Sẵn sàng du học – Học ngành du lịch – khách sạn trở thành một xu hướng, khiến nhiều trường Đại học phải mở thêm các khoa đào tạo mới dành riêng cho ngành này. Cầu thị trường thì đã rõ, vậy cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành Du lịch – Khách sạn ra sao? Mức thu nhập như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hi vọng sẽ giúp bạn giải quyết phần nào những thắc mắc này.
Theo xu hướng phát triển tự nhiên của xã hội và nền kinh tế, khu vực dịch vụ nói chung và nhóm ngành du lịch – khách sạn nói riêng sẽ tiếp tục đà tăng tỉ trọng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, “ngành công nghiệp không khói” này đã và đang đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương và nguồn ngoại tệ dồi dào cho ngân sách nước nhà. Sự phát triển của ngành du lịch – khách sạn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nhân lực địa phương nói riêng và nhân lực trẻ Việt Nam nói chung, do tính chất đặc thù của ngành dịch vụ này đòi hỏi sự tương tác cao giữa người với người. Sự phát triển sâu rộng có thể nhìn thấy được từ chính nhu cầu của thị trường trong nước và sự bùng nổ của các dự án khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí… trải dài từ Bắc chí Nam suốt thập kỷ qua. Mỗi mùa tuyển sinh, từ khóa về ngành lại thu hút lượng tìm kiếm khủng từ đông đảo học sinh và phu huynh. Học ngành du lịch – khách sạn trở thành một xu hướng, khiến nhiều trường Đại học phải mở thêm các khoa đào tạo mới dành riêng cho ngành này. Cầu thị trường thì đã rõ, vậy cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành Du lịch – Khách sạn ra sao? Mức thu nhập như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hi vọng sẽ giúp bạn giải quyết phần nào những thắc mắc này.
Tổng quan ngành Du lịch – khách sạn.
Nhóm ngành Du lịch – Khách sạn, còn được dân trong ngành gọi tắt với cái tên tiếng Anh là “Hospitality”, được định nghĩa là nhóm ngành dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực du lịch, lưu trú và ăn uống. Mục tiêu sau cùng cũng giống như nhiều nhóm ngành dịch vụ khác là làm hài lòng khách hàng, khiến họ muốn quay trở lại sử dụng dịch vụ hoặc/và giới thiệu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp,…
Hoạt động du lịch đạt kỳ tích trong năm 2019, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu ngành du lịch lữ hành ước tính đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 586,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9.8%.
Việt Nam với những lợi thế về tự nhiên và bề dày văn hóa, lịch sử là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển chóng mặt của nhóm ngành Du lịch – Khách sạn kéo theo nhu cầu nhân lực khổng lồ mà thị trường lao động hiện tại chưa thể đáp ứng được. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, mỗi năm thị trường dịch vụ ngành Du lịch – Khách sạn ở Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, nhưng hiện tại chỉ mới đáp ứng được khoảng 15.000 lao động. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, chất lượng lao động hiện nay cũng chưa đảm bảo do nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn hạn chế. Một phần xuất phát từ nhận thức chưa đúng, xem công việc ở nhóm ngành Du lịch – Khách sạn chỉ là lao động phổ thông trong ngắn hạn, không cần đầu tư học hành nghiêm túc. Chính thực tế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển và thăng tiến hơn cho những sinh viên đã qua trường lớp đào tạo, có kiến thức – kỹ năng nghiệp vụ và thái độ chuẩn mực của người làm dịch vụ.
Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này rất đa dạng:
- Du lịch: hướng dẫn viên, điều hành tour, thiết kế tour, sales,…
- Khách sạn – Nhà hàng: lễ tân, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên phục vụ bàn, đầu bếp, sales, marketing, kế toán, hành chính nhân sự, các vị trí quản lý ở từng phòng ban/bộ phận…
Tại sao bạn nên chọn học nhóm ngành Du lịch – Khách sạn
1. Cơ hội việc làm rộng mở
Như vừa đề cập, thực trạng cung không đủ cầu, cả về số lượng và chất lượng nhân lực, sẽ khiến bạn được săn đón và đứng trước nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn nếu thể hiện được năng lực của mình. Sự phát triển của ngành du lịch không phải là một xu hướng nhất thời trong ngắn hạn, mà là hệ quả tất yếu của xu hướng dịch chuyển ngày càng phổ biến trên toàn cầu, được đóng góp bởi nền kinh tế khi đời sống vật chất của con người được cải thiện, các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, từ đó phát sinh những nhu cầu trải nghiệm hoặc hưởng thụ thông qua du lịch, để gia tăng chất lương cuộc sống. Thêm vào đó, việc đi du lịch chưa bao giờ dễ dàng đến thế: chi phí rẻ, các dịch vụ đi kèm tiện lợi, chính sách miễn thị thực trở nên phổ biến,… Thế giới đang phẳng hơn bao giờ hết và bạn đang chọn một ngành học không bao giờ “lỗi mốt”. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch – Khách sạn, đây cũng chỉ được coi là một quãng nghỉ tạm thời của "ngành công nghiệp không khói" này, trước khi nhu cầu và các dịch vụ du lịch quay trở lại, ngay khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
2. Môi trường làm việc lý tưởng
Sau khi tốt nghiệp ngành Hospitality, bạn sẽ có cơ hội làm việc trong những môi trường sang trọng với cơ sở vật chất hiện đại đi cùng cơ cấu vận hành và quản lý chuyên nghiệp. Ngoài ra, do đặc thù của ngành, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa dạng trong quá trình làm việc; thông qua tương tác với khách hàng, đối tác, thậm chí là đồng nghiệp và cấp trên, với đủ mọi quốc tịch và màu da. Điều này sẽ giúp bạn mở rộng thế giới quan mỗi ngày ngay tại nơi làm việc.
Khác với nhiều ngành, với những tiêu chuẩn quốc tế của Hospitality, bạn có thể lựa chọn phát triển sự nghiệp ở bất cứ đâu. Gần như tất cả các ông lớn trong ngành công nghiệp khách sạn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, bạn sẽ được làm việc và “đào tạo lại” mỗi ngày trong những môi trường chuyên nghiệp nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất, để tự hoàn thiện bản thân ở mức cao nhất. Những tập đoàn khách sạn đa quốc gia này sẽ mở ra những cơ hội nghề nghiệp trên toàn cầu cho bạn, ngay khi bạn sẵn sàng về mặt chuyên môn và tâm lý để đón nhận. Có thể nói, làm việc trong ngành Hospitality chính là một tấm vé thông hành quốc tế trên con đường sự nghiệp của bạn.
3. Học hỏi những kỹ năng thú vị
Sinh viên ngành Hospitality sẽ được học những kiến thức từ hàn lâm như lịch sử các loại rượu, cơ sở văn hóa, lý thuyết sử dụng dụng cụ trong ăn uống, lý thuyết về lễ tân,.. ; tới các kiến thức thực tiễn như cách chọn ly dĩa phù hợp và bày biện bàn tiệc, cách phục vụ, pha chế rượu,…; hay các kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, xử lý tình huống, nói chuyện trước đám đông,… Mỗi ngày sẽ là một trải nghiệm mới đầy thú vị!
4. Trở thành những người quản lý giỏi
Người ta thường nói vui rằng người làm dịch vụ chính là làm dâu trăm họ, quả không sai. Mỗi khách hàng là mỗi tích cách và nhu cầu khác nhau nên việc đáp ứng được các yêu cầu và làm hài lòng khách hàng trong giới hạn cho phép là không hề đơn giản. Người làm trong lĩnh vực này phải sở hữu tư duy nhạy bén, ngôn ngữ và cách tiếp cận xử lý tinh huống linh hoạt để luôn chủ đông trong mọi hoàn cảnh. Với khối lượng công việc rất lớn mỗi ngày và thời gian làm việc tương đối đặc thù, người làm ngành Hospitality phải có sức khỏe tốt, khả năng sắp xếp công việc lên kế hoạch tối ưu để đảm bảo hiệu suất làm việc cao nhất. Đây đều là những tố chất cần có của một người quản lý và lãnh đạo giỏi.
