Du học Đài Bắc nói không với vội vã và chen chúc

0

SSDH- Bạn đang có ý định lựa chọn Đài Bắc là điểm đến cho hành trình du học của mình? Hãy cùng SSDH tìm hiểu thêm về đời sống ở Đài Bắc qua bài chia sẻ của bạn Irene Ying nhé !

1. Đời sống ở Đài Bắc có nhịp hơi Chill, nói không với vội vã và chen chúc 

Một trong những điều đầu tiên mình thấy ở Đài là nhịp độ cuộc sống chậm rãi hơn Hà Nội rất nhiều. Nếu ở Hà Nội mình luôn cảm thấy vội vàng hối hả, thì ở đây nó như thước phim tua chậm. Từ cảnh vật cổ điển hơn, đến con người thong thả hơn. Đài Bắc nhìn chung ngăn nắp sạch sẽ và không chen chúc.
Ví dụ:
  • Văn hoá xếp hàng: Ở đây người ta xếp hàng vào mọi nơi từ bến tàu bến xe đến vào thang máy toà nhà. Xếp hàng cũng đứng cách nhau xa xa chứ không sát rạt. Mình đi đường hay chúi mũi vào điện thoại nên nhiều lần ngẩng lên thấy thiên hạ xếp hàng còn bản thân đứng lạc một kiểu, xấu hổ lắm.
  • Văn hoá thưởng trà và leo núi: Ai mà thích leo núi cuối tuần, đi quán nọ quán kia ăn bánh uống trà chụp ảnh chill sống ảo với bè bạn gia đình thì Đài chắc là điểm đến hứa hẹn. Ở đây họ sẵn sàng kéo cả nhà đi leo núi để uống trà trong một quán nào đó trên núi trên đồi. Thậm chí không phải quán trà thì là quán cà phê, nhà sách. Nhiều lúc mình nhớ những cuối tuần ở nhà anh em hò nhau đi nhậu, đi karaoke với đi ăn mấy món kiểu lòng dồi, vỉa hè trà chanh trà đá bánh tôm các kiểu.
  • Các bạn bè mình đến từ các đô thị khác ở các quốc gia châu á láng giềng đều kêu, ở Đài đời sống nó chậm quá. Cảm giác như những năm 2000 ở đô thị quê nhà =)))) Mà nghe các bạn Đài nói Đài Trung, Đài Nam có nhịp sống còn chậm hơn cả Đài Bắc.
  • Vì đời sống chậm rãi và khí hậu dễ chịu, nhiều cảnh đẹp núi non để đi chơi, nên là ai mà căng thẳng stress, trầm cảm do áp lực cuộc sống thì sang Đài Loan học cũng có thể giúp cho đỡ căng thẳng hơn. Đối với mình thì đi học cũng như đi an dưỡng, nhưng nếu các bạn sang đài học mà vẫn phải lo cày tiền vất vả thì cũng không thoát được căng thẳng. Về cơ bản để an dưỡng thì phong thuỷ ở Đài là tốt cho việc hồi phục sức khoẻ, theo mình là vậy, miễn bạn không phải đi làm quá cực. Mà học thạc sĩ cũng chỉ được làm 20 tiếng một tuần nên có thể cân bằng được.

