SSDH – Các trường đại học Đức đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những vấn đề tài chính và tâm lý mà các du học sinh của họ đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Đồng thời, việc sụt giảm số lượng các sinh viên năm nhất cũng là một vấn đề đáng chú ý.
- 7 lý do khiến Đức trở thành điểm đến du học được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn
- Du học Đức 2021: Điều kiện, học bổng và chi phí
- Đức cung 2,000 suất học bổng toàn phần năm học 2021dành cho sinh viên quốc tế
Tại một cuộc họp trực tuyến do Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD) tổ chức gần đây, đã có khoảng 100 trường đại học lên tiếng về những lo ngại và thách thức liên quan đến công cuộc quốc tế hoá và khủng hoảng COVID-19.
“Có rất nhiều trường đại học đang lo lắng về việc tuyển sinh và giữ chân các sinh viên quốc tế. Các nhà quản lý trường đại học đang phải lo ngại về vấn đề sụt giảm số lượng sinh viên năm nhất, cùng với đó là việc các sinh viên quốc tế hiện đang theo học ở trường đều gặp phải những khó khăn về mặt tài chính và tâm lý. Thiếu tiếp xúc xã hội và học trực tuyến đã khiến ngày càng có nhiều học sinh cảm thấy nản lòng và phải cần đến dịch vụ tư vấn sinh viên ” Chủ tịch DAAD – Joybrato Mukherjee cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng sinh viên quốc tế là những ứng cử viên sáng giá cho vị trí chuyên gia cả trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu đại học của Đức và trong ngành công nghiệp giáo dục – đặc biệt là với quan điểm kinh tế đi lên sau khi đại dịch kết thúc.
Mukherjee cũng đã lên tiếng kêu gọi các chính trị gia ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn đến các du học sinh trong cuộc khủng hoảng coronavirus.
Cần thêm các dịch vụ tâm lý xã hội
Mukherjee cho biết ngoài các hỗ trợ do các trường đại học cung cấp, chính quyền các bang còn phải tăng cường các dịch vụ tâm lý xã hội cho sinh viên quốc tế và tạo ra các lựa chọn bổ sung để tạo điều kiện cho việc học tập chung cũng như liên hệ cá nhân trong thời gian đại dịch.
DAAD ước tính rằng 100.000 trong số khoảng 320.000 du học sinh phải phụ thuộc vào các công việc bán thời gian. Phần lớn các du học sinh làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống và các lĩnh vực sự kiện văn hóa và cả hai ngành này đều có tỉ lệ mất việc làm cao kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Do đó, Mukherjee rất hoan nghênh việc tiếp tục các biện pháp hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức thông qua Deutsches Studentenwerk (Hiệp hội Quốc gia về Các vấn đề Sinh viên của Đức) cho đến tháng 9, nhưng ông cũng kêu gọi số lượng hỗ trợ lớn hơn.
Tổng số du học sinh đã tăng trong năm vừa qua, mặc dù số lượng sinh viên năm nhất đến từ nước ngoài giảm 20% trong học kỳ mùa hè năm ngoái. Trong cả năm, DAAD dự tính số lượng sinh viên quốc tế năm nhất sẽ giảm nhẹ từ 10% đến 15%.
Các trường đại học cũng lo ngại về tác động của Brexit và việc Vương quốc Anh rời khỏi chương trình Erasmus +.
Trong cuộc họp trực tuyến của các trường đại học, DAAD’s Kompetenzzentrum Internationale Wissenschafts-kooperationen (Trung tâm Chuyên về Hợp tác Quốc tế) đã gây chú ý bởi các biện pháp hỗ trợ quốc tế của mình, bao gồm tư vấn, giáo dục bổ sung và thông tin.
Người dịch: Thuỳ Dương (SSDH)