 7 có thể đóng góp làm thành tích cho việc được trao huy chương). Sau đó bạn hãy đi đến ý 1 về thể thao (lại vẫn liên quan đến trường học), rồi đến ý 4 (sở thích cá nhân), ý này có thể dẫn đến ý 5 (nơi bạn đã đến và thử sức với môn lặn). Và như vậy, ý 3, vốn không ăn nhập với mạch viết, lại có thể kết nối vào nội dung vì đọc sách cũng là một hoạt động thư giãn và giải trí.

 

Mỗi người mỗi khác, có những nội dung khác nhau, những chi tiết khác biệt để đưa vào Bài tự giới thiệu bản thân, nhưng nguyên tắc tìm sự liên kết giữa các chi tiết để tạo thành một bài viết liền mạch thì đều giống nhau.

 

Để viết kết luận cho Bài tự giới thiệu bản thân UCAS của mình thật ấn tượng, bạn cần đầu tư suy nghĩ. Giống như viết đoạn kết cho bài luận, bạn cần viết như thế nào để hoàn thiện tổng thể bài. Không có lời khuyên về cách tốt nhất để viết kết luận, nhưng một lựa chọn hợp lý là quay trở lại với những lý do bạn lựa chọn ngành học, hay lý do học đại học nói chung, đặc biệt bạn có thể đề cập đến một công việc hoặc dự định có liên quan mà bạn định làm vào khoảng thời gian từ thời điểm này cho đến khi bắt đầu khóa học.

 

Bước 4: Quyết định về phong cách chung và dung lượng của các chi tiết bổ trợ

 

Khi bắt tay vào việc viết Bài tự giới thiệu bản thân, bạn cần quyết định xem mình sẽ viết theo phong cách nào và bao nhiêu chi tiết cần để nhấn mạnh cho mỗi luận điểm của bạn.

 

Một phong cách viết bạn nên cố gắng làm là phong cách viết thông minh và không khiên cưỡng. Bài viết không có lỗi chính tả, chính xác về ngữ pháp, đa dạng về từ ngữ là bài viết sẽ tạo được ấn tượng tốt. Bạn hãy cố gắng làm sao để bài viết của mình không phải chỉ là một bài viết khô khan mang tính liệt kê, nhưng cũng đừng biến nó thành một bài viết không rõ ràng hay suồng sã. Bạn sẽ thấy cần phải tìm ra những cách diễn đạt khác thay cho việc sử dụng những kiểu câu dạng như “Tôi thích…. Tôi thích….”

 

Việc tạo ấn tượng cá nhân là rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn nổi bật trong đám đông và cho thấy bạn là một cá thể không trộn lẫn. Trong nhiều trường hợp, dấu ấn cá nhân của bạn đã được thể hiện ngay ở danh sách thành tích bạn đã đạt được và các sở thích của bạn. Nhưng phần lớn mọi người không có được bảng danh sách ấn tượng này; và đây chính là lúc cần đến những chi tiết và thông tin bổ trợ. Ví dụ như bạn hãy đừng viết đơn giản là “Đọc sách” mà hãy đưa thêm thông tin về những cuốn sách hay thể loại mà bạn thích đọc. Tương tự, với âm nhạc, bạn có thể làm rõ hơn về loại nhạc mà bạn thường nghe. Bạn không cần phải quá lên gân khi viết về những nội dung này. Khi miêu tả về kinh nghiệm có được, hãy thể hiện rõ bạn đã học được gì, ví dụ như một bài học đáng nhớ, một ấn tượng hay một kĩ năng cần thiết. Trong hai câu sau đây, rõ ràng câu “Tôi có một việc làm thường xuyên thứ Bảy hàng tuần” không hay bằng câu “Tôi có một việc làm thường xuyên vào thứ Bảy hàng tuần – làm thu ngân cho một siêu thị ở địa phương.” Thậm chí, bạn còn có thể bổ sung thông tin như “Công việc này đã cho tôi hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng cũng như triển vọng sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện công việc.”

 

Bạn cũng cần đặc biệt tránh dùng những sáo ngữ, nhất là khi bạn muốn viết những câu kiểu như các chuyến đi “đã giúp tôi trải nghiệm và hiểu hơn về các nền văn hóa khác.” Ai cũng nói như vậy nên bạn hãy tìm cho mình một cách khác lôi cuốn hơn nhé.

 

Nếu bạn không có nhiều ý để trình bày, bạn có thể đi sâu hơn vào chi tiết. Tuy nhiên, cách viết vẫn phải rõ ràng, mạch lạc – nếu không diễn đạt được rõ ràng thì tốt hơn là ngừng ý đó lại, còn hơn là viết ra những câu mơ hồ, không rõ ràng.

 

Sau đây sẽ là những lời khuyên bổ ích của các cán bộ tuyển sinh:

 

•    “Có thể sử dụng đến một nửa độ dài của Bài tự giới thiệu bản thân để nói về lý do lựa chọn khóa học.”

•    “Bài tự giới thiệu bản thân cần phải thể hiện suy nghĩ sâu sắc của thí sinh về bản thân và tương lai của họ”

•    “Bài tự giới thiệu bản thân không nên chỉ là một bản miêu tả các kinh nghiệm có được; Bài tự giới thiệu bản thân cần phải thể hiện rõ các thành tích đạt được và ảnh hưởng của chúng lên cá nhân thí sinh.”

