Du học Úc: Thành phố Brisbane, Queensland qua cảm nhận của du học sinh

0

SSDH – Brisbane là kiểu đô thị rất phổ biến ở các nước phát triển, bộ ảnh này sẽ giới thiệu với bạn những nét đẹp và phong cách thiết kế đô thị đặc trưng của thành phố này. Qua đó các bạn sẽ có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống và con người nơi đây.

 

Du học Úc: Thành phố Brisbane, Queensland qua cảm nhận của du học sinh

 

Khí hậu ở Queensland

 

Queensland là bang nằm ỏ gần xích đạo nên khí hậu tương đối giống Việt Nam. ở phía Bắc của Queensland đa phần là giống các vùng nông trại, nông thôn rất đẹp. Ở phía Nam, dọc theo bờ biển Sunshine Coast hay Gold Coast đều mang khí hậu biển cận nhiệt đới. Mùa hè ở Úc kéo dài từ tháng 12 đến hết tháng 2 còn mùa đông thì chủ yếu diễn ra trong vòng khoảng tháng 7 và tháng 8. Ở Queensland, mùa hè nắng và khô. Tôi sống ở gần biển nên thỉnh thoảng vẫn hay cùng bạn bè rủ nhau đi tắm biển để giải tỏa bớt cái nóng. Mùa đông Queensland lạnh rét vào lúc sáng sớm và chiều tối, còn buổi trưa thì mát mẻ, ấm áp nhờ có nắng mặt trời. Người dân Úc, đặc biệt ở bang Queensland, rất thích đi tắm biển và lướt sóng là nhờ khí hậu đặc biệt như vậy.

 

Chỗ ở cho du học sinh

 

Nếu không có người quen, du học sinh thường được giới thiệu vào các làng nhà trọ, ký túc xá hoặc ở nhà người bản xứ (homestay). Giá trung bình để ở nhà trọ sinh viên, ký túc xá hay homestay ở Brisbane dao động từ 170-250 đô la Úc /tuần, bao gồm điện nước và đôi khi có cả Internet. Nếu không có internet, bạn có thể ra các nhà cung cấp để mua về một phương tiện internet không dây di động giá khoảng 100-150 đô la Úc và nạp tiền vào để xài mỗi tháng (giá khoảng 30 đôla Úc/tháng là phổ biến trong giới sinh viên).

 

Nếu có người quen hoặc có bạn bè hướng dẫn như tôi, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Nơi tôi ở lần đầu tiên đến Úc là một khu nhà trọ của nhà thờ, được quản lý bởi cha xứ và các soeur, giá rất rẻ, chỉ 90 đô la Úc/tuần bao gồm điện nước, có internet, giặt đồ 2 đô la Úc/lần bằng máy giặt chung đặt ở phòng giặt.Nếu bạn thuê phòng ở khu nhà dân thì giá dao động từ 100-150 AUD/tuần, bao gồm tất cả điện nước và internet, thỉnh thoảng bao gồm cả cước cuộc điện thoại nội hạt.

 

Sau hơn hai năm trời sống ở Brisbane rồi chuyển xuống thành phố du lịch Gold Coast (vì tôi học về du lịch khách sạn), tôi đã từng chuyển nhà rất nhiều lần, vì nhiều nguyên do. Hiện nay, đã quen chỗ, và có thu nhập ổn định, tôi đã đứng ra thuê lại một căn nhà hai phòng, chia sẻ chung với một người bạn. Nếu thuê luôn căn nhà, thường thì chủ nhà không cung cấp vật dụng vào bao tiền điện nước như khi bạn thuê một căn phòng. Nếu có cung cấp, thì giá thuê sẽ rất đắt. Khi tôi thuê căn nhà hiện tại với giá 300 AUD/tuần, chủ nhà –vì là người đã quen biết trước, đã cung cấp cho chúng tôi một số ít vật dụng cần thiết, phần còn lại tự chúng tôi góp với nhau để sắm sửa. Cứ mỗi ba tháng, chúng tôi lại nhận hóa đơn tiền điện để thanh toán. Cứ mỗi tháng, hóa đơn tiền điện thoại và internet cũng đến. Hình thức thuê nhà và chia nhau với bạn bè như thế này là hình thức tiết kiệm nhất vì bạn có thể kiểm soát được mọi chi phí, dù số tiền bỏ ra cho ban đầu là rất cao nhưng bù lại bạn có không gian riêng và được làm chủ không gian sống của chính mình. Chỉ có mộ khó khăn là bạn phải tìm được người tin cậy và thân thiết để cùng nhau thuê 1 căn nhà, vì khi đã ký hợp đồng thì bạn không thể tự nhiên mà chuyển đi nơi khác chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt trong thời gian sống chung với nhau. Có không gian riêng, bạn có thể tổ chức những buổi họp mặt bạn bè rất thoải mái mà không sợ làm phiền đến những người lạ khác trong nhà.

