SSDH – Đạt học bổng của các trường đại học hàng đầu tại Mỹ luôn là điều mơ ước của bạn sinh viên. Với đa phần các bạn đều nghĩ rất khó có thể đạt được, nhưng khi các bạn đọc được bí quyết xin học bổng du học Mỹ, chắc chắn cơ hội dành học bổng của các bạn sẽ cao hơn nhiều.
Tổng hợp chia sẻ bí quyết xin học bổng du học Mỹ :
Trước khi đi vào phần chia sẻ, thì chúng ta hãy cùng thử suy nghỉ xem vì sao chúng ta chưa đạt được các học bổng du học hấp dẫn này:
– Vì chúng ta chưa hiểu rõ học bổng?
– Vì chúng ta chưa đánh giá đúng năng lực của bản thân?
– Vì chúng ta nghĩ đến những điều quá xa vời và viển vông trong bài luận?
Phải chăng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội dành học bổng du học Mỹ bởi những lý do kể trên. Vậy thì hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân và tham khảo bí kíp săn học bổng dưới đây nhé!
1. Thi TOEFLibt
TOEFLibt là bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên quốc tế do tổ chức ETS ra đề. Điểm TOEFLibt 75/120 điểm sẽ mở cửa nhiều trường đại học Mỹ, và từ 90 điểm trở lên sẽ mở cửa nhiều học bổng giá trị.
Theo anh Nguyễn Minh Hưng, trưởng bộ môn TOEFLibt tại Học Viện Yola, để đạt được điểm cao, học sinh cần biết rõ chiến lược làm bài, cụ thể là các dạng câu hỏi, cách chấm điểm ở mỗi dạng, cách định dạng câu trả lời sai, và luyện tập cấu trúc trả lời của phần viết và nói nhiều lần trước khi thi.
2. Thi SAT
SAT là bài thi kiểm tra khả năng tư duy, viết, và toán với cả học sinh Mỹ và học sinh quốc tế, do tổ chức College Board ra đề. Điểm SAT từ 1.700 đến 1.800/2.400 sẽ giúp học sinh có cơ hôi xin học bổng tại các trường đại học. Nếu bạn muốn nhắm vào các trường như Harvard, Stanford, hay các trường trong Top 50, SAT trên 2.000 là mức điểm cần thiết.
Bạn Trần Đăng Huy, học sinh của Học viện Yola có điểm SAT kỷ lục 2390/2400, chia sẻ: “Với bài đọc tiếng Anh, quan trọng nhất là phải có vốn từ rất nhiều. Thêm nữa, do bài thi chủ yếu kiểm tra tư duy logic, nên các câu hỏi thường đặt trong tình huống phải có câu trả lời suy luận“. Vì vậy theo bạn Huy, người thi cần rèn luyện trước kỹ năng skimming – “đọc lướt” với thời gian nhanh nhất và ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, khi đọc nên ghi chú những từ ngữ chính, các câu hỏi lạ để triển khai ý trả lời nhanh hơn.
Nguyễn Thị Cẩm Hà, quận Đống Đa, Hà Nội học sinh lớp 12A1 THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các bạn thi SAT. Hà đã giành được học bổng vào trường Đại học Brown (Mỹ) với trị giá 230.000 USD/4 năm. Hà kể, bạn đã luyện 30 đề thi/1 tháng. Mỗi ngày Hà đều dành thời gian từ 3 đến 4 tiếng ngồi giải đề thi. Khi làm xong đề Hà lại xem lại và viết ra sổ những câu làm sai. Đến cuối tuần Hà lại ngồi xem lại toàn bộ những đề thi đã làm và rút kinh nghiệm những câu đã làm sai. Với phương pháp như vậy, Hà đã biết được mình sai ở đâu trong các bài thi và tránh được lỗi cơ bản trong quá trình làm đề thi.
3. Hoạt động ngoại khóa
Passion – đam mê, nhiệt huyết, và Leadership – khả năng lãnh đạo, là 2 yếu tố các trường đại học xem xét khi nhìn vào thành tích hoạt động ngoại khóa của học sinh. Do đó, học sinh không nên tham gia tràn lan nhiều hoạt động ở mức hình thức, mà nên chọn 2-3 lĩnh vực mình thực sự say mê và sẵn sàng bỏ thời gian, công sức vào lĩnh vực đó.
Một số ví dụ về các bạn học sinh thành công như Lê Phương Lan Anh chinh phục đại học Stanford với thành tích hoạt động sôi nổi ở các mái ấm trong thành phố và là trưởng ban biên tập tạp chí của trường. Theo Phương Anh chinh phục đại học Cornell và Đại học Pennsylvania với việc thành lập tổ chức HeartSays nhằm gây quỹ, giúp các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Điều dưỡng – Phục hổi chức năng quận 8, TP HCM. Vũ Tiến Đạt đạt học bổng toàn phần của đại học Wesleyan với niềm đam mê nhiếp ảnh và sử dụng nhiếp ảnh để thực hiện các phóng sự sâu sắc về xã hội…
4. Bài luận
Các trường thường yêu cầu học sinh viết ít nhất một bài luận 500 chữ về bản thân, và 150 chữ về một hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa nhất. Một số trường yêu cầu học sinh viết thêm về lý do chọn trường cũng như kể thêm về các sở thích, tính cách hoặc định hướng cho tương lai của học sinh. Các bài luận thành công thường kể những câu chuyện chi tiết về một sự việc, một hoạt động, hay một vấn đề trăn trở của học sinh. Các bài luận không thành công thường ôm đồm quá nhiều ý tưởng và dừng ở mức viết có tính bao quát, không có cốt truyện rõ ràng, chi tiết. Ngoài ra, bài luận kể lể về các thất bại thường gặp của học sinh cấp 3 như bị điểm kém hay không được bạn bè yêu thích cũng khó dành được cảm tình đặc biệt của ban tuyển sinh.
Bạn Duy, du học sinh tại Mỹ từng chia sẻ ‘Nhiều người cứ nghĩ khi viết bài luận phải chọn đề tài nào đó độc đáo, cao siêu. Tuy nhiên em lại thấy thực tế không phải thế, các bạn nên chọn cái bình dị và mình biến nó thành cái riêng của mình. Khi đó mình có cảm nhận riêng về cái bình dị ấy sao cho hay, hấp dẫn, thuyết phục hội đồng tuyển sinh là được.’
5. Chọn trường và điền đơn xin Financial aid
Các học sinh thành công thường có cách chọn trường khá chiến lược: 2-3 trường vừa sức, 2-3 trường hơi cao, và 2-3 trường an toàn với hồ sơ của mình. Đa số các trường đều nhận đơn tuyển sinh qua mạng hoặc qua trang web. Học sinh vẫn phải gửi bảng điểm cấp 3 dịch qua tiếng Anh, thư giới thiệu, và đơn xin hỗ trợ tài chính (financial aid) qua đường bưu điện.
6. Phải thật kiên nhẫn
Nguyễn Thị Cẩm Hà nói về kinh nghiệm “săn” học bổng, Hà cười tươi: “Bí quyết của mình khi nộp hồ sơ xin học bổng là phải kiên trì. Mình đã nộp hồ sơ vào 15 trường đại học trong thời gian chuẩn bị 1,5 tháng. Sau nhiều lần nhận thông tin không vui, cuối cùng mình cũng giành được học bổng ở trường đại học Brown”.
Không gì là không thể nên các bạn đã và đang apply học bổng hay giữ cho mình niềm tin và đúc kết những kinh nghiệm quý báu để đạt được thành công sớm nhất nhé.
Nguồn Duhocsinhviet