Được xem là nước có đông học sinh VN theo học do chi phí thấp hơn ở Mỹ, Anh; song, không ít sinh viên học ở Úc đã vỡ mộng vì gặp rất nhiều khó khăn.
Đông Thái Hòa – chuyên viên của Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt kể: “Khó khăn đầu tiên là tiếng Anh, mặc dù IELTS của tôi là 7.0 nhưng những ngày đầu qua Úc tôi rất khó giao tiếp với người bản xứ do họ nói tiếng Anh rất khó nghe. Đã vậy, mọi sinh hoạt đều bỡ ngỡ, chỉ riêng chuyện đón xe đi học cũng loay hoay cả tháng mới biết xe buýt, xe điện ngầm qua những trạm nào, mã số xe của từng tuyến và giờ giấc đón khách.
Du học sinh tại trường Monash – Melboure (Úc) |
Sau đó là tìm hiểu tập tục nơi mình sống để hòa nhập. Ở Melbourne chi phí rẻ hơn so với Sydney nhưng mỗi tháng, tiền thuê nhà cũng mất khoảng 120-150 đô Úc, cộng với tiền ăn, sinh hoạt thì trung bình một năm học ở Úc, tôi phải tốn gần 20.000 đô Úc và học phí là 21.000 đô Úc. Những người cho thuê nhà ở Úc còn “bắt chẹt” sinh viên VN bằng nhiều cách, như lấy giá thuê nhà cao hơn quy định của chính phủ, yêu cầu đặt cọc nhiều khoản vô lý như đặt cọc đồ đạc, thẻ khóa. Đặc biệt, chi phí đi lại của sinh viên VN không được giảm giá như sinh viên bản xứ. Sinh viên VN thường thuê nhà ở khá xa trung tâm cho rẻ nhưng bù lại, tiền đi lại khá cao nên cũng bằng tiền thuê chỗ ở gần trường. Chẳng hạn, tôi thuê nhà cách trường 10 cây số, tiền đi lại mỗi tháng mất 100-150 đô Úc (cộng lại là tương đương giá thuê nhà ở gần khu trung tâm)”.
Nguyễn Quốc Huy – Trưởng Phòng Kinh doanh khách sạn Sunrise Nha Trang cũng chia sẻ: “Do chi phí ở Pháp quá đắt đỏ (một ổ bánh mì giá khoảng 40.000 đồng VN) nên những năm du học, tôi thường ăn mì gói, khoai lang. Để bù cho các khoản sinh hoạt phí, hầu hết chúng tôi phải đi làm thêm, chiếm khoảng 30 – 40% thời gian trong ngày nên ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe.
Tuy học phí của sinh viên VN cao hơn 50 – 70% so với sinh viên bản xứ nhưng khi thực tập, sinh viên VN chỉ được thực tập ở những khâu thấp nhất. Chẳng hạn sinh viên y khoa thì không được phép thực tập ở bệnh viện công, sinh viên ngành khách sạn chỉ được thực tập ở nhà hàng, dọn phòng… không được thực tập ở khâu tiếp tân”.
Đối với những học sinh du học phổ thông, Huy cảnh báo: “Việc phân biệt đối xử ở môi trường này rất rõ nên không ít học sinh bị sốc về tinh thần. Bởi nếu học ở trường cộng đồng sẽ ít có học sinh châu Á nên học sinh VN sẽ là đối tượng cho học sinh bản xứ chọc ghẹo, quậy phá. Còn học ở trường tư tuy có nhiều người châu Á nhưng bất lợi là khả năng nói tiếng Anh khó tiến bộ và không hòa nhập được với môi trường của người Úc”.
“So với các nước khác, chi phí du học ở Pháp khá đắt nhưng sinh viên đi thực tập rất khó do các công ty ở Pháp luôn từ chối nhận sinh viên nước ngoài thực tập. Hoặc nếu thuyết phục được thì các chủ xí nghiệp, công ty cũng chỉ bố trí thực tập ở những công việc chẳng liên quan đến môn học”, bà Trần Thị Kim Loan – phụ trách cổng thông tin dành cho sinh viên www.talentvietnam.com chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, bà Loan còn cho biết: “Phụ huynh thường chuyển thẳng tiền vào tài khoản của con mà không thể kiểm soát được chi tiêu của con mình. Do đó, có một nhóm du học sinh gia đình khá giả có thể nhiễm thói xấu, tiêu xài hoang phí và sinh ra hư hỏng. Ngoài ra, do chưa được rèn luyện tính tự lập và tinh thần hòa đồng, nhiều sinh viên không có đủ sự tự tin trong học tập cũng như tham gia các hoạt động khác. Do vậy, trước khi du học cần tìm hiểu kỹ nơi mình đến để tránh bỡ ngỡ, hụt hẫng tâm lý, rơi vào trầm cảm mà không ít du học sinh đã mắc phải”.