 

Giao thông và đi lại

 

ở Queensland, và đặc biệt là ở Brisbane và Gold Coasts, hệ thống giao thông công cộng rất đa dạng. Với thẻ sinh viên, bạn được giảm nửa giá vé. Có 5 loại vé phổ biến: vé một chiều (single) chỉ đi được trong 2 giờ đồng hồ, vé đi trong 1 ngày (daily) sử dụng được đến chuyến xe buýt cuối cùng của ngày đó., vé đi vào giờ thấp điểm (off-peak daily) được sử dụng từ 9g-15g30 và từ 19g trở đi, vé tuần (weekly) để đi lại suốt 7 ngày và vé tháng (monthly) để đi lại suốt 30/31 ngày. Ngoài ra còn có vé quý, vé năm và thẻ mua vé trả trước. Giá vé được tính theo vùng, bắt đầu từ trung tâm thành phố Brisbane và vùng 1, lan tỏa ra theo hình vòng tròn xoay quanh trung tâm thành phố (gọi là CBD) và lần lượt đến vùng 23. Theo cách tính vùng này thì hệ thống giao thông công cộng phổ biến ở đây trải dài từ Sunshine Coast đến Brisbane đến Gold Coast. Đây là 3 trong số các thành phố lớn của bang Queensland. Với 1 tấm vé, bạn có thể đi bất cứ phương tiện nào, bao gồm xe bus, tàu lửa, phà , trong vùng được quy định.

 

Giao thông công cộng ở Brisbane tốt hơn ở các thành phố khác của bang Queensland. Thời gian đầu mới sang Úc, tôi sống ở Brisbane và trông cậy khá nhiều vào hệ thống xe bus dù đôi khi cũng hay bị trễ giờ nhưng bù lại nhiều tuyến xe để tôi lựa chọn. Từ khi chuyển xuống sống ở Gold Coast, một thành phố du lịch vào hạng bậc nhất ở Queensland, tôi buộc phải chọn phương pháp học lái xe ô tô và sắm cho mình 1 chiếc ô tô giá rẻ ( trên dưới 5000 AUD) để dễ đi lại đến trường và nơi làm việc. Hệ thống giao thông của Úc được quy định bởi những điều luậy chặt chẽ nên các tai nạn được hạn chế tối đa, vì vậy tôi có thể nói lái xe ở Úc rất an toàn.

 

Đi máy bay ở Úc để bay từ thành phố này sang thành phố khác cũng dễ dàng bởi có rất nhiều nhà vận chuển và nhiều mức giá khác nhau. Nếu biết canh giờ và ngày cho phù hợp, sinh viên có thể đi du lịch từ bang này sang bang khác, từ thành phố này đế thành phố khác với mức giá tiết kiệm nhất có thể.

 

Văn hóa và con người ở Úc

 

Úc là một sự hỗn hợp của các chủng tộc và văn hóa. Văn hóa mạnh nhất ở đây vẫn là văn hóa của người Châu Âu và Mỹ (văn hóa phương Tây). Tuy nhiên, số lượng người châu Á chiếm cũng không nhỏ, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Ở Gold Coast, người Trung Quốc không nhiều như ở Brisbane. Bù lại, người Châu Á ở thành phố du lịch này đa phần là Nhật Bản, Hàn Quốc, và rất ít người Việt Nam. Ở Brisbane, có riêng cả một khu phố cho người Hoa và người Việt, với đủ chùa chiền đền thờ. Ngoài ra, các nền văn hóa khác như Mỹ Latinh hay Trung Đông cũng đang gia tăng ảnh hưởng.

 

Đa phần thanh niên ở Úc rất thích sự giản dị từ cả trong ăn mặc đến đời sống cá nhân. Giới trẻ ở đây đặc biệt thích lướt sóng, đặc biệt tại trung tâm của Gold Coast còn có cả 1 khu bãi biển Thiên Đường Dành Cho Người Lướt Sóng (Surfers Paradise). Ngoài ra¸sinh viên Úc hay những người đã đi làm đều rất thích hội họp, tiệc tùng vào các ngày cuối tuần, hoặc sinh hoạt ở công viên với các lò nướng ngoài trời (barberque).