2. Work-life balance 

Đài Loan thì nhìn chung áp lực làm việc, cày cuốc không kinh khủng như là Nhật, Hàn, hay Trung Quốc và cả Việt Nam.
  • Buôn bán ở Đài mở muộn, đóng sớm. Hồi mới sang Đài, mình hăm hở đi shopping lúc 10h trưa và phải đứng chờ khu mua sắm mở cửa rất nhiều cửa hàng ở Đài mở lúc 11h trưa, và 9h tối đã dọn hàng tiễn khách. Khác hẳn với Việt Nam mở sớm, đóng muộn. Họ buôn bán cũng rất thong thả. Thường ngày lễ là lúc hốt bạc vì nhu cầu tiêu dùng đi chơi này kia tăng, thì ở Đài, các gia đình buôn bán có cửa hàng, vào ngày lễ họ cũng đóng cửa đi chơi 
  • Đối với ngành ngân hàng mình làm việc thì cảm thấy ngân hàng ở đây làm đỡ căng hơn ở Việt Nam.Tất nhiên khó có thể so sánh vì cơ bản Việt Nam đang phát triển nhanh, nhu cầu và KPI tăng trưởng khách hàng lớn do còn nhiều dư địa phát triển, còn Đài là quốc gia đã overbanked đối với khách cá nhân. Nhưng thật sự là phong cách làm việc trong ngân hàng ở đây họ chậm rãi hơn. 4h30 chiều đã thấy hạ cửa kiểm quỹ, và không có chuyện 8-9h tối vẫn cặm cụi kiểm tiền cuối ngày như các chi nhánh NH Việt Nam. Giờ làm việc cũng muộn hơn, như chỗ mình thì khoảng 8h30 – 8h50 gì đó mới vào làm mà được chọn ca nên mình chọn ca sớm nhất lúc 8h20.
  • Tư duy của lãnh đạo: Mình chưa từng đi làm ở đâu mà sếp lại coi trọng việc “đi làm phải vui” như khi gặp các sếp mình ở đây. Từ lúc phỏng vấn các sếp cũng hỏi mình dự định tương lai mà lúc đó mình cũng thật thà nói mới lấy chồng, nên trước mắt muốn dành thời gian chăm sóc tổ ấm. Sếp vẫn thường bảo mình là quan trọng đi làm vui vẻ, mỗi ngày đều thích đi làm và học được điều gì đó, còn lại thì mỗi người một mục đích. Có người ham thăng tiến. Có người chỉ muốn bình an ổn định qua ngày. Thật sự so sánh với bạn bè nói chung ở Hàn, ở Nhật thôi đã thì đã thấy áp lực cày cuốc bên đó rất là kinh khủng và sếp nhiều người họ khắc nghiệt. Nhưng mình và bạn bè bên Đài thì có nhiều thời gian tiếp xúc với sếp lớn. Sếp càng lớn họ càng hào sảng và tử tế với nhân viên .Vì người Đài họ rất trọng thể diện và giữ ý trong cư xử. Càng địa vị cao, họ càng muốn chu toàn hoà nhã để có tiếng thơm.

3. Trọng bằng cấp 

Thật sự viết câu này mình cũng đắn đo vì sẽ có bạn vào nói, bằng cấp không quan trọng blah bleh quan trọng kinh nghiệm làm việc. Điều đó cũng đúng. Nhưng ở nước ngoài, và đặc biệt ở Đài Loan, đến khi tốt nghiệp đi làm các bạn sẽ thấm thía bằng cấp ở đây có giá như nào. Mà chẳng cần đến khi xin việc, ngay trong câu chuyện hàng ngày mà thôi. Nói không ngoa, là nhiều khi nghe tới danh tiếng trường bạn học, vị thế của bạn sẽ có chút trọng lượng hơn.
  • Mỗi khi đi taxi, mình hay chém gió với các bác tài. Mình chỉ cần nói vài câu là bị nhận ra người nước ngoài ngay lập tức. Nên họ rất hào hứng hỏi mà câu đầu tiên là hỏi sang đây làm gì, à học cả, liền tới là hỏi học trường nào liền nói tên trường cái là nghe giọng người ta hào hứng hẳn lên, ồ ồ trường đó xịn lắm, lợi hại quá. Và câu chuyện sẽ rôm rả hẳn lên.
  • Mình đi phỏng vấn xin việc, HR các cty đa phần là… từ trường mình ra. Vì vậy có những HR khi nghe mình cảm ơn đã nói, không cần khách khí đâu vì em là “học muội” (đàn em gái khoá sau) mà.
  • Mỗi khi đem mình giới thiệu với người khác (trường hợp hiếm hoi là người Việt Nam ở đây) sếp đều nói bạn này học trường này, giờ làm bộ phận này. Và tiếp theo là ồ à, ủa tui cũng học đó ra, rồi đếm chung quanh đồng nghiệp có nguyên một đội hùng hậu từ trường đó ra là tự dưng thành xôm. Nhìn chung ở cty mình thì quanh quanh toàn “gương mặt trường thân quen”, có thêm câu chuyện ôn lại thuở xưa tui khoá mấy cô khoá mấy. Đó vậy.
  • Một đồng nghiệp người Đài sau khi biết mình học trường đó ra, lập tức nói, giỏi quá, tui hồi trước cũng muốn vào đó mà thi không đậu =)) định nói là người nước ngoài vào đó yêu cầu ko khó như người Đài mà lại thôi 
Thật ra có nhiều bạn ra trường rồi mới biết nếu từ những trường kém tên tuổi ở Đài đi xin việc sẽ rất khó, cho dù lúc học, hay bình thường câu chuyện xã giao người ta vẫn nói không quan trọng đâu đi nữa thì khi đi tìm việc sẽ thấm thía. Và nếu các bạn đã có kinh nghiệm làm việc dày dặn ở các cty lớn tại VN hay các kĩ năng cứng mềm thuộc diện nhìn kinh nghiệm/ project đã làm để nói chuyện thì không lo lắm. Nhưng mình khuyên, khi nghe ai đó ở Đài nói tui học trường thường vẫn kiếm được việc ngon, thì phải lập tức hỏi người ta ở VN đã làm gì ở cty nào, và trình độ ngoại ngữ ra sao. Có khi người ta vốn là nhân sự giỏi ở VN chỉ sang đây học “tráng men” cái bằng thường thường ở trường kém nổi để dễ lấy học bổng và có thân phận du học sinh ở Đài mà thôi, nhiều khi còn thêm vào vụ lưu loát vài ngôn ngữ nữa 

