Cẩm nang việc làm tại Canada

0

Sẵn sàng du học – Những nội dung chính thống về cơ hội việc làm tại Canada dành cho các sinh viên đang có ý định du học ở đất nước này.

Chào các bạn,

Là một sinh viên với dự định du học tại đất nước lá phong đỏ, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về đất nước, về hệ thống giáo dục và cả những cơ hội mà Chính phủ dành cho sinh viên quốc tế, trong đó bao gồm cả cơ hội làm việc – điều mà tôi cũng như rất nhiều bạn sinh viên khác quan tâm. Bởi nội dung là về mặt chính sách, tôi xin phép chia sẻ những điều tôi đã tìm hiểu được – một cách chính thống, rõ ràng, đi thẳng vào ý chính và không rườm rà. Bên cạnh đó, tôi sẽ chỉ ra những điểm cần lưu ý, những điều mà các bạn sinh viên thường hoang mang, hay nhầm lẫn (giống như tôi trước kia), mong có thể giúp đỡ các bạn phần nào.

Cụ thể, cơ hội làm việc tại Canada dành cho sinh viên quốc tế bao gồm các cơ hội làm việc trong quá trình học và các cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, sinh viên cần có số Bảo hiểm xã hội (SIN) để làm việc tại Canada. Sinh viên có thể đăng ký số SIN trước hoặc trong vòng ba ngày làm việc đầu tiên.

1. Làm việc trong/ngoài khuôn viên trường

Để đủ điều kiện làm việc trong / ngoài khuôn viên trường, sinh viên chỉ cần có giấy phép học tập mà không cần có giấy phép làm việc.

Về yêu cầu đối với cơ sở đào tạo mà sinh viên theo học:

+ Để làm việc TRONG khuôn viên trường, sinh viên phải theo học tại một trong ba cơ sở đào tạo sau:

  • Cơ sở giáo dục sau trung học công, chẳng hạn như một trường cao đẳng hoặc đại học, hoặc một trường cao đẳng nghề ở Quebec, gọi là CEGEP.
  • Cơ sở giáo dục sau trung học tư nhân hoạt động theo các quy định giống với trường công, và nhận được tài trợ ít nhất 50% chi phí hoạt động từ chính phủ (hiện tại chỉ có cơ sở giáo dục cấp đại học tư nhân ở Quebec đủ điều kiện).
  • Cơ sở đào tạo tư nhân được ủy quyền cấp bằng theo luật của Tỉnh bang.

+ Để làm việc NGOÀI khuôn viên trường, sinh viên phải theo học tại một cơ sở đào tạo ở cấp sau trung học có mã DLI hoặc một chương trình nghề ở cấp trung học tại Quebec.

Về yêu cầu đối với chương trình học, sinh viên bắt buộc phải theo học các chương trình toàn thời gian tại trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng định nghĩa “toàn thời gian” của mỗi trường có thể khác nhau, vì vậy cần kiểm tra lại thông tin tại trường mà sinh viên theo học. Ngoài ra, đối với điều kiện để làm việc NGOÀI khuôn viên trường, sinh viên cần theo học một chương trình đào tạo học thuật, nghề hoặc chuyên môn được cấp bằng hoặc chứng chỉ trong thời hạn ít nhất 6 tháng.

Tất nhiên, sinh viên sẽ phải ngừng làm việc ngay khi không còn đáp ứng được các điều kiện trên.

Lam-viec-on-campus-và-off-campus
Lưu ý:
+ Giới hạn thời gian làm việc:

  • Ngoài khuôn viên trường: Được phép làm 20h/tuần trong kỳ học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ.
  • Trong khuôn viên trường: Chính phủ không hạn chế số lượng giờ làm việc. Tuy nhiên, một số người sử dụng lao động có thể hạn chế điều này.

+ Sinh viên trao đổi và sinh viên dự thính quốc tế không đủ điều kiện làm việc ngoài khuôn viên trường, nhưng có thể đủ điều kiện làm việc trong khuôn viên trường.

+ Làm việc trong khuôn viên trường được định nghĩa là làm việc trong ranh giới của các trường hoặc tại các cơ sở thuộc sở hữu của trường, trường thuê hoặc cho thuê. Vì vậy, đơn vị/cá nhân thuê sinh viên làm việc có thể là trường, giảng viên, một tổ chức sinh viên, một sinh viên, một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong phạm vi ranh giới trường hoặc một nhà thầu tư nhân cung cấp dịch vụ cho các tổ chức trong khuôn viên trường. Ngoài ra có thể bao gồm cả những công việc nằm ngoài khuôn viên trường nhưng trực thuộc hoặc có liên kết trực tiếp với trường.