 

ở Queensland và các bang khác, các công viên công cộng được xây dựng khắp nơi để đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân nơi đây. Cây xanh và động vật rất được coi trọng. Chỉ trong vòng bán kính vài kilomet,bạn có thể đếm được rất nhiều cây xanh được trồng hai bên đường, những vườn hoa ở các ngôi nhà dân, những thảm cỏ xanh rì trên các vỉa hè rợp nắng,những tán cây đậu đầy những con chim két đủ màu sắc, những nóc nhà rải rác những đàn quạ đen quang quác sơm trưa, các bãi biển được điểm trắng sáng ngời bởi từng đàn hải âu, và đường phố lúc nhúc những đàn bồ câu béo tròn dạn dĩ hòa lẫn vào dòng người đi lại tấp nập. ở Úc, xâm hại động vật có thể bị phạt rất nặng. Đường phố luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ và khung cảnh khắp nơi đều rất trong lành. Nhà cửa của người dân luôn được tách biệt khỏi các khu đường cao tốc bằng nhữn bức tường dày và cao ngất ngưởng. Những siêu thị hay hàng quán đều được quy hoạch lại thành từng cụm nhỏ to chứ không xen lẫn vào khu dân cư.

 

Người dân bản xứ đa phần rất thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là những người cao tuổi. Những cụ ông cụ bà luôn nở nụ cười thân ái với du học sinh chúng tôi. Ở đất nước này, phân biệt chủng tộc là một tội danh rất nặng và mọi màu da luôn được bảo vệ chặt chẽ bởi luật pháp. Con người nơi đây coi trọng thiên nhiên và luôn hướng tới hòa bình. Chính vì vậy, Úc đang trở thành điểm đến thu hút du học sinh và khách du lịch quốc tế nổi bật của thế giới.

 

Mỗi bang ở Úc đều có hệ thống pháp luật và hành chính riêng biệt, vì vậy hệ thống ngày lễ cũng khác nhau.Ở Queensland, ngoài những ngày lễ lớn toàn quốc thì các thành phố cũng có những ngày lễ riêng, ví dụ như ở Brisbane có Ekka (Ngày hội nông nghiệp) hay ở Gold Coast có Gold Coast Show Day (cũng là một dạng ngày hội nông nghiệp). Brisbane thường có pháo bông được bắn xung quanh khu vuwch South Bank và trung tâm thành phố vào dịp năm mới hay giáng sinh. Ngoài ra, Brisbane còn tổ chức những ngày lễ hội khác như Trung Thu, Phật Đản, Tết Nguyên Đán hay ngày Pháo Hoa ( River Festival)…Điểm đặc biệt ở Brisbane là những cây cầu với những thiết kế và kiến trúc khác nhau, chức năng cũng khác nhau (cầu dành cho xe, cầu vượt hay cầu dành cho người đi bộ…) Ở thành phố du lịch Gold Coast, đời sống nhộn nhịp quanh năm nên ít có pháo bông hơn, bù lại Gold Coast năm nào cũng có 1 tuần lễ dành cho đua xe thể thức 2 trên toàn thế giới, trước gọi là INDY nhưng từ năm 2009 sắp được đổi tên.

 

Giáng sinh ở Úc cũng thiêng liêng như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Một tháng trước Noel, khắp nơi ở Brisbane và Gold Coast đã đầy những cây thông và hình nộm ông già Noel Santa Clause. Ở Brisbane còn tổ chức cuộc thi khu phố thiết kế trang trí đón giáng sinh đẹp nhất. có những khu dân cư tôi đi ngang qua buộc tôi phải sửng sốt vì sự hoành tráng của những dây đèn và hình thù trang trí từ các dãy nhà nối tiếp nhau. Tất cả làm cho không khí giáng sinh nơi đây mang hơi hướng của những câu chuyện cổ tích. Một nét nổi bật khác của giáng sinh ở Úc là thời tiết. Vì là giữa mùa hè nên Úc sở hữu một giáng sinh ấm áp chứ không có tuyết rơi như những nước phương Tây khác. Thành phố Gold Coast tôi đang ở, sinh viên chúng tôi vẫn thường gọi đùa mùa giáng sinh là Bikini Noel, vì người dân chào đón giáng sinh bằng những bộ áo tắm đủ màu sắc sặc sỡ trên những bãi biển lớn của Gold Coast.