4. Đài Bắc là thành phố song ngữ 

Nếu ở Đài Bắc bạn chỉ cần giỏi tiếng Anh cũng sống khoẻ vì nơi đây là thành phố song ngữ. Từ dịch vụ công, đến bệnh viện, trường học, thậm chí tới lái xe Uber và cả người đi đường, đâu đâu cũng bắt gặp người nói tốt tiếng Anh. Mình rất ngạc nhiên khi những cô bác 50, 60 tuổi trở lên ở Đài Bắc nói rành tiếng Anh thành ra sống ở đây ít rào cản ngoại ngữ. Bạn không biết tiếng Trung cũng không sao. Nhưng biết thì ấm thêm vào thân thôi. Có điều ngoài Đài Bắc ra mà đi các vùng khác ở Đài thì phải biết tiếng Trung nha.
Nhiều khi, biết tiếng Anh và nói tốt tiếng Anh cũng được đối xử tốt hơn vì họ tự giả định ngay bạn có học vấn và sẽ nể nang hơn. Nhiều lúc bạn bè Đài Loan mình ở một số trường hợp cần giao tiếp với công quyền (trường, lớp, bộ phận này nọ doanh nghiệp) đều xúi mình viết email đi tại mày là người nước ngoài người ta sẽ ưu tiên phục vụ. Có một chuyện không biết nên vui hay buồn, ấy là một bạn Việt Nam của mình gặp rắc rối về quyền lợi, nên gọi điện tìm luật sư qua một bên tổ chức hỗ trợ luật sư miễn phí và họ có vẻ hơi gắt, bảo bạn chờ. Mình nói, em gọi lại đi nói tiếng Anh cho chị. Quả nhiên là khác ngay, được tiếp ngay và xếp lịch luôn =)))) Vì sao? Vì nhiều người họ mặc định nước ngoài, dân Việt Nam sang đây là lao động phổ thông, nói chung là người yếu thế và không có trình độ nên họ sẽ tỏ thái độ phần nào. Nên sử dụng tiếng Anh ở những trường hợp đó sẽ ổn hơn..
Còn về đa số, đứng ở vị trí là khách hàng, thì bạn sẽ được hưởng cảm giác “Khách hàng là thượng đế” đích thực ở Đài vì họ kinh doanh chiều khách vô cùng luôn.

5. Không ô nhiễm tiếng ồn và không rác thải 

Đài Bắc êm ả và tĩnh lặng hơn Hà Nội rất, rất nhiều lần. Ở đây xe cộ không có thói quen bấm còi xe. Mọi người trò chuyện nhỏ nhẹ lịch sự. Nếu bạn thích kiểu đi ăn, đi xem phim mà ai cũng nhỏ tiếng hết sức có thể thì đây là nơi dành cho bạn. Thậm chí trẻ con ở đây đi ăn đi chơi mình cũng ít thấy chúng nó chạy nhảy la hét làm phiền người khác. Đi tàu điện cũng ít khi thấy trẻ con la khóc. Vì người dân đều tránh làm phiền thiên hạ nên cố gắng nói khẽ, đi nhẹ, cười duyên.
Đài Bắc rất sạch sẽ. Nhớ hồi mới sang ông bạn mình đi cứ nhìn quanh trên đường. Hỏi anh tìm gì trên mặt đất vậy? Ông ý kêu, tìm rác á em. Ở đây sạch ghê ha ha. Tìm không ra rác. Dưới gầm cống gầm cầu cũng không có chuyện rác bị vứt chỗ khuất. Sạch đến độ vầy nè, hồi ở nhà mình ko bao giờ mua và đi giày màu trắng nha. Nhưng sang đây thì cứ giày trắng mà diễn.

