Học bổng “giao lưu văn hóa” và một số điều cần biết

0

SSDH – Du học theo hình thức học bổng giao lưu văn hóa (GLVH) Mỹ ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, tạo điều kiện giúp du học sinh trưởng thành về kiến thức cũng như nhân cách với khả năng hòa nhập, tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau ở mức tốt nhất. Tuy nhiên, để việc học được hiệu quả, không chỉ du học sinh mà các bậc phụ huynh cũng phải biết cách “nhập gia tùy tục”.

 hoc%20bong.jpg

 

Cân nhắc kỹ lưỡng

 

Học bổng GLVH (Academic Year Program – AYP) là chương trình thường niên do Chính phủ Mỹ tổ chức nhằm tạo điều kiện cho học sinh trung học ở nhiều quốc gia có cơ hội đến học tập, trải nghiệm và GLVH tại Mỹ. Tham gia chương trình này, học sinh quốc tế sẽ được theo học một năm tại một trường THPT công lập của Mỹ, sống cùng với gia đình người bản xứ và tham gia các hoạt động giao lưu ở trường học và địa phương nhằm nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa Mỹ.

 

Học sinh tham gia chương trình GLVH sẽ được miễn học phí và chi phí ăn ở trong suốt thời gian một năm tham gia. Đây là cơ hội để hòa nhập và thụ hưởng nền giáo dục hiện đại nhất thế giới. Ở nhiều trường, học sinh còn có cơ hội nhận được bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ chỉ sau một năm học tại trường.

 

Học bổng GLVH là cơ hội rất tốt để học sinh nâng cao khả năng giao lưu, tiếp nhận và hiểu biết thêm các nền văn hóa cũng như kỹ năng sống, ngoại ngữ… Tuy nhiên, cũng có những trở ngại riêng mà các bậc phụ huynh cần xem xét kỹ khi cho con theo học. AYP cho phép du học sinh sau khi học xong một năm học bổng có thể tiếp tục xin học bổng để học lên đại học hoặc cao đẳng tại Mỹ, nhưng thực tế việc xin học bổng ngay từ bậc THPT để học lên cao không nhiều. Vì vậy, đa phần phải tự bỏ tiền túi để học đại học tại Mỹ. Hơn nữa, học bổng GLVH chỉ kéo dài một năm, trong trường hợp không tiếp tục học lên cao, khi trở về, các bạn sẽ phải học lại lớp.

 

Kỹ năng sống cùng “host”

 

Cũng như các hình thức du học khác, để du học GLVH thật sự mang lại hiệu quả, du học sinh cũng cần phải có những cách thích ứng, những “bí quyết” riêng. Một chuyên viên của Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM cho biết: “Đặc trưng của du học GLVH là dành cho học sinh 15 – 18 tuổi, lứa tuổi gần trưởng thành, tâm sinh lý đang trong quá trình biến chuyển rõ rệt.

 

Khi sống xa nhà, các em rất cần có sự giám sát của phụ huynh, sự hướng dẫn của nhà trường để không bị “tủi”, không mất phương hướng cũng như không bị “hòa tan” vào một nền văn hóa mới. Thực tế có những em sau khi du học về đã thay đổi rõ rệt, trở nên “thoáng” hơn trong cách sống”.

 

Về nguyên tắc, du học sinh GLVH sẽ được bố trí ở trong các gia đình người bản xứ (host family). Theo các nhà tư vấn, vai trò của các host family này cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học và tâm lý của du học sinh. Dù đã được cơ quan tổ chức kiểm tra và thẩm định kỹ, nhưng không hẳn các host family đều làm hết trách nhiệm với du học sinh.

 

“Phần lớn các gia đình đều rất tử tế nhưng một số du học sinh gặp tình trạng ở ghép với một số bạn ở các nước khác nên dễ xích mích trong cuộc sống do bất đồng văn hóa và tâm lý lứa tuổi. Một số gia đình vì quá bận rộn, không thể đưa đón nên các em phải tự đi lại. Những chuyện này tuy nhỏ nhặt nhưng cũng rất dễ tác động tới tâm lý các em”, một chuyên viên phân tích.

 

Để khắc phục tình trạng này, kỹ năng “tự thích ứng” của du học sinh là rất quan trọng, phải chủ động hòa nhập với gia đình người bản xứ, coi họ như người thân, phụ giúp nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược… để qua đó có thể hiểu được văn hóa, phong tục tập quán, cách sống của người Mỹ như thế nào.

 

Tự tin và mạnh dạn yêu cầu được giúp đỡ khi không hiểu một vấn đề nào đó; không ngần ngại đặt câu hỏi; giao tiếp với người bản xứ thật nhiều, với các bạn sinh viên, thầy cô trong trường; gia nhập các câu lạc bộ hoặc các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng… Trong trường hợp không thể “hòa nhập”, du học sinh nên thẳng thắn trao đổi với gia đình và đề xuất với đơn vị có trách nhiệm để có thể chuyển đến một host family khác.

 

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Share.

Leave A Reply