 

Tết Nguyên Đán ở đây không rầm rộ và rầm rộ bằng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đến các khu người Hoa hay người Việt, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí Tết. Những ngôi chùa sẽ được sáng đèn và thơm hương nhang suốt đêm cho dòng người tấp nập ra vào để xin xăm, hái lộc. Cái Tết đầu tiên xa nhà, tôi đã được đến 1 ngôi chùa của người Hoa vào đêm giao thừa, xem múa lân và nghe dây pháo nổ đì đùng ngay thời khắc chuyển giao sang năm mới. Lúc ây, một cảm giác thân thương khó tả trào dâng trong tôi, vì tôi chợt thấy như mình đang ở nhà. Khu phố người Việt ỏ Brisbane cũng tổ chức tết Nguyên Đán bằng hội chợ tết, cũng không thiếu những ngôi chùa lớn để người Việt Nam được đi hái lộc theo truyền thống, cũng có bánh chưng củ kiệu dưa món và thịt kho…ở Gold Coast, cộng đồng người Việt không nhiều bằng Brisbane, mọi người cũng sống rải rác xa nhau chứ không quần tụ lại thành 1 quận, một phố. Chính vì vậy, Tết xa nhà đầu tiên của tôi không được mang nhiều hương vị Việt Nam mà chỉ diễn ra bình thường như bao ngày khác.

 

Giải trí cho du học sinh

 

Nhu cầu giải trí của những người trẻ tuổi như tôi là rất lớn. Ở Úc, xa nhà, bạn cũng sẽ có rất nhiều chọn lựa để giải trí. Một số bạn trẻ thích đi uống nước và họp mặt bạn bè vào mỗi cuối tuần ở các quán bar hay câu lạc bộ. Đa số sinh viên chúng tôi thường có thói quen đi xem phim ở rạp vì giá vé được giảm. Riêng tôi và bạn bè sống cung quanh ở Gold Coast thì lại có thói quen đi tắm biển hoặc lái xe ngược về Brisbane để đi chợ người Việt, đi vào trung tâm thành phố để dạo chơi hay mua sắm. Bang Queensland có rất nhiều địa điểm du lịch thiên nhiên nổi tiếng như Great Barrier Reef, Cairns, Sunshine Coast hay Gold Coast. Đặc biệt ở Gold Coast, các bãi biển đẹp như Surfers Paradise, Mermaid Beach, Broad Beach, Burleigh Heads, Palms Beach…đều là những thắng cảnh tuyệt đẹp kết hợp giữa biển và núi non. Bờ biển ở Gold Coast là một bờ biển rất dài và trắng mịn, chạy dọc suốt đến tận cùng của bang Queensland và tiếp nối với bờ biển của New South Wales.

 

Thành phố Gold Coast là thành phố cuối cùng của bang Queensland, vì vậy nơi đây rất gần với địa phận của bang NSW. Từ chỗ tôi ở, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ lái xe là đã có thể đến được Byron Bay – một địa điểm du lịch nổi tiếng khác, thuộc bang NSW. Tại Byron Bay, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bải biển xanh trong và dát nắng vàng ươm, khu vực Ngọn Hải Đăng to lớn hùng vĩ và được ngắm nhìn từng đàn cá heo hoặc cá voi từ trên cao. Nơi đây cũng chính là điểm cực đông của vùng đất liền trong lãnh thổ Úc. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm đến các thác thiên nhiên nằm sâu trong những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, hoặc tận hưởng không gian trong lành của các thảo nguyên hay những cánh đồng lúa mì bát ngát.

 

Mua sắm ở Úc rất dễ dàng vì có rất nhiều khu vực siêu thị lớn và sầm uất. Những nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới thỉnh thoảng có đợt hàng sale off, bạn sẽ dễ dàng tìm được một chiếc áo hay một đôi giày hàng hiệu như Esprit, Giordano hay Converse với cái giá rất rẻ (chỉ khoảng 5-10 AUD). Sinh viên chúng tôi không chỉ thích đi dạo quanh ngắm đồ mà còn rất thích mua sắm những món hàng rẻ như vậy. Chất lượng của hàng hóa ở đây được bảo đảm đến mức tối đa, vì vậy bạn sẽ luôn yên tâm và hài lòng với món đồ bạn mua được.