6. Nơi chó mèo được chăm sóc như em bé 

Chó mèo ở Đài được cưng và chăm sóc tốt. Không thiếu con chó con mèo thọ tới 13-18 tuổi. Mình đi đường hay hỏi han tám chuyện với chủ nuôi chó nên nhờ vậy mà hóng được tuổi thọ của chúng nó, giật hết cả mình. Cái hay là dù có người không thích chó, nhưng không ai nói khó nghe khi thấy người khác cưng và yêu chó. Việc giết hại chó mèo, thú vật nuôi bị cấm. Hệ thống bệnh viện và phòng khám thú y rất phát triển, đi cùng là bao la đồ thuốc bổ, thức ăn cho các boss. Ở Đài các bạn sẽ thấy những biển quảng cáo ở nhà ga tàu điện ngầm tại vị trí to đẹp, đắt đỏ, không thiếu quảng cáo của thuốc bổ, thức ăn và thậm chí spa chó mèo. Nói vui, là nếu đi đường thấy xe đẩy, xe nôi, coi chừng bên trong là chó chứ không phải em bé. Ngoài việc quản lí vấn đề phối giống, sinh sản của boss bằng chip và đăng ký đầy đủ, chính phủ Đài cũng rất tận lực trong việc cứu hộ và chăm sóc chó mèo bị bỏ rơi. Ở Đài lắm hội cứu trợ chó mèo lắm và họ làm rất chuyên nghiệp. Các bạn nếu thích tình nguyện có thể xin vào các hội này để làm. Thường thì hàng quán hay cửa hàng tiện lợi đều có hộp đựng tiền donate cho các hội cứu trợ động vật.
Trải nghiệm đưa chó đi thú y cũng rất là vui. Mình thấy giống đưa con nhỏ đi khám. Bác sĩ gọi theo tên của boss, chủ nuôi đề là “bố mẹ”. Không hiếm cặp vợ chồng không con mà nuôi vài con chó con mèo.
Mình chưa thấy ở đâu chó hoang mèo hoang lại béo ú như ở đây. Chúng nó không đói đâu. Dân họ cho ăn. Thường thì nhà nước sẽ bắt chó mèo hoang đem thiến, nếu sức khoẻ tốt thì vẫn thả ra cho đi quanh quanh và dân cho ăn nên mập lắm. Nếu mà chó hoang hung dữ cắn người thì có thể gọi điện báo chính quyền sẽ tới đưa nó đi ngay. Đợt rồi con chó hoang trong trường mình bệnh nặng, các sinh viên hô hào cứu trợ, chỉ mấy ngày mà quyên được tới 200,000 đài tệ để đưa nó đi khám chữa.
7. Nơi không ai quan tâm đến chuyện các nhân của bạn 
Có những bạn hỏi Đài Bắc có thân thiện với LGBT hay là có kì thị hình xăm như Nhật không, thì câu trả lời là “chẳng ai quan tâm”. Bạn ở đây muốn mặc gì, ăn gì, xăm gì, yêu ai, là việc của bạn. Không ai hỏi chọc vào cũng không ai quan tâm. Có thể họ không ưa nhưng họ cũng giữ trong lòng thôi chứ không nói ra đâu vì sợ “mất hình ảnh” của họ. Nhưng ở đây cũng thấy nhìn chung, ai khác biệt họ cũng keep a low profile, kín tiếng chứ không phô phang nếu là người Đài. Nên các bạn sẽ thấy ờ đây không có kiểu hiện tượng mạng như Kenny Sang, Linda, hay thánh làm lố Tiktok Việt Nam. Về cơ bản là không ai quan tâm nhưng cũng không ai tạo váng tạo nổi. Còn nếu bạn đã thích thu hút sự chú ý, chắc chắn sẽ có phán xét và ngừoi Đài sẽ chê/ phán xét một cách kín đáo, ý nhị, sâu cay. Nhưng mình sẽ không bàn cụ thể ở đây hnay nhé vì đây là topic khen :))
Về cơ bản thì mình để ý thấy nếu là công việc giao tiếp bán hàng, sẽ rất nhiều bạn là LGBT làm. Ví dụ nhà hàng quán ăn, Apple store, bán mĩ phẩm là những nơi mình hay gặp các bạn nam LGBT nhất. Như ngành của mình là ngân hàng thì nhiều bạn có hình xăm nhưng cũng kín đáo che đi bằng trang phục chứ không để lộ ra. Bản thân mình cũng có hình xăm lớn và mình thấy nhìn chung, không ai nhìn ngó. Thi thoảng có ai hỏi thì chủ yếu là khen, xăm đâu đẹp thế vậy thôi.
Tuy nhiên là người Việt Nam ở đây sẽ có đôi lúc các bạn gặp những câu hỏi khó đỡ kiểu sang lấy chồng Đài à, hay là ở Việt Nam mẫu hệ hả, Việt Nam nghe nói đàn bà làm hết đàn ông không làm gì phải không vân vân. Nhưng xác suất nghe được sẽ tuỳ thuộc vào môi trường bạn làm và kiểu người bạn tiếp xúc. Và nếu ở các tỉnh lẻ, miền quê Đài Loan thì họ không thoáng như Đài Bắc. Kiểu bà tám bà dì hàng xóm đâu cũng có 

