Hòa nhập văn hóa nước sở tại

0

SSDH – Trải nghiệm của các du học sinh đem đến cái nhìn chân thực và sống động hơn về việc hòa nhập văn hóa nước sở tại.

 

Mặc dù hầu hết các du học sinh đều đã tìm hiểu, được tư vấn dặn dò kỹ lưỡng cách hòa nhập văn hóa nước sở tại. Nhưng khi đặt chân đến học tập và sinh sống tại một đất nước hoàn toàn xa lạ, không ít du học sinh lập tức vấp phải cú sốc văn hóa.

 

Tích cực lấp đầy lỗ hổng ngoại ngữ

 

Với du học sinh, trở ngại lớn nhất có lẽ là ngôn ngữ. Có đủ năng lực ngôn ngữ cho những sinh hoạt thường ngày đã khó, cho việc học tập còn khó hơn nhiều. Bởi thế hội nhập ngôn ngữ là nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách nhất.

 

Lê Thúy Nhiên – du học sinh Trường Charles Darwin University (Úc) kể: “Lúc mới chân ướt chân ráo sang đây, nghe người Úc nói chuyện, tôi chỉ hiểu được khoảng 40% câu chữ của họ. Tôi hốt hoảng thực sự bởi có ai ngờ trước đó tôi rất tự tin với vốn tiếng Anh TOEFL 780 điểm của mình. Sau đó tôi mới hiểu thì ra lâu nay tiếng Anh của mình chỉ mang tính học thuật nhiều hơn là giao tiếp hằng ngày cho nên khi người Úc nói nhanh, xài nhiều từ lạ, không như những gì tôi đã học thì chuyện tôi không hiểu hết câu chuyện của họ là đương nhiên”.

 

Hòa nhập văn hóa nước sở tại

Du học sinh Hồ Anh Nguyệt sống “home stay” vui vẻ với một gia đình người Anh.

 

Còn Nguyễn Thanh Tuấn – du học sinh sang Singapore từ năm 2008 theo diện học bổng A*STAR thì cho biết: “Mấy tháng đầu tiên tôi theo học Trường St Joseph’s Institution ở bên đây mới thật là kinh hoàng. Tôi nghe giáo viên bản ngữ giảng bài mà như vịt nghe sấm, hoang mang vô cùng”.

 

Hầu hết các du học sinh đều cho rằng phương pháp thiết thực và hiệu quả để hoàn thiện tiếng Anh tại đất nước sở tại gồm cùng lúc hai việc:

 

1. Ăn, ngủ và… thở cùng ngoại ngữ: Du học sinh phải chủ động bổ túc thêm vốn liếng ngoại ngữ của mình bằng cách toàn tâm tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ thứ hai. Về điều này, Thanh Tuấn nói: “Cùng với khóa tiếng Anh bổ trợ trong hai tháng, tôi còn lùng sục tất cả sách, báo bổ ích để nâng trình độ tiếng Anh của mình. Nói chung, tiếng Anh lúc đó là nỗi ám ảnh phải chinh phục của tôi. Tôi suy nghĩ, nói chuyện mọi lúc, mọi nơi bằng tiếng Anh. Nửa năm sau thì tôi nhận thấy tiếng Anh của mình được cải thiện rõ rệt”.

 

2. Kết bạn với sinh viên quốc tế: Sai lầm của phần đông du học sinh Việt Nam ở các nước sở tại là chỉ toàn tìm người đồng hương mà chơi. Ngược lại, du học sinh cần tích cực mở rộng mối quan hệ với người bản xứ, từ kết bạn cá nhân đến tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa. “Kết bạn với người Mỹ cũng phải biết cách. Phần lớn sinh viên người Mỹ thường không bắt chuyện trước, cho nên tôi phải kiên nhẫn làm quen từng bước, từ hỏi vài ba câu đến những mẩu chuyện nhỏ rồi mới chơi thân được. Đừng nói quá nhiều khi mới tiếp xúc với họ lần đầu” – Dương Hoàng Trọng, du học sinh Trường ĐH Massachusetts Dartmouth (Mỹ), chia sẻ kinh nghiệm.

 

Ngoài ra, nếu có thể, du học sinh nên chọn hình thức ở “home stay” (sống chung với gia đình người bản xứ). Được sinh hoạt, ăn uống chung với người bản xứ giúp du học sinh giao tiếp ngoại ngữ với người bản xứ tốt hơn. Hồ Anh Nguyệt – du học sinh Trường ĐH Cambridge khóa 2009-2013, chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp ngoại ngữ với chủ nhà khi ở “home stay”: “Người Anh hay Mỹ rất thoải mái trong giao tiếp nhưng cũng vô cùng tôn trọng sự riêng tư. Bạn cần phải chủ động bắt chuyện, tự tin và cởi mở… Vào những ngày cuối tuần, không phải đi học, bạn hãy cùng họ nấu ăn, nấu những món ăn truyền thống và lắng nghe những câu chuyện thú vị hay cùng họ đón mừng những ngày lễ hội lớn trong năm”.

 

Tập sống chung với những điều khó chịu

 

Đối với những bạn cùng phòng: Vì phải cùng chia sẻ một không gian sinh hoạt chung như bếp, phòng khách… với các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên những va chạm do sự khác biệt về thói quen, tập tục và tôn giáo là không tránh khỏi. Đôi khi họ sẽ yêu cầu bạn sử dụng bếp ngoài trời để nấu ăn vì không chịu được khói và mùi thức ăn trong nhà. Chính vậy, nếu không tôn trọng và nhường nhịn nhau, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

 

Các du học sinh đôi khi sẽ bị sốc khi bị một người phê bình thẳng thắn nếu vô tình phạm phải. Văn hóa xếp hàng không phải chỉ thể hiện ở sự kiện quan trọng hay những nơi đông đúc như nơi mua vé, tại các cơ quan nhà nước mà còn ở những nơi bình thường như toilet, xe buýt, quán ăn… Nguyễn Thị Ngọc Phượng – du học sinh ĐH La Trobe (Úc) cho biết: “Tôi nhớ một lần trong toilet chỉ có mình tôi nhưng sau đó người vào tiếp theo vẫn xin phép tôi trước khi sử dụng. Còn một điều đáng trân trọng trong văn hóa của người Úc là họ luôn nghiêm túc, có trách nhiệm với hành động của mình. Khi bạn yêu cầu sự giúp đỡ thì bạn luôn luôn có được câu trả lời”.

 

Việc độc lập trong sinh hoạt và tôn trọng sự riêng tư cũng vô cùng quan trọng. Đôi khi việc thể hiện sự quan tâm lại gây ra sự khó chịu cho người khác, bởi họ chỉ cần nhận được sự hỗ trợ khi họ mong muốn. “Ngày đầu đặt chân đến Pháp vào cuối tuần, tôi đói meo suốt buổi trưa chỉ vì nghĩ rằng mọi người trong nhà sẽ cùng ăn trưa với nhau như hồi ở Việt Nam. Hóa ra ở đây người ta chỉ quây quần với nhau vào buổi cơm tối. Đồ ăn luôn có sẵn nên cuối tuần là dịp để từng người tận hưởng những hoạt động cá nhân theo sở thích riêng” – Thân Minh Cảnh – du học sinh Trường IAE Aix-en-Provence Graduate School of Management (Pháp) kể.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Pháp luật TPHCM

Share.

Leave A Reply