Hà Nội ‘chưa xem xét’ việc tăng học phí

0

SSDH – Khác với kế hoạch cuối tháng 6, dự thảo nghị quyết về học phí năm học 2022-2023 của Hà Nội không nằm trong nội dung xem xét của kỳ họp thứ 7 của HĐND.

Chiều 5/7, ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội, cho biết dự kiến trước năm học mới (khoảng tháng 9), HĐND thành phố sẽ tổ chức kỳ họp, trong đó có thể bàn nội dung liên quan đến học phí. Còn tại kỳ họp thứ 7 này, dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí với trường mầm non, phổ thông công lập (năm học 2022-2023) không còn trong nội dung xem xét của HĐND thành phố.

Kế hoạch tăng học phí của Hà Nội thực hiện theo Nghị định 81/2021. Tại kế hoạch này, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, nếu so sánh theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT (tại các quận, thị xã, thị trấn) có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm ngoái.

Thí sinh được mẹ động viên trong kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh được mẹ động viên trong kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Việt, nếu không tăng học phí năm học tới, những năm sau phải tăng gấp nhiều lần. Đây cũng là điều được các lãnh đạo Sở và thành phố nhấn mạnh. “Vì Hà Nội đã áp dụng mức học phí thấp nhất có thể vào năm 2022, nếu các năm sau tăng quá ít, học phí của Hà Nội sẽ thấp hơn nhiều so với mức trần mà Chính phủ quy định, đến khi phải áp dụng khung mới vào 2026, phụ huynh có thể bị sốc”, bà Đào Hải Yến, Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, trả lời VnExpress vào tháng 5.

Bà Yến giải thích thêm “nói là tăng nhanh, nhưng học phí năm 2025-2026 mà Hà Nội dự kiến áp dụng cũng chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung của Chính phủ”.

Tuy nhiên, ông Việt cho biết lãnh đạo thành phố đã có chủ trương, yêu cầu cần tiếp tục rà soát, xây dựng mức học phí phù hợp theo lộ trình và có mức hỗ trợ cần thiết với người dân trong bối cảnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn về kinh tế. Vì vậy, nội dung bàn bạc về mức thu học phí chưa được bàn tại kỳ họp HĐND thứ 7 này mà lùi đến trước năm học, khác với kế hoạch được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ hồi cuối tháng 6.

Hôm qua, tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Chính phủ cho phép duy trì học phí năm ngoái với bậc mầm non, THPT trong năm tới, đồng thời đề xuất miễn học phí với cấp THCS.

Các địa phương đã ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 mà cao hơn năm trước, thì điều chỉnh lại theo mức cũ. Từ năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung, mức học phí mầm non và THPT theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Khung học phí năm học 2022-2023, được quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ (đơn vị nghìn đồng):

Vùng Mầm non Tiểu học THCS THPT
Thành thị 300-540 300-540 300-650 300-650
Nông thôn 100-220 100-220 100-270 200-330
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi 50-110 50-110 50-170 100-220

 

Theo quy định hiện hành, trong các cấp học phổ thông, chỉ học sinh tiểu học công lập được miễn học phí. Học sinh THCS hiện vẫn phải đóng học phí.

Thời gian qua, một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh các cấp. Từ năm học 2020-2021, thành phố Hải Phòng thực hiện lộ trình miễn 100% học phí cho từ bậc mầm non tới THPT, bổ túc.

TP HCM đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí năm học 2022-2023, từ nguồn ngân sách.

Năm học 2021-2022, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì Covid-19.

SSDH (nguồn: vnexpress)

Share.

Leave A Reply