+ Nếu các cơ sở (campus) của trường cùng nằm trong 1 thành phố, sinh viên có thể lựa chọn làm ở bất kì cơ sở nào. Nếu các cơ sở của trường nằm ở các thành phố khác nhau, sinh viên bắt buộc phải làm việc tại cơ sở mà mình theo học.

2. Làm việc Co-op / Internship

Co-op và Internship là cơ hội tuyệt vời để sinh viên có thể áp dụng những kiến thức đã học tại trường vào môi trường làm việc thực tế.

Để đủ điều kiện tham gia, sinh viên cần:

  • Có giấy phép du học còn hiệu lực và giấy phép lao động.
  • Công việc là một phần thiết yếu của chương trình học.
  • Theo học các chương trình học thuật, đào tạo chuyên môn hoặc dạy nghề tại các cơ sở đào tạo có mã tuyển sinh quốc tế DLI.
  • Quá trình làm việc không chiếm hơn 50% chương trình học.

Lam-viec-co-op-internship-khi-du-hoc-canada

Lưu ý: 

  • Sinh viên học các khóa đào tạo ngôn ngữ, dự bị hoặc các khóa học theo sở thích không đủ điều kiện.
  • Thời gian làm việc theo chương trình co-op hay internship không tính vào thời gian làm thêm nên sinh viên vẫn được phép làm thêm 20h/tuần.
  • Các chương trình Co-op/Internship có thể được trả lương hoặc không.
  • Trường không có trách nhiệm trong việc đảm bảo công việc cho sinh viên mà chỉ hỗ trợ trong việc tìm kiếm và giới thiệu.

3. Làm việc sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, Chính phủ cho phép sinh viên quốc tế ở lại Canada để tìm kiếm việc làm thuộc bất kì lĩnh vực nào trong khoảng thời gian bằng với thời lượng chương trình học mà sinh viên đã tốt nghiệp và tối đa là 3 năm. Kinh nghiệm làm việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong quá trình xin định cư sau này.

Sinh-vien-co-the-o-lai-sau-tot-nghiep-len-toi-3-nam

Sinh viên cần đáp ứng được những điều kiện sau để xin được Giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP):

+ Hoàn thành chương trình học toàn thời gian kéo dài tối thiểu 8 tháng.

+ Tốt nghiệp tại một trong những trường sau:

  • Trường công lập sau trung học.
  • Trường tư thục sau trung học hoạt động theo quy định tương tự trường công lập.
  • Trường trung học hoặc sau trung học tư nhân (ở Quebec) cung cấp một chương trình cấp bằng học nghề gọi là DEP hoặc một xác nhận chuyên môn gọi là ASP.
  • Trường tư được ủy quyền cấp bằng theo luật của tỉnh bang.

+ Đủ 18 tuổi trở lên và có giấy phép học tập còn giá trị tại thời điểm nộp đơn.

+ Nộp đơn xin PGWP trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được điểm số cuối cùng hoặc nhận được thông báo hoàn thành chương trình học, tùy theo điều kiện nào đến trước.

+ Có thư xác nhận về tổng thời gian và mã chương trình học từ trường.

Ngoài những công việc trên, sinh viên quốc tế còn có cơ hội:

+ Tham gia những công việc tình nguyện: Tất nhiên, những công việc này sẽ không được trả lương. Để tham gia tình nguyện, sinh viên không cần xin giấy phép làm việc nhưng cần có giấy xác nhận miễn giấy phép làm việc từ bộ lao động và phát triển xã hội Canada (ESDC).

+ Xin giấy phép làm việc toàn thời gian cho vợ/chồng với thời hạn bằng thời hạn giấy phép du học của sinh viên mà không cần có thư xác nhận việc làm từ bất kỳ công ty nào.

Không thể phủ nhận, việc làm mang lại những giá trị vô cùng hữu ích cho sinh viên như kinh nghiệm, các mối quan hệ, hỗ trợ tài chính cũng như giúp ích cho quá trình xin định cư sau này. Tuy nhiên, với mục đích chính là học tập, tôi cũng như các bạn sinh viên quốc tế khác cần biết cân bằng để đảm bảo kết quả học tập tốt nhất. Sau cùng, tôi xin cảm ơn Chính phủ Canada đã tạo điều kiện và xin chúc mừng kỷ niệm 150 thành lập đất nước Canada xinh đẹp.

Thái Hải (SSDH) – Theo Hỗ trợ du học Canada

Share.

Leave A Reply