8. Đồng lương đủ chi 

Đài Bắc nói riêng và Đài Loan nói chung đều chịu sự điều chỉnh của chính sách. Dẫu cho dân có gào lên lương thấp thì cũng là thấp so với Hàn, Nhật =)) nhưng về chất lượng cuộc sống đi kèm với đồng lương thì mình thấy dễ chịu. Tính ra, nếu bạn độc thân ở Đài Bắc, sống vừa phải, lương tầm 32,000 NTD – 35,000 NTD chẳng hạn thì mỗi tháng bạn cũng dư ra được 10,000 (khoảng 8tr VND). Tức là sống vừa phải thì mức lương phổ thông như trên cũng dư được ⅓ thu nhập mỗi tháng làm tiết kiệm. Còn chịu làm nhiều, cày cuốc thì tiền nhiều thôi. Giới trẻ Đài giờ có một bộ phận không nhỏ chỉ sống qua ngày, đi làm rồi về, bằng lòng với các công việc đơn giản và không thăng tiến, kiếm ít tiền sống độc thân. Nhưng các bạn trẻ Việt Nam nhìn chung đều chăm và chịu khó xoay sở để kiếm thêm tiền. Thành ra ở đây người Việt Nam mua xe mua nhà không hề ít. Đợt này lạm phát, thì cty mình cũng rục rịch điều chỉnh lương để hỗ trợ người lao động, thật là cảm động 
Thuế thu nhập cũng thấp. Người nước ngoài như mình đóng chắc đâu đó 5%.

9. Nhiều chính sách hỗ trợ người nhập cư 

Mùa dịch thì chính phủ cũng có cứu trợ này kia, tất nhiên vẫn chủ yếu dành cho dâu Đài và người có thẻ vĩnh trú, nhưng nếu là người nước ngoài cũng được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí cách ly, chi phí điều trị cô vít. Tiêm chủng thì dành cho tất cả dù có hay không có thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, nếu các bạn gặp chuyện rắc rối bất trắc thì ở Đài có rất nhiều hiệp hội, tổ chức, đường dây nóng hỗ trợ nhập cư, pháp luật miễn phí cho bạn. Thậm chí cho bạn luật sư, phiên dịch miễn phí. Lúc đụng chuyện đi tìm trợ giúp sẽ thấy nó có ích phết Chính mình đã xin được luật sư miễn phí để kiện một thằng biến thái quay lén, nên mình cũng va chạm với hệ thống luật pháp, cảnh sát ở Đài. Mình thấy khi đụng chuyện thì kiện cáo, giải quyết có vẻ nhanh nhẹn và công bằng.
Về vấn đề định cư thì cơ bản là dễ hơn nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Can và các nước châu Âu. Nhưng công việc ở Đài nó ko fancy lắm vì Đài là quốc gia của sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất SMEs, đi cùng là công xưởng và nhà máy. Nên công việc dành cho người nước ngoài mà kiểu bảnh bao văn phòng cao cấp này kia sẽ ít hơn. Tuy nhiên ưu điểm lại là nhiều việc làm. Chịu hạ thấp tiêu chuẩn thì luôn có việc. Và đặc biệt ở Đài có quy định lương tối thiểu nên làm phục vụ quán ăn đủ số giờ thì tháng lương cũng ngang người làm ngân hàng thôi.
10. Y tế tuyệt vời 
Sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến hệ thống bệnh viện và phòng khám tận tâm, chuyên nghiệp ở Đài. Bác sĩ nói tốt tiếng Anh nên các bạn đừng lo bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, thẻ bảo hiểm NHI cũng chi trả phần lớn với dịch vụ năm sao nữa nên là đi khám bệnh rất nhẹ nhõm. Ở Đài không có chuyện đặt lịch hàng tháng rồi chờ dài cổ. Nhìn chung đặt lịch cứ đặt nhưng đến nơi vào không có lịch cũng vẫn được phục vụ. Nếu bạn không giỏi ngoại ngữ thì họ sẽ có nhân viên ra giúp đỡ và đảm bảo bạn được khám bệnh nhanh chóng. Mình có đi cấp cứu nửa đêm một lần và nhận ra cũng chẳng đắt hơn diện khám thường bao nhiêu.
SSDH ( Tác giả : Irene Ying )
Share.

Leave A Reply