SSDH – Cùng thuộc nhóm ngành liên quan đến sinh học, cùng là những ngành đang có nhu cầu tuyển dụng cao với mức lương hấp dẫn, tuy nhiên, công nghệ sinh học và khoa học y sinh lại là hai phân ngành với nhiều điểm khác biệt thú vị: từ khái niệm, ứng dụng đến những triển vọng nghề nghiệp đặc thù.
Bạn yêu thích những môn khoa học đời sống, với tính cách và nguyện vọng của mình, bạn sẽ phù hợp với ngành học nào hơn? Cùng tìm hiểu và đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình, bạn nhé!
1. Tạo nên những sản phẩm đa dạng với ngành công nghệ sinh học (Biotechnology)
Công nghệ sinh học là sự kết hợp giữa sinh học và công nghệ, tạo ra các quy trình khai thác ở quy mô công nghiệp, từ đó ứng dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống. Hay nói theo cách khác, công nghệ sinh học sử dụng các hệ thống sống và sinh vật để phát triển hoặc tạo ra sản phẩm, hoặc ứng dụng công nghệ sử dụng hệ thống sinh học, sinh vật sống để sửa đổi các sản phẩm hoặc quy trình cụ thể. Mục tiêu cuối cùng của công nghệ sinh học là để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.
Công nghệ sinh học có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng như sức khỏe, y dược, nông nghiệp, sản xuất và bảo quản thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng sinh học, công nghiệp hóa học, quản lý môi trường, quản lý chất thải, khai khoáng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đất…
Các lĩnh vực nghiên cứu và đối tượng được đề cập trong công nghệ sinh học chủ yếu bao gồm sinh học tế bào phân tử, hóa sinh, vi sinh, thực vật học, sinh học hệ thống và thống kê.
Ứng dụng đa dạng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong việc tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống con người là những đặc trưng riêng biệt của ngành công nghệ sinh học
Triển vọng nghề nghiệp với ngành công nghệ sinh học:
Trọng tâm khi nghiên cứu công nghệ sinh học là ADN, mô, vi sinh vật, vi khuẩn, virus và protein phức tạp. Tính ứng dụng đa dạng của ngành học này giúp bạn chọn công việc trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp, hóa chất, môi trường… Ngoài ra, bạn vẫn có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như kinh doanh, marketing, hay các vấn đề liên quan đến giảng dạy, học thuật. Công nghệ sinh học cơ bản là ngành nghiên cứu để ứng dụng trên việc tạo ra sản phẩm chứ không phải ngành dịch vụ.
2. Khoa học y sinh (Biomedical Science) – khoa học phục vụ sức khỏe con người
Khoa học y sinh là ngành nghiên cứu về cơ thể người, cấu trúc và chức năng của nó, đặc biệt là đối với sức khỏe và bệnh tật. Trọng tâm chính của khoa học y sinh là tìm hiểu các cơ chế gây bệnh bằng cách sử dụng các kỹ thuật tinh vi và hướng đến việc chẩn đoán, điều trị các bệnh đó.
Khi chọn ngành khoa học y sinh, bạn sẽ được học những môn học đa dạng về sinh học người, sinh lý học, giải phẫu, bệnh lý học, sinh học phân tử và tế bào, sinh hóa, vi sinh, dược học, thống kê sinh học, bệnh truyền nhiễm, miễn dịch học, thần kinh học, phân tích sinh học, tin sinh học, proteomics… Trọng tâm của khoa học y sinh là nghiên cứu xem làm thế nào các tế bào, cơ quan và hệ thống hoạt động trong cơ thể con người cả trong tình trạng khỏe mạnh và bệnh tật.
Khoa học y sinh tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu tình trạng sức khỏe của con người, cơ chế gây bệnh, cách chẩn đoán, chữa trị các loại bệnh tật con người mắc phải
Triển vọng nghề nghiệp với ngành khoa học y sinh:
Cử nhân khoa học y sinh có thể làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, gồm: chẩn đoán, xét nghiệm trong phòng khám, bệnh viện, phòng thí nghiệm chẩn đoán, phòng thí nghiệm pháp y. Bạn cũng có thể phát triển quy trình hoặc thiết bị chẩn đoán mới, sáng tạo. Khoa học y sinh đòi hỏi bạn phải làm việc liên quan nhiều đến mô bệnh học, vi sinh y học, miễn dịch học và các thiết bị y tế.
Ngoài ra, bạn có thể làm công việc nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm hoặc trong lĩnh vực y tế công cộng, bán hàng kỹ thuật, marketing và tư vấn quản lý…
Các trường đào tạo nổi bật tại Mỹ: ĐH Wisconsin, Madison; ĐH Washington; ĐH Minnesota; ĐH Ohio State; ĐH Michigan State; ĐH Illinois…
SSDH (theo Detech)