Công thức chung để đạt IELTS 7.5 kèm theo tài liệu

0

SSDH – Bài viết này tổng hợp lại các kinh nghiệm của các bạn IELTS 7.5 mới thi gần đây chia sẻ. Dù cách tiếp cận và cách học mỗi người là khác nhau nhưng đây là chặng đường mà khá nhiều bạn đã trải qua nên các bạn tham khảo để ôn tập có định hướng và nhẹ nhàng hơn nhé.

ielts-la-gi

LISTENING:
Nghe chép Intensive: Xài file có độ khó khoảng 50%; dài từ 2-3 phút thôi. Nghe và chép tất tần tật những gì bạn nghe được, và KHÔNG nghe được nữa. Mấy từ đó thì cứ chép bằng âm tiếng Việt là được, ví dụ “đờ ma dờ”. Mục đích là để nhớ lấy cái âm người ta nói, đến khi xem script, bạn sẽ biết được “the mother” có cách đọc tương tự như vậy. Cuối cùng, dùng hết vốn từ vựng, ngữ pháp bình sinh để điền nốt vào ô trống những chữ bị rơi rụng trước khi nghe lại lần nữa.
Tự làm khó mình: Để thoải mái trả lời được từ 37- 40 câu, khi luyện tập cần cố gắng đặt bản thân vào các tình huống gian nan còn hơn cả thi thật. Nghe bằng loa ngoài điện thoại với tốc độ x1.25; không dùng 30s chuyển Part để đọc trước câu hỏi và làm các đề khó hoặc cực khó
READING:
Ghi sổ thù vặt: Với kỹ năng này, có từ vựng tốt gần như là có tất cả. Kinh nghiệm của mình là lập lấy cái sổ thù vặt. Khi gặp 1 từ/cụm không biết, mình sẽ ghim nó, rồi rà đi rà lại để “thù” thật lâu. Nhưng không chỉ mỗi từ đó thôi mà cả “combo” họ hàng của nó nữa. Từ loại (noun, verb, adj). Từ đồng nghĩa, trái nghĩa (chính là những từ được paraphrase trong Passage) và những dạng từ khác cùng gốc (product; productive, production,..)
Với những bạn mới học, hãy bắt đầu với các từ quanh đoạn có đáp án; những từ paraphrase lại từ khóa của câu hỏi trong Passage trước. Còn những từ quá chuyên ngành, tần suất lặp lại ít kiểu ‘ganzfeld’ thì để dành khi nền tảng đã tốt hơn rồi học sau nhé.
Đọc có chiến lược và chiến thuật: Reading có tận 9 dạng bài khác nhau, yếu ở dạng nào thì tập trung củng cố dạng đó trước cứ không mất nhiều thời gian làm dàn trải. 1 tuần làm 1 full test là đủ rồi. Dạng nào cũng đều có phương pháp, mẹo làm cả, cố gắng vận dụng để làm bài nhanh hơn
SPEAKING:
Phát âm là tool hack: Trong phòng thi, có khi bạn chẳng nhớ được mấy từ vựng hay đâu nhưng một khi đã luyện phát âm thành thạo, bạn sẽ không phát âm sai. Nếu không có nhiều thời gian trau chuốt cả 44 âm IPA, bạn chỉ cần lọc ra những âm mình cảm thấy khó nhất để luyện cho nhuần nhuyễn. Chuẩn mấy âm này rồi thì tự khắc những âm còn lại sẽ tốt.
Ý tưởng có thể tủ: Các bạn vẫn có thể áp dụng công thức PEER khi trả lời câu hỏi. Ở Part 3, các bạn paraphrase lại câu hỏi; đưa ra luận điểm chính rồi mở rộng câu trả lời bằng cách đưa ra giải thích và ví dụ rồi tủ 1 list Function words để kết nối. Một mẹo mà mình đã áp dụng chính là thủ sẵn một vài Collocation “chất” cho 5 topic dễ nói lái sang như: Health, Money,.. để lúc thi cứ thế mà xài. Như vậy, câu trả lời sẽ dài và mạch lạc hơn.
WRITING:
Cách mạng văn hóa đọc: đọc thật nhiều để có thêm ý tưởng và dùng từ sao cho tự nhiên, mượt mà. Biết càng nhiều sự kiện thực tế, giải thích và ví dụ bạn đưa ra càng thuyết phục. Khi đọc bài mẫu, mình ghi lại: ý tưởng, các cụm được paraphrase theo chủ đề chính, collocation hay, và cấu trúc ngữ pháp chứ đừng chỉ khai thác từ vựng thôi thì phí lắm.
Đừng lãng phí bài chữa: Học bài chữa là con đường tắt để nâng band cho nhanh. Bởi nếu không ai chỉ ra lỗi sai, bạn vẫn sẽ cứ lặp đi lặp lại 1 lỗi; lúc đó dù có đọc cả trăm bài mẫu band 8 thì sai vẫn hoàn sai. Khi học bài chữa, mình lại lượm lặt tất tần tật lỗi sai rồi cho hết vào sổ “thù vặt”.
+ Với các lỗi từ vựng: ghi lại từ/cụm từ mới, đặc biệt là collocation để sửa lỗi diễn đạt dài dòng; rồi học cách paraphrase cho cùng một nội dung.
+ Với lỗi ý tưởng: brainstorm lại theo các idea được gợi ý rồi triển khai lại theo PEER
SSDH ( Theo Xuân Phi)

Share.

Leave A Reply