Sẵn sàng du học – Với 3 lần thực tập nghiên cứu về khoa học và công nghệ không gian tại nhiều nước, Nguyễn Phúc Đạt là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên bước chân vào thực tập ở các viện nghiên cứu nổi tiếng ở Đông Á và ở trung tâm nghiên cứu danh tiếng thuộc NASA.
Ở tuổi 21, Nguyễn Phúc Đạt, sinh viên năm 4 ngành kỹ thuật không gian Bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP HCM, trở thành một trong những sinh viên Việt Nam xuất sắc được mời sang thực tập 3 tháng tại Trung tâm Khoa học SOFIA, thuộc Trung tâm Nghiên cứu AMES của NASA (Thung lũng Silicon, California – Mỹ).
Dám dấn thân vào lĩnh vực "xa vời"
Trước đó, Nguyễn Phúc Đạt cũng bỏ túi nhiều kinh nghiệm thực tập tại các viện nghiên cứu nổi tiếng: Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn Academia Sinica (ASIAA, Đài Loan), Viện ISAS – Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Viện Thiên văn và Không gian Hàn Quốc (KASI) và đều được đánh giá tốt sau khi hoàn thành nghiên cứu.
Trước khi bước chân vào giảng đường ĐH, Đạt là cậu học sinh có mức học lực bình thường tại một ngôi trường THPT bình thường ở TP HCM. Trong một lần tham dự tuyển sinh tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Đạt may mắn gặp được PGS-TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng Bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP HCM, từ đó Đạt mới biết đến ngành kỹ thuật không gian và yêu thích nghiên cứu khoa học không gian lúc nào không hay.
Vì không dám "đánh cược" với tương lai, Đạt thi vào Trường ĐH Quốc tế ngành điện tử viễn thông. Trong năm học đầu tiên, Đạt không thể nào dừng được sự tò mò, niềm thôi thúc được nghiên cứu khoa học không gian đến mức ám ảnh. Đây là lúc Đạt đưa ra một quyết định táo bạo, cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời Đạt… chuyển ngành.
Đạt chuyển qua học ngành kỹ thuật không gian, nơi mà Đạt cho rằng mình sẽ được thỏa sức nghiên cứu khoa học, thỏa sức tìm hiểu vũ trụ bao la, cách mà thế giới vận hành. Ba mẹ Đạt đã hoài nghi, truy hỏi Đạt rất nhiều về tương lai của ngành học, không biết học ra sẽ làm việc gì và thực sự đó có phải là quyết định chín chắn hay không. Nhưng thông qua kết quả học tập, được tiếp xúc với cơ hội thực tập nước ngoài đã thay đổi suy nghĩ của ba mẹ, vững tin hơn vào quyết định của con.
So với bạn bè đồng trang lứa, thay vì lựa chọn nghề "hot" và kiếm được thu nhập cao hơn, Đạt lại chọn ngành chẳng mấy ai biết chứ đừng nói đến cơ hội việc làm. Nhưng Đạt quan niệm khoa học luôn có giá trị lâu dài, cho dù các thế hệ trước vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của khoa học. Nhưng hiện nay, Việt Nam cũng đang đầu tư rất nhiều vào khoa học – công nghệ, những người làm nghiên cứu tại Việt Nam sẽ ngày càng được kính trọng hơn. Có thể khoa học không ứng dụng thực tiễn và cho ra kết quả ngay lập tức nên người ta chưa thấy được giá trị của nó nhưng thấu hiểu về tương lai đó là những giá trị rất lớn.
Vươn lên từ cụm thiên hà
Trái ngọt của những ngày tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, Đạt đã chính thức được bước chân vào "thiên đường" nghiên cứu không gian NASA. Và đường đến NASA chưa bao giờ là dễ dàng.
Đạt tiến hành nghiên cứu cụm thiên hà, sau một thời gian rất dài phân tích dữ liệu những nguồn sáng và làm việc để xác định được các cụm thiên hà sẽ nằm ở đâu. Đạt đã đưa ra một nhận định, trong dữ liệu sẽ tìm ra được một số cụm thiên hà từ những phân tích và rất chắc chắn về kết quả của mình. Nhưng 3 – 4 tuần sau khi dùng những hình ảnh kiểm tra lại thì kết quả sai hoàn toàn, trong dữ liệu của Đạt không có cụm nào là cụm thiên hà thật. Rõ ràng đây là một nhận định sai mà Đạt tưởng là đúng, Đạt rất thất vọng và hụt hẫng. Nhưng không thể buông xuôi, phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, dẹp bỏ suy nghĩ giả định của mình là đúng, phải suy nghĩ theo hướng khác…
Theo Nguyễn Phúc Đạt, làm nghiên cứu khoa học không được độc tài, kết quả nghiên cứu và lý luận đứng vững hơn những lời nói của các nhân tài xuất chúng nào đó phát biểu. "Dù mình có thích và kỳ vọng nó sẽ trở thành sự thật nhưng nếu sai thì cũng phải chấp nhận, đó là khoa học. Nghiên cứu khoa học về không gian không phải là điều mơ hồ, trừu tượng" – Đạt thẳng thắn. Và chỉ 2 tuần sau, Đạt hoàn thành kết quả nghiên cứu cụm thiên hà chính xác.
Nhân tố quan trọng để phỏng vấn thành công cơ hội thực tập tại NASA là đã từng làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu uy tín, có kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, yêu cầu tối thiểu phải có tiếng Anh đạt ở mức có thể giao tiếp chuyên ngành, kiến thức toán học, vật lý và lập trình.
"Để đạt được kết quả trong nghiên cứu khoa học không gian thì phải thật "lì", khi lập ra mô hình để miêu tả một sự kiện nào đó, có thể mô hình đó sẽ không chính xác, sẽ sai 50 lần, sau một khoảng thời gian dài phải chống chọi với hàng loạt khó khăn rất có thể sẽ mất đi động lực nghiên cứu nhưng nếu kiên trì cố gắng, chỉ cần một lần đúng, chúng ta sẽ thấy được giá trị chất xám mà mình đã bỏ ra" – Đạt chia sẻ.
Nguyễn Phúc Đạt khuyên các bạn trẻ không nên dè dặt quá với khoa học, nên có tư duy phân tích và phản biện tốt vì làm khoa học rất cần điều đó, chỉ có khoa học mới đưa con người đến với sự tiến bộ. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập và học cao học tại nước ngoài, Đạt sẽ trở về Việt Nam tiếp tục làm nghiên cứu, đào tạo những thế hệ sau, viết tiếp những giấc mơ khoa học.
Kỹ thuật không gian gắn liền với thực tế
Theo PGS-TS Phan Bảo Ngọc, ngành kỹ thuật không gian được Trường ĐH Quốc tế bắt đầu tuyển sinh đào tạo từ năm 2016, tập trung đào tạo kỹ sư chuyên về xử lý ảnh và phân tích tín hiệu vệ tinh, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược quốc gia và nhu cầu xã hội. Áp dụng công nghệ định vị và công nghệ viễn thám thẳng vào quản lý tài nguyên môi trường, quản lý nông nghiệp. Như việc trồng lúa, mỗi giai đoạn sẽ có ánh sáng tán xạ khác nhau, khi quan sát sẽ tính được sản lượng bao nhiêu, biết được năm nay được mùa hay mất mùa, bảo đảm an ninh lương thực, mang tính dự báo…
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo NLĐ