•    “Không có quy định nào ngăn cấm việc sử dụng trích dẫn trực tiếp, ví dụ như trích dẫn một câu của Goethe chẳng hạn; tuy vậy, thí sinh chỉ nên sử dụng khi cảm thấy thoải mái và thực sự cần dùng cách diễn đạt này. Diễn đạt về thành tích mình đã có hay về việc mình không có nhiều thành tích với một chút hài hước có thể là cách đơn giản và tự nhiên nhất để tạo dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, thí sinh cần phải thật cân nhắc khi sử dụng.”

 

Bước 5: Viết bản thảo đầu tiên của Bài tự giới thiệu bản thân

 

Lúc này bạn đã biết mình muốn viết cái gì và trình tự viết những điều đó ra sao. Bây giờ bạn cần phải viết ra một Bài tự giới thiệu bản thân thật hiệu quả.

 

Sau đây sẽ là những điều bạn nên và không nên làm:

 

•    Nên chú ý tới mạch ý trình bày

 

•    Nên chắc chắn rằng ngữ pháp bạn sử dụng là đúng và bạn không mắc lỗi chính tả. Hãy đừng chỉ phụ thuộc vào chức năng spell-check (soát lỗi chính tả). Cán bộ tuyển sinh có thể bật cười khi đọc câu: “I can bare anything I’m asked to,” nhưng họ sẽ không hài lòng. (từ bare vẫn là một từ đúng trong tiếng Anh, tuy nhiên nghĩa của nó là “cởi bỏ” trong khi từ đúng phải là bear với nghĩa là “chịu, chịu trách nhiệm”)

 

•    Nên sử dụng từ ngữ thật phong phú (nhưng tránh việc lạm dụng, gây ra ấn tượng xấu là bạn chỉ tập trung vào việc tỉ mẩn chọn từ)

 

•    Nên đưa vào các chi tiết và thông tin mang tính bổ trợ

 

•    Nên có thái độ tích cực với bản thân và thể hiện hiểu biết thật có cũng như nhiệt huyết chân thành của mình về ngành học đã chọn

 

•    Nên sử dụng cách diễn đạt hài hước nhẹ nhàng, nhưng hãy thật cân nhắc khi dùng. Cán bộ tuyển sinh có thể không cùng gu hài hước và không hiểu được sự hài hước của bạn.

 

•    Không sử dụng những cách diễn đạt lặp đi lặp lại (ví dụ: I like, I like, etc).

 

•    Không sử dụng sáo ngữ

 

•    Không viết câu dài và chỉ mang tính liệt kê. Sử dụng các câu ngắn sẽ tốt hơn.

 

•    Không đưa ra những lời khẳng định chẳng thể kiểm chứng được. Không nên viết những câu như “Tôi sẽ là sinh viên giỏi nhất trong năm mà ông sẽ có được” trừ phi bạn thực sự có thể chứng mình điều đó.

 

•    Không sao chép một Bài tự giới thiệu bản thân của ai đó, sử dụng nội dung tìm được trên internet, hoặc thuê người khác viết hộ! UCAS sử dụng phần mềm kiểm tra tất cả các Bài tự giới thiệu bản thân để phát hiện tình trạng đạo văn.

 

•    Không mắc lỗi ngữ pháp và chính tả

 

•    Không viết tắt và dùng tiếng lóng

 

•    Không lạm dụng sự hài hước. Bạn muốn bài Bài tự giới thiệu bản thân của mình được xem xét một cách nghiêm túc hay không nghiêm túc?

 

•    Không mất thời gian kể lể về những gì bạn đã làm từ ngày xửa ngày xưa

 

•    Không lặp lại bất kì thông tin nào mà người đọc có thể tìm thấy ở một chỗ nào đó trong mẫu đơn của bạn vì như thế sẽ rất phí chỗ trống dành cho những nội dung cần thiết khác trong Bài tự giới thiệu bản thân

 

Hãy nói chuyện với người cố vấn của bạn về tất cả những nội dung nói trên, nhưng đừng nghĩ đến việc nhờ họ viết hết thay cho bạn. Điều quan trọng là cán bộ tuyển sinh có thể cảm được chất giọng riêng của bạn khi đọc Bài tự giới thiệu bản thân.

 

Bạn hãy cho những người mà bạn tôn trọng những ý kiến của họ xem Bài tự giới thiệu bản thân của mình và nhờ họ góp ý. Nếu như những góp ý của họ là hợp lý, hãy viết lại! Rất ít người có thể viết được một Bài tự giới thiệu bản thân ‘ổn’ ngay từ lần đầu tiên. Nếu như bạn cảm thấy mình đang phải ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’ để viết Bài tự giới thiệu bản thân thì bạn có thể chắc chắn rằng có rất nhiều người cũng đang như mình, cũng đừng tiếc công sức. Nếu như bạn chỉ phải viết lại Bài tự giới thiệu bản thân hai lần thì đó đã là may mắn rồi.

 

Chúc các bạn thành công!

 

Để biết thêm thông tin về hồ sơ UCAS và cách đăng kí vào đại học nói chung, hãy ghé thăm trang web UCAS website.

 

BC tổng hợp từ trang web CIFE

Share.

Leave A Reply