 

Việc làm cho du học sinh

 

Hình thức làm việc phổ biến nhất của du học sinh Việt Nam tại Queensland là công việc ở các nhà hàng hay lò bánh mì được quản lý bởi chính người Việt Nam sống tại đây. Mức lương dao động từ khoảng 8-12 đô-la Úc/giờ, và một tuần bạn chỉ được phép của Bộ Di Trú để làm thêm tối đa 20 giờ với những công việc phải đóng thuế. Thông thường, làm việc cho những nhà hàng hay lò bánh mì của người Việt, bạn sẽ được trả tiền mặt và không phải đóng thuế. Vì vậy, một số bạn có thể làm được hơn 20 giờ/tuần, nhưng hình thức này không được khuyến khích vì nó sẽ ảnh hưởng đến chuyện học tập và thời gian nghỉ ngơi của bạn. Để có được một công việc đóngt thuế, bạn phải khá về khả năng giao tiếp và có kin nghiệm.

 

Sau 2 tháng đầu tiên tôi đến Úc, tôi đã tìm được một công việc phục vụ ở một nhà hàng Việt Nam ngay trung tâm thành phố Brisbane. Công việc với mức lương chỉ 10 đô-la Úc/giờ nhưng số tiền lương này đã giúp tôi trang trải đủ chi phí sinh hoạt trong năm học đầu tiên. Thời gian này, tôi hầu như chỉ biết học và làm việc, rất ít dành thời gian để đi chơi và giải trí. Dù vậy, tôi hài lòng với công việc vì nó giúp tôi bắt đầu làm quen với văn hóa và hình thức giao tiếp của người bản xứ, học được những món ăn thức uống được yêu thích của người dân nơi đây và hình thành cho mình sự kiên nhẫn cần thiết. Mục tiêu tôi đặt ra là những kinh nghiệm cần thiết để tôi xin vào làm tại một khách sạn quốc tế sau năm học đầu tiên.

 

Sau năm thứ nhất, tôi phải chuyển từ Brisbane xuống sinh sống và học tập tại Gold Coast vì chuyên ngành quản lý khách sạn của trường đại học Griffith được thực hiện tại thành phố du lịch này. Thời gian đầu dời xuống Gold Coast, tôi thất nghiệp và đang trong kỳ nghỉ đông nên không đi học. Ở đây, việc làm khó tìm hơn so với Brisbane vì chất lượng cuộc sống cao hơn, mức giá sinh hoạt cũng cao hơn và vì thế lương cũng cao hơn, do đó yêu cầu tuyển dụng của các công ty cũng khó khăn hơn so với Brisbane. Tôi lao vào tìm việc làm và không ngại khó với bất cứ công việc gì. Thời gian đó, tôi cũng nộp đơn vào một khách sạn lớn ở Surfers Paradise nhưng chờ đợi khá lâu cho câu trả lời. Trong lúc chờ đợi, tôi nhận đủ mọi việc từ bán quần áo đến bán thức ăn.Sau hơn một tháng kiên nhẫn, tôi nhận được lời mời phỏng vấn từ khách sạn. Với những kinh nghiệm có được từ những ngày còn ở Việt Nam và kinh nghiệm tích lũy trong năm học đầu tiên tại Úc, tôi dễ dàng có được công việc mong muốn tại một khách sạn quốc tế nổi tiếng, với mức lương mơ ước đủ để tôi trang trải một đời sống sinh hoạt thoải mái chứ không còn phải tiết kiệm như trước. Tôi bắt đầu dành dụm để thuê nhà riêng, sắm sửa vật dụng trong nhà, sắm chiếc ô tô để đi lại, và thậm chí còn trả được học phí cho năm thứ hai và thứ năm thứ ba vì học bổng của tôi chỉ dành cho năm đầu tiên, chính bằng đồng lương của công việc này. Những ngày tháng làm việc ở Brisbane đã giúp tôi hiểu được văn hóa của người bản xứ, cách ứng xử giao tiếp theo “kiểu Úc” (rất thích đùa) và những sinh hoạt tập thể. Đây chính là điều quan trọng nhất để bạn có thể xin được một công việc lương cao tại Úc. Bạn phải tự tin trong giao tiếp, điều mà sinh viên Việt Nam chúng ta vẫn còn thiếu.

 

Để chia sẻ với những bạn đang có ý định sang du học ở Úc và muốn tìm việc làm thêm để phụ giúp cha mẹ ở quê nhà, tôi chân thành khuyên các bạn hãy tích lũy kinh nghiệm làm việc và có tinh thần “phải làm được”. Một bản lý lịch xin việc trắng tinh phần kinh nghiệm sẽ không giúp gì được cho bạn, dù bạn có là sinh viên xuất sắc nhất.

