SSDH – Kinh nghiệm về chọn việc làm thêm đã được SSDH đề cập đến khá nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều bạn độc giả, những du học sinh tương lai băn khoăn về vấn đề có nên đi làm thêm khi du học hay không? Qua sư trải nghiệm của các cựu du học sinh, bài viết sau sẽ giải đáp khúc mắc này cho các bạn.
Du học sinh có nên làm thêm hay không? – Ảnh minh họa
Ngoài việc bù đắp phần nào chi phí sinh hoạt hoặc có thêm tiền đi du lịch, việc làm thêm đối với du học sinh còn mang lại một trải nghiệm thú vị trong thời gian ở nước ngoài.
Điều đầu tiên trong 5 điều nên làm khi du học theo lời khuyên của Chu Việt Cường, tốt nghiệp tiến sĩ năm 2013 tại Anh, là kiếm một việc làm bán thời gian sau khi đã ổn định việc học. Chu Việt Cường cho rằng: Công việc làm thêm luôn mang lại những bài học quý giá mà du học sinh không thể nào học được từ môi trường ĐH. Nhiều du học sinh đồng tình quan điểm này. Nhưng làm sao chọn được việc làm phù hợp với bản thân để việc du học đạt được các mục tiêu đề ra?
Mở rộng tất cả kênh tìm việc
Trần Thanh Huyền, học thạc sĩ quản lý du lịch và khách sạn tại ĐH Bournemouth (Anh), cho rằng mình đã rất may mắn có cơ hội làm thêm trong thời gian học tại Anh. Cô cho biết có rất nhiều lựa chọn việc làm bán thời gian cho sinh viên quốc tế cũng như cách thức tìm công việc. Một trong những kinh nghiệm đó là du học sinh cần tích cực mở rộng tất cả kênh tìm việc có thể: hỏi han bạn bè, thầy cô tại trường, nơi tập trung nhiều công việc hợp lý cho sinh viên; báo chí địa phương và những nơi xung quanh khu vực sống. Du học sinh có thể chọn công việc tại các nhà hàng, khách sạn như: phục vụ hay phụ bếp, rửa bát, dọn phòng; bán hàng tại các chuỗi cửa hàng ăn nhanh… Du học sinh nữ có thể trông trẻ. Nếu vốn tiếng Anh khá có thể làm việc cho chính trường của mình, như hỗ trợ sinh viên khóa dưới hoặc nộp đơn vào các trung tâm dịch thuật.
Bạn Miki du học sinh Việt (ở giữa) tại văn phòng nơi bạn làm thêm trong thời gian du học tại Anh
Trong quá trình du học, Trần Thanh Huyền đã làm thêm 3 công việc. Việc đầu tiên là nhận đặt hàng tại cửa hàng bán đồ ăn mang đi. Tình cờ đi ngang qua cửa hàng ngay gần nhà thấy có bảng tuyển nhân viên, Huyền đã mạnh dạn vào hỏi. Qua một người bạn, Huyền biết được một nhà hàng đang cần tuyển người phục vụ ăn sáng và nhờ người bạn đó giới thiệu. Huyền còn làm cho một công ty dịch thuật tại London. Nhờ gửi lý lịch trước đó nên khi gặp trường hợp cần dịch tiếng Việt, họ đã gửi yêu cầu công việc và mọi giao dịch đều tiến hành qua email và điện thoại.
Mạnh dạn xin việc
Còn Chu Việt Cường tìm được công việc làm thêm đầy hứng thú tại sở thú thành phố bằng sự nhanh trí. Đơn vị tuyển dụng ra phương thức sẽ phỏng vấn qua điện thoại nhưng vốn còn tự ti khi giao tiếp tiếng Anh, Cường bèn mang hẳn hồ sơ xin việc đến nộp. Kết quả là Cường đã xin được việc và đi làm ngay trong tuần sau đó. Công việc ở sở thú đã theo Cường suốt chặng đường còn lại của khóa thạc sĩ và cả khi Cường trở lại Anh học tiến sĩ.
“Tôi thích không khí trong lành của một khu sinh thái, thích thú nhìn các em bé xúm xít quanh bầy chim để cho chúng ăn. Tôi thích những câu chuyện thú vị chỉ có thể nghe được từ những người bạn bản địa mà tôi làm cùng. Và hơn cả, tôi vui mừng đã để dành một khoản tiền lương kha khá để thực hiện ý nguyện đến thăm 4 nước của Liên hiệp Vương quốc Anh…” – Việt Cường tâm sự.
Tìm việc phù hợp với mình
Bảo Trâm – tốt nghiệp University of Warwick (Anh), đang là chuyên viên cấp cao quan hệ cổ đông tại Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí – cho rằng: Đi làm thêm sẽ học hỏi rất nhiều. Nhưng chọn việc làm thêm nào cũng rất quan trọng. Bảo Trâm khuyên chọn công việc làm thêm nên chọn trong trường hoặc làm cho các dự án phù hợp với ngành học của mình, còn làm ở nhà hàng thì không thể từ chối chủ là mình bận thi, bận học và như thế rất khó được tuyển dụng… Trong nhiều vất vả của việc du học, điều mang lại niềm vui nho nhỏ cho Nguyễn Thị Bảo Loan (ĐH Massachusetts – Mỹ) là tìm được việc làm bán thời gian tại văn phòng sinh viên quốc tế. Công việc của Loan là hướng dẫn các sinh viên quốc tế mới đến. Tuy chỉ làm trong thời gian ngắn nhưng được tiếp xúc với các bạn từ nhiều quốc gia khác đã mang đến nhiều điều thú vị cho Bảo Loan.
“Để có thể làm thêm trong thời gian du học, các bạn du học sinh nên kiểm tra trước những quy định của chính phủ liên quan đến sinh viên quốc tế” – Thanh Huyền dặn dò.
Đông Đức (SSDH) – Theo Amec