SSDH – “Kinh tế suy thoái, người bản xứ còn thất nghiệp nên công việc cũng không dễ dàng đến tay các du học sinh” – Khánh Duy, cựu du học sinh ở Mỹ, cho biết.
Nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn con đường về nước làm việc. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, với số tiền bỏ ra khá lớn, du học sinh phải tính toán kỹ càng trong việc chọn ngành và phải xây dựng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, nếu không sẽ khó hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Cựu du học sinh Úc tư vấn cho học sinh, sinh viên về việc chọn ngành du học tại Triển lãm Giáo dục Úc
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương (Công ty TalentNet) tại triển lãm du học Úc về xu hướng tuyển dụng dành cho du học sinh Việt Nam, khi chọn nghề, có nhiều yếu tố phải xem xét kỹ. Đầu tiên là phân tích liệu ngành học đó có phù hợp với bản thân không. Ví dụ ngành marketing đòi hỏi sự sáng tạo, yếu tố mới lạ, độc đáo. Bản thân tuy có ý tưởng mới nhưng không nhạy bén thì cũng khó thành công. Kế tiếp là phân tích ngành nghề đó có “thịnh” hay không. Lưu ý là một số ngành ít người biết, ở Việt Nam không có trường đào tạo chuyên sâu nhưng thực tế, các công ty đang rất cần như: nhân sự, hậu cần… Quan trọng là phải tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, so sánh đối chiếu với thế mạnh bản thân mình để chọn ngành du học.
Cũng có bạn học thẳng lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ và cứ nghĩ là trình độ cao thì dễ tìm việc nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nhiều công việc đòi hỏi phải có quá trình tích lũy kinh nghiệm. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương đưa ra ví dụ về ngành tài chính. Để làm giám đốc tài chính phải có kinh nghiệm làm kế toán (giá thành, thu chi) rồi lên kế toán tổng hợp, sau đó mới làm được giám đốc tài chính. Do vậy, ngoài việc chọn ngành phù hợp bản thân, theo xu hướng nhu cầu thị trường, cá nhân đó còn phải vạch ra định hướng nghề nghiệp, xây dựng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng mới hy vọng thành công sau khi tốt nghiệp.
Thục Uyên