SSDH – Theo báo cáo thường niên 2010-2011 của Bộ Quốc tịch và Nhập cư Australia (DIAC), trong những năm qua đã có hơn 15.000 người nước ngoài và sinh viên quốc tế tại đất nước này bị hủy visa do vi phạm luật di trú.
Con số đó tăng 37% so với năm 2010. Trong đó, có tổng số 3.624 sinh viên quốc tế có thể sẽ phải trở về nước vì không vượt qua được các kì thi hoặc không đến lớp đầy đủ theo quy định và khoảng 2235 sinh viên quyết định dừng học hoặc đi làm bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ đến Australia bằng visa sinh viên nhưng lại đi làm các công việc trái pháp luật dẫn tới việc visa bị hủy.
Ngoài ra, có 8309 sinh viên, chiếm 1,7% tổng số sinh viên quốc tế, ở ‘chui’ tại Australia vì visa sinh viên của họ đã hết