5. Mức lương hấp dẫn
Một trong những yếu tố thu hút nữa của ngành Hospitality là mức lương vô cùng hấp dẫn. Sinh viên có thể đi làm bán thời gian từ khi còn đang đi học để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Tổng thu nhập lúc khởi điểm có thể giao động từ 8–10 triệu đồng, ở những vị trí như Lễ tân, Nhân viên chăm sóc khách hàng, Bartender, Barista,…Khi có nhiều kinh nghiệm và nghiệp vụ được nâng cao, ở các vị trí giám sát và quản lý như Front Desk Manager, F&B Manager, Room Division Manager mức lương sẽ giao động từ 15- 50 triệu đồng tùy vào quy mô doanh nghiệp.
Các kỹ năng cần có của người làm trong ngành Du lịch – Khách sạn:
- Ngoại ngữ: Với đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài, nhân viên trong ngành Hospitality bắt buộc phải thành thạo ngoại ngữ, ít nhất là kỹ năng giao tiếp. Bạn biết càng nhiều ngoại ngữ thì càng có lợi thế khi cạnh tranh và đàm phán lương.
- Kỹ năng giao tiếp: Công việc đòi hỏi bạn thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng, do đó kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng. Những nguyên tắc cơ bản như duy trì giao tiếp bằng mắt và luôn mỉm cười khi nói chuyện với khách là bài học vỡ lòng đầu tiên. Bên cạnh đó là kỹ năng lắng nghe và thấu cảm với khách. Trong nhiều trường hợp, tất cả những gì khách hàng cần từ bạn là được lắng nghe.
- Thái độ thân thiện: Đây là yêu cầu tiên quyết đối với một người làm trong ngành dịchvụ nói chung và Hospitality nói riêng.
Bạn có thể sẽ dành tới hơn một nửa cuộc đời mình để làm việc nên việc chọn đúng ngành và cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm mỗi ngày cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy dành thật nhiều thời gian để trước hết là tìm hiểu bản thân, sau đó là từng nhóm ngành bạn đang quan tâm. Nếu vẫn không chắc chắn thì hãy thử trải nghiệm mỗi ngành một chút, thông qua những công việc làm thêm liên quan, trước khi tìm ra lựa chọn đúng đắn nhất cho mình. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp một số thông tin hữu ích giúp bạn có hình dung tốt hơn về ngành Du lịch – Khách sạn để đưa ra lựa chọn phù hợp với mình.
————-
Cuối tuần này, ATS mời bạn tham dự Hội thảo Chuyên ngành trực tuyến về Hospitality:
- QUY TỤ các chuyên gia đầu ngành & cựu sinh viên đến từ 12 ngôi trường đào tạo danh tiếng nhất tại Úc, Canada & Mỹ
- GIẢI ĐÁP mọi thắc mắc về chuyên ngành & xu hướng tuyển dụng hiện nay
- NẮM BẮT cơ hội thực tập & làm việc cho sinh viên Hospitality trên toàn cầu
- PHỎNG VẤN học bổng trực tuyến cùng đại diện trường
Góc quà tặng hấp dẫn:
- 01 khóa luyện thi IELTS online miễn phí từ British Council
- 01 tháng xem phim miễn phí thả ga trên Netflix
- Tặng lệ phí visa trị giá 5 triệu đồng khi nộp hồ sơ trực tuyến tại sự kiện
?Đăng ký tham dự ngay tại https://bit.ly/2Lv0Jrc
?Livestream Hội thảo chuyên ngành Hospitality: 16:00-17:00 Thứ bảy 13/6
?Giao lưu cùng cựu du học sinh & đại diện các trường: 9:00-12:00 Chủ nhật 14/6
SSDH Team