SSDH – Số lượng du học sinh Việt Nam tại Úc ngày càng tăng và theo ước tính hiện nay con số này đã lên đến 24 ngàn sinh viên. Thế nhưng sự góp mặt của sinh viên Việt Nam trong các câu lạc bộ sinh viên quốc tế tại thành phố Melbourne vẫn còn rất thưa thớt.
Đáp ứng nhu cầu giao lưu học tập và vui chơi của sinh viên đến từ các nước khác nhau trên thế giới, câu lạc bộ sinh viên quốc tế hầu như có mặt ở tất cả các trường cao đẳng hay đại học tại các tiểu bang và thành phố nước Úc
Tại sao tham gia câu lạc bộ sinh viên quốc tế?
Khi được hỏi tại sao lại thích tham gia The Couch, một câu lạc bộ sinh viên quốc tế được tổ chức từ thiện Salvation Army và AFIS (Hội Sinh viên Quốc tế tại Úc) thành lập dưới sự tài trợ của chính quyền thành phố Melbourne, Shushila – một nữ sinh viên người Nepal đang học tại Học viện giáo dục Carrick cho biết: “Mình cảm thấy rất lạc lõng khi đi học ở một nước hoàn toàn xa lạ. Mình rất thích câu lạc bộ này vì ở đây mình có dịp gặp gỡ và kết bạn với các sinh viên đến từ nhiều nước khác. Nhờ thế mà mình cảm thấy mau thích nghi với cuộc sống ở đây hơn và trên hết là mình có thể mở rộng mạng lưới giao lưu liên kết bạn bè”.
Binit đến từ Ấn Độ, cũng là một du học sinh tham gia The Couch đều đặn mỗi tuần, chia sẻ:
“Tôi mới qua đây không có bạn bè gì hết nên tìm đến The Couch. Ở đây mọi người rất thân thiện và vui vẻ, nhất là các bạn làm tình nguyện tại đây. Họ luôn lắng nghe mình tâm sự và chia sẻ những vui buồn khi mới đặt chân sang nước Úc. Mỗi tuần tại đây thường có những hoạt động văn hóa nghệ thuật rất đa dạng. Nhờ thế mình còn có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa của các nước bạn.”
Huichen, du học sinh đến từ Đài Loan đang học ngành Kế toán tại trường Đại học Melbourne, nói:
“Tôi rất thích tiếp xúc với các bạn sinh viên đến từ những nước khác để tìm hiểu thêm về nền văn hóa và phong tục tập quán của họ. Ngoài ra, tôi nghĩ đây cũng là môi trường để trau dồi Tiếng Anh và trao đổi kinh nghiệm học tập cho sinh viên quốc tế”.
Bạn Thu Hồng, sinh viên Việt Nam đang học tại Đại học Melbourne, tâm sự:
“Bản thân mình rất thích tham gia các câu lạc bộ sinh viên quốc tế vì đây là cơ hội để trau dồi Tiếng Anh. Ở Việt Nam, tôi tốn rất nhiều thời gian học tiếng Anh nhưng kỹ năng nghe nói vẫn chưa được tốt lắm vì rất hiếm khi có dịp giao tiếp với những người bản xứ hay người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai”.
Rải rác du học sinh Việt trong các câu lạc bộ sinh viên quốc tế
Mai Thùy đang học tại Đại học Melbourne cho biết:
“Vừa vào tuần hướng dẫn trước khi nhập học (orientation week), mình đã nhận được lời mời tham gia vào một số câu lạc bộ sinh viên quốc tế trong và ngoài trường. Navigator Group of International Students in Melbourne (nhóm hướng đạo viên cho sinh viên quốc tế tại Melboure) là nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên mình tham gia sinh hoạt khi bắt đầu khóa học tại trường. Các thành viên trong nhóm này đến từ nhiều nước nhưng chủ yếu trong khu vực Châu Á. Họ có rất nhiều hoạt động thú vị, bổ ích cho sinh viên. Khi tham gia, Mai cũng hơi bất ngờ khi được cho biết Mai là người Việt đầu tiên trong nhóm sinh viên quốc tế này mặc dù số lượng du học sinh Việt tại Melbourne cũng khá đông”.
