Cần nghĩ gì trước khi đi du học?

0

SSDH – Dạo gần đây tui thấy mình giống tư vấn viên lắm, vì liên tục dành thời gian rảnh rỗi (ít ỏi) của mình để trả lời rất nhiều mail/msg của các bạn từ Việt Nam về việc du học. Và sau chừng chục bận, tui thấy những câu hỏi lặp đi lặp lại, các bạn có những băn khoăn giống nhau nên nay tui gom lại viết thành bài này, coi như chút kinh nghiệm nhỏ muốn sẻ chia cùng các bạn muốn/sắp đi du học nhen.

 Đi du học để làm gì?

 

1. Đi du học để làm gì?

 

Nghe hai chữ “du học”, thì rõ lý thuyết mười mươi là đi để du học. Nhưng bạn phải hỏi bản thân mình nhiều hơn thế. Học gì? Học ra sao? Đây là câu hỏi đầu tiên nên đặt ra, vì nó sẽ dẫn tới những điều tiếp theo.

  • Bạn có thể sẽ học bao nhiêu năm? (liên quan tới tài chính, mục tiêu)
  • Bạn muốn học xong quay về nước hay muốn định cư ở lại? (liên quan tới ngành học ưu tiên, luật pháp nước du học, chọn trường…)
  • Bạn muốn học có bằng đẹp và kiến thức tốt để nghiên cứu tiếp lên cao, hay học cho có bằng nước ngoài. Nghe hơi trơ trẽn, nhưng có nhiều bạn thực sự nói với tui như vậy nhé. Cái này liên quan đến uy tín trường, ngành có tiềm năng…
  • Bạn chỉ muốn đi “du” là chính, học những điều bên ngoài trường đại học hơn là cắm đầu vào sách vở. Câu này liên quan đến việc chọn khu để đi, chọn trường (rẻ hơn) để học, chọn con đường không quá academic để có thời gian khám phá cuộc sống…

Nói chung là rất nhiều câu hỏi bao quanh việc đi du học của một du học sinh tương lai.

 

2. Chọn trường đi du học như thế nào?

 

Sau khi trả lời loạt câu hỏi ở mục số 1, sẽ tìm ra được vài điểm cần lưu ý cho mục số 2. Nếu con đường của bạn là học thuật, hay quyết tâm học ở trường có tiếng, hãy chọn trường có ranking cao ở nước đó. Nếu chỉ muốn đi du học để có cơ hội học thêm nhiều thứ khác, không quá quan trọng cái “bằng đỏ”, thì hãy chọn trường trung bình, hợp sức học (để đỡ bị kick ra khỏi trường nếu ko đủ sức học và ko đủ tiền đóng học phí tiếp, vì dĩ nhiên trường tốt học phí cao hơn). Đừng chọn vì bạn tui đang học trường đó, nó nói tốt (ai nỡ nói xấu cho nơi mình đang đi theo học bao giờ, đừng chọn vì thấy hình trên internet trường đó đẹp quá (cái này cũng giống như đừng nhìn hình avatar các nàng trên Facebook vậy!), cũng đừng chọn vì cậu mợ cô dì giới thiệu. Hãy chỉ chọn khi bạn tìm hiểu rõ về trường đó, quy định của trường, và chọn vì bạn nghĩ bạn có đủ khả năng học ở đó!

 

Một điều liên quan nữa là chọn trường phải liên quan tới ngành mình muốn theo đuổi. Hãy nghĩ nhé. Ví dụ mình muốn học sâu cao về ngành thú y hay nông nghiệp, trường Massey University của Palmerston North là lựa chọn số 1 ở đây (trong khi hầu hết các bạn VN qua học trường này là học ngành kinh tế, mà cái chuyện tìm việc cho ngành này ở đây là dài kỳ than thở nha, nếu học y hay nông tốt thì ra trường được săn đón hơn!). Hãy tìm hiểu thế mạnh của trường bạn đang muốn đi, xem xét nó có hợp với thứ mình muốn không. Dù trường nó có mang mác “bách khoa” đi nữa thì chắc chắn cũng có một ngành thuộc hàng top, nó sẽ lợi nhiều cho bạn về sau trong khi học và sau khi ra trường heng.