 

Môi trường học tập

 

Học tập đại học ở Úc tuy có vẻ không nặng nhọc nhưng đòi hỏi rất nhiều cố gắng. ở giảng đường, bạn không được rè luyện kiến thức đủ để có thể trở thành sinh viên giỏi. Bạn được khuyến khích đọc sách- điều mà không phải sinh viên nào cũng làm được. Nhưng hãy tin tôi, đọc sách giúp bạn không bao giờ bị rớt môn nào. Nếu bạn muốn tiết kiệm, hãy nghiên cứu sách ở thư viện. Bạn phải học mỗi ngày, dù ngày đó bạn có tới lớp ở trường hay không. Và¸bạn phải mạnh dạn hỏi khi có thắc mắc. Mọi thứ đều có sẵn để trợ giúp bạn, nhưng chính bạn mới là người quyết định mọi thứ.

 

Ngoài giờ đi làm, tôi luôn dành thời gian mỗi ngày cho việc đọc sách và ôn bài mỗi tuần. Bạn đừng bao giờ dồn bài vở lại và học trong một lần, vì đó là cách có thể khiến bạn đi lùi về phía sau so với bạn bè. Trong suốt 12 tuần lễ cho mỗi học kỳ, tôi luôn cố gắng giải quyết hết kiến thức. Đến kỳ thi, trong khi một số bạn sinh viên khác vùi đầu vào bài vở để ôn tập, tôi rất thảnh thơi và chậm rãi, bởi kiến thức đã được tôi nắm gọn 70%. Tôi biết đây không phải là điều dễ dàng để thực hiện, nhưng hãy tin tôi, nếu bạn muốn có kết quả tốt, hãy chăm chỉ học bài mỗi ngày và mỗi tuần.

 

Vì phải dành thời gian cho việc đi làm, nhưng tôi không bao giờ bị điểm kém, và mức điểm của tôi luôn nằm trong số những mức điểm cao. Tôi hài lòng về điều đó, vì tôi đã cân bằng được giữa chuyện học tập và làm việc, thậm chí cả việc vui chơi giải trí, vì ngoài giờ học và giờ làm, tôi luôn dành hai ngày cuối tuần cho việc đi chợ, đi xem phim hay tụ tập bạn bè lại để nấu nướng và ăn uống.

 

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

 

Chính phủ Úc có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho những tâm bằng đại học. Bạn bè tôi sau khi ra trường đều tìm được những công việc tốt, thu nhập khá và được ở lại làm việc lâu dài. Một số trong số họ còn được cấp quyền công dân Úc. Vấn đề quyết định là, ngoài tấm bằng đại học loại khá trở lên, bạn phải có công việc toàn thời gian ổn định và kiến thức văn hóa –ngôn ngữ đủ để bạn trở thành người dân bản xứ. Khi bạn ra đi, bạn sẽ luôn muốn được mang về. Hãy tích lũy để đem về cho quê hương bạn những điều tốt đẹp mà bạn học được từ nơi đây. Và hãy luôn quan niệm rằng, mọi người làm được, ta cũng sẽ làm được.

 

Nhịp cầu bạn bè

 

Nếu bạn muốn đến Queensland và cần tìm nhịp cầu bè bạn, hãy đến với hội sinh viên chúng tôi. Dù mang cái tên của đại học Griffith, chúng tôi luôn sẵn lòng chào đón tất cả các bạn du học sinh ở Queensland. Tại đây, chúng tôi chia sẻ với bạn những thông tin cần thiết, trợ giúp cho bạn khi bạn có những khúc mắc hay khó khăn, và đưa bạn vào tập thể của những con người Việt Nam xa xứ cùng những hoạt động rất sinh viên. Bạn có thể ghé qua trang web: www.guvsa.englishboard.net.

 

Một ngôi nhà mới, một quê hương mới

 

Sau một thời gian đủ để bạn làm quen và hòa nhập với cuộc sống ở Úc, tôi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đây cũng là nhà. Bản thân tôi, sau hơn hai năm sinh sống, học tập và làm việc, tôi nhận ra mình cũng yêu đất nước này không kém gì yêu quê hương tôi. Mọi thứ trở nên thân thuộc. Cuộc sống được xây dựng trên nền tảng những lợi ích tốt cho công dân. Đây là đất nước của sự thanh bình và tân tiến. Cũng dễ hiểu vì sao sinh viên chúng tôi khi đến đây học tập xong luôn muốn được ở lại vài năm nữa trước khi trở về cống hiến cho quê hương.

 

Nguồn: Du học Vip

Share.

Leave A Reply