Mai còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng mình và chị bạn người Việt cũng là những thành viên Việt Nam đầu tiên của The Couch khi được một người bạn đến từ Estonia giới thiệu về câu lạc bộ này.
Khi bắt đầu tham gia The Couch, Thu Hồng cho biết cô rất ít thấy du học sinh Việt trong các nhóm sinh viên quốc tế như thế này.
Du học sinh Việt có sinh hoạt cộng đồng?
Điểm qua một số câu lạc bộ sinh viên quốc tế khác tại thành phố Melbourne, sự hiện diện của sinh viên Việt Nam vẫn còn rất hiếm hoi. Họ không tham gia các sinh hoạt cộng đồng chăng? Hay họ không có hứng thú hoặc không hòa nhập với các tổ chức sinh viên quốc tế?
Triệu Minh, chủ nhiệm Hội Sinh viên Việt Nam tại Melbourne (MOVSA), cho biết:
“Thật ra các bạn du học sinh người Việt rất thích hoạt động cộng đồng và cũng muốn tham gia các nhóm sinh viên quốc tế. Thế nhưng rào cản ngôn ngữ là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc nhiều du học sinh không nhiệt tình tham gia các nhóm sinh viên quốc tế giống như những nhóm sinh viên Việt Nam. Với cộng đồng sinh viên cùng nước, họ thể hiện được tâm tư, tình cảm của mình dễ dàng hơn và cũng cảm thấy thoải mái hơn.”
Triệu Minh cũng đề cập đến tính cộng đồng trong văn hóa người Việt phần nào ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Giống với người Trung Quốc, người Việt khi đi xa xứ cũng thường quây quần trong cộng đồng dân tộc của mình. Đây là một phần tính cách của phần đông người Việt, dẫn đến du học sinh Việt thích sinh hoạt trong cộng đồng mình hơn là với các nhóm sinh viên quốc tế.
Bạn Vũ Anh Minh, nguyên chủ tịch của MOVSA, nhận xét:
“Du học sinh Việt tại Melbourne chủ yếu hoạt động trong nhóm Việt Nam là chính. Tuy có giao lưu với các cộng đồng sinh viên các nước khác nhưng việc này vẫn còn hạn chế. Một lý do khách quan là các tổ chức của du học sinh Việt ở Melbourne nói chung và ở các trường nói riêng hoạt động khá tốt, thu hút được nhiều bạn quan tâm và tham gia. Vì vậy, khi các bạn tham gia hội sinh viên Việt Nam rồi thì cũng ít tham gia các câu lạc bộ sinh viên quốc tế khác.”
“Ngoài ra, theo một số phản hồi của các bạn đã từng tham gia các câu lạc bộ sinh viên quốc tế thì sau một thời gian, các bạn có xu hướng quay lại với cộng đồng sinh viên Việt vì có chung văn hóa và quan trọng là sự chia sẻ tình cảm thân thiết, gần gũi”, Anh Minh cho biết thêm.
Bạn Trần Nguyên, chủ nhiệm một câu lạc bộ sinh viên quốc tế tại Đại học Melbourne, đề xuất:
“Đi du học thật sự là một kinh nghiệm quý báu và là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời người. Tại sao chúng ta không rộng mở cánh cửa cho tương lai bằng cách mở rộng mạng lưới giao lưu liên kết với bạn bè quốc tế? Học tập, làm việc và tham gia những hoạt động cộng đồng với các sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới quả thật rất vui và cung cấp cho mình nhiều bài học quý báu về giao tiếp và ứng xử. Hơn nữa, trái tim mình cũng mở rộng hơn, dễ tiếp nhận những điều tốt đẹp cũng như sự khác biệt từ các nền văn hóa khác”.
Theo viethome