 

Nếu muốn học chuyên về học thuật, hãy chọn các trường đỉnh, để được tiếp xúc với nguồn tài nguyên tri thức vô giá của các trường (từ thư viện đến tư liệu, và kinh nghiệm giảng dạy cũng những thầy cô có tiếng trong ngành nghiên cứu), nhưng nếu muốn vừa học vừa làm, hoặc học cho ra nghề, thì hãy chọn những trường có thể bảo đảm đầu ra (có liên kết doanh nghiệp, hoặc các học viện thuộc công ty chẳng hạn).

 

Hãy thử tìm hiểu thứ hạng và độ uy tín của trường, qua bảng xếp hạng giáo dục của đất nước đó, hoặc qua tổ chức kiểm định giáo dục của đất nước đó, hoặc chính xác hơn (hên xui gặp người thật hay không) là qua bạn bè đã và đang du học ở trường đó. Điều này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Ví dụ Mỹ có cả ngàn trường kể cả Công, Tư, Cộng đồng… chắc chắc có trường giỏi trường dở trường tào lao. Ở New Zealand chỉ có 8 trường được gọi là University trong hệ thống Tertiary Education (tất nhiên là 8 trường đáng học nhất ở đây rùi, nhưng thậm chí trong list đó trường này còn kỳ thị trường kia haha), còn lại là College, trường nghề, trường tư heng! Nếu bạn muốn đi nước nào, nên tìm hiểu trước về hệ thống giáo dục của nước đó, hệ thống bằng cấp, tín chỉ, yêu cầu chung… rồi đến chất lượng trường nhé.

 

3. Tui muốn đi du học bằng học bổng phải làm sao?

 

Thường có những nguồn học bổng chính sau đây:

 

– Chính phủ Việt Nam (thường có cam kết quay về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp hoặc phải bồi thường hợp đồng). Đề án 911.

 

Có thể check thêm ở trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Đào tạo với nước ngoài, hoặc trang đơn giản và mênh mông nhất vẫn là Google nhé.

 

– Thứ hai là Chính phủ nước mình muốn đi.

 

Ví dụ học bổng của chính phủ New Zealand dành cho sinh viên VN có thể tìm thấy trong trang này – New Zealand scholarships – Vietnam. hoặc đây. Cũng có 1 số ràng buộc (nhớ đọc terms and conditions nha hehe). Muốn học bổng nước nào thì google tên nước + government scholarships thử xem.

 

Thường nước họ cũng có ưu tiên cho ngành nghề nhất định và level nhất định.

 

Ví dụ Mỹ ưu tiên trung học và đại học.

 

Ví dụ New Zealand ưu tiên cấp học bổng cho level Post Graduate (sau đại học), Master (Thạc sĩ) và PhD (Tiến sĩ). Ngành ưu tiên là Agriculture Development (Phát triển Nông nghiệp), Disaster Risk Management (Quản trị Rủi ro về Thiên tai), Public Sector Management (Quản lý Công), Private Sector Development (Quản lý Tư), English Language Training (Giảng dạy tiếng Anh).

 

Điều đó có nghĩa là những bạn có ý tưởng đi theo những ngành này có cơ hội trúng học bổng chính phủ cao hơn những ngành khác (vẫn có trường hợp đặc biệt). Học bổng chính phủ NZ có 30 suất một năm. Cũng như các học bổng chính phủ khác (mà nổi tiếng của Mỹ là Fullbright), các bạn phải săn, tìm, chuẩn bị bộ hồ sơ tốt (gồm cả quy định trình độ tiếng Anh như IELTS hay TOEFL), vì nó có ngày hết hạn nộp hồ sơ, thường yêu cầu bài luận,  và nhiều giấy tờ liên quan khác. Bù lại thường bạn sẽ được tài trợ tất cả tiền học phí, tiền đi lại (vé máy bay), chi phí sinh hoạt cơ bản, bảo hiểm, các dịch vụ tư vấn khác… Rất đỡ gánh cho gia đình nhé. Nếu bạn tự tin về năng lực học và trình độ tiếng Anh thì thử apply xem, sẽ học được rất nhiều thứ hay ho, kể cả khi không may mắn đậu!

 

– Thứ ba là học bổng từ chính trường mình muốn đi.

 

Hãy xác định trường bạn muốn học, vào thẳng website của trường và contact họ để hỏi học bổng. Họ chăm sóc sinh viên như chăm sóc khách hàng vậy, thường sẽ có mail trả lời lại trong vòng 7 ngày, và những đề nghị rất bổ ích. Với dạng học bổng từ trường, phải rất cẩn thận đọc cho kỹ. Lời khuyên cá nhân của tui là nếu nhà bạn thuộc loại thường thường thôi thì được trên 80% học phí hãy xem xét, vì còn hàng vạn loại phí dã man khác mà bạn không thể lường trước khi bạn qua tới nơi (mà đã qua rồi thế nào cũng phải xoay để đi học thôi). Cũng nên cẩn trọng với những loại học bổng kiểu như “Học bổng toàn bộ $5000 khóa tiếng Anh”, vì đó chỉ là một số tiền rất nhỏ, chưa kể hết khóa đó mà bạn thi không đủ điểm tiếng Anh thì bạn phải đóng tiền để học lại đó. Còn nếu đủ điểm qua khóa tiếng Anh đó xong rồi, phải đóng tiếp tiền học phí để học “nội dung chính”, rẻ rẻ cũng $20.000/năm, cho nên $5000 đó tặng bạn cho vui thôi.

 

– Thứ tư là học bổng từ phía các tổ chức giáo dục quốc tế. Có rất nhiều trường hợp Quỹ Hội là của trường nào đó luôn, nên xin của Quỹ này là phải đi trường này (Ví dụ SOSHI Group của IPC, hay Navitas là đại diện/mai mối của 9 trường khác nhau). Cái kênh này rất khó nói, vì có khi nó biến mất tiêu thì sao (như có những chỗ chỉ là Agency du học, là công ty tư vấn bình thường). Nên hãy xem xét thông tin chính xác trước khi nộp đơn nhé.

 

Đó là chưa kể bạn có thể xin học bổng từ công ty (nếu đang làm trong công ty có điều kiện), hay học bổng từ phía các tổ chức quốc tế như quỹ Ford, World Bank…. Cũng có nhiều bạn bảo Trung tâm tư vấn làm dùm có mất phí gì đâu, nhưng nên nghĩ lại một chút người ta không bỏ thì giờ làm không công cho mình, sẽ có những trường họ ưu tiên hơn vì có sự liên kết đó giờ, có khi đó không phải là trường bạn muốn, cũng có khi đó cũng là lúc bạn bỏ qua một số cơ hội khác. Những gợi ý trên đây tui viết ra chỉ là gợi ý chính thôi, vì có hằng hà sa số thứ bạn có thể google và đọc, chọn lựa, và suy nghĩ. Tuy nhiên trên hết nên nhìn lại bản thân mình một lượt trước khi đi săn học bổng (tuổi ưu tiên, trình độ hiện tại, bằng cấp tiếng Anh quốc tế, khả năng tài chính có sẵn, muốn gì trong và sau khi đi du học…) để có được một mối duyên đẹp

 

4. Chuyện tài chính khi đi du học?

 

“Tui có thể vừa học vừa làm, rồi lấy tiền làm đi học, ba mẹ khỏi lo!!!”

 

Nói thiệt chứ trăm người nói câu này chắc được 1 kẻ mần được. Đừng nghĩ du học nước ngoài là thiên đường. Hãy nghĩ đến những thứ bạn phải đối diện và giải quyết khi đi du học (ngôn ngữ, văn hóa, học lực, môi trường mới, cơ hội việc làm, khả năng thích nghi…). Chỉ ví dụ một chuyện nhỏ xíu là bạn không hợp thời tiết, bị dị ứng thời tiết thì chỉ có thò lò mũi xanh nhức đầu chảy nước mắt suốt ngày, không có ăn uống gì được huống chi “vừa học vừa làm” heng. Nên hãy chuẩn bị trước cho mình một số tiền nhất định trước khi đi du học. Nếu vay mượn thì phải nghĩ thiệt kỹ mình sẽ trả bằng cách nào sau khi học xong, nếu không thể tìm việc thì mình có thể tự tạo việc làm hay không? Có chấp nhận làm nhiều công việc khác nhau hay không? Cuộc sống du học của nhiều bạn trở thành ác mộng khi chạy theo công việc làm thêm, không còn thời gian để học cho nghiêm túc, hay hưởng thụ cuộc sống văn hóa một cách trọn vẹn, nên thời gian đi du học mấy năm về tiếng Việt thì quên tiếng Anh thì vẫn dở, chỉ biết những điều nhỏ nhặt nhiều chuyện trong “làng người Việt”, chỉ biết đi làm hàng tuần chờ lương mà trả nợ visa mastercard… Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về chuyện tài chính du học. Nếu một người sẵn lòng cho bạn mượn hết tiền mà học, hãy nghĩ đến lúc họ đột ngột cần và đòi lại số tiền đó. Nếu bạn không có xu nào và quá chán việc, cứ xách ba lô lên mà đi, cơ hội bạn về càng sớm càng có thể heng. Ở nước ngoài tiền bạc như lá rụng ngoài sân, đụng đâu cũng tiền chả ai cho nợ cả, nhắc tới nhắc lui có khi đến cái visa ở lại cũng bay luôn vì không đủ tiền đóng học phí. Trong đời sống du học, không ít bạn du học sinh đã phải về nước vì không có tiền học tiếp. Do đó, bạn phải cực kì cực kì cân nhắc về vấn đề “đầu tiên” này

 

Túm quần lại của chap 1 này chỉ mới được 4 câu đó thôi, quá nhiều câu sẽ giải quyết sau. Bà con muốn hỏi gì thì để lại dưới comment tui mà biết rõ sẽ trả lời cho cả người khác cùng xem (hoặc viết tiếp cái bài khác), chứ inbox tui trả lời có mình bạn coi heng.

 

Túm thêm cái quần nữa là đừng bao giờ hỏi tui cái câu bâng quơ “chị ơi em muốn đi du học năm sau đó chị em phải làm sao chị?” nữa nha. Hãy xác định những điều tui nói ở trên (đích đến, trường học, ngành học, sức học, bằng tiếng Anh, khả năng tài chính, du học để làm gì, muốn ở lại hay không) để có thể có quyết định đúng nhất. Còn nếu nhà bạn có điều kiện thì cứ a lê hấp.

 

Kể nghe chuyện cuối, có những trường hợp bạn qua đây cũng du học, mà bạn học nghề bình thường là làm bánh có 12 tháng thôi rồi bạn đi làm có việc ngay (đúng nhu cầu thị trường), lương cao thuế khỏe, và xin được long-term visa rồi rù rù vô Permanent Resident luôn, rước vợ qua đi mần chung, trong khi cái bạn học Master of Finance thì còn chật vật sau 2 năm học rồi đi rửa chén cho nhà hàng Thái, sau không renew được visa thì về lại VN. Cả 2 bạn đều có mục đích đầu tiên là đi du học, nhưng 1 bạn đã xác định rõ mình muốn ở lại và tìm hiểu con đường ngắn nhất, bạn kia thì cũng muốn ở lại nhưng cứ nghĩ học cao dễ tìm việc hơn, thành ra bái bai luôn. Gì chứ về VN là thiên đường tìm kiếm danh lợi, còn ở đây họ trọng những người biết cách làm ra tiền, chứ bạn học cao cỡ nào có khi chả ai quan tâm đâu nha.

 

 

Nguồn: Scholarshipplanet

Share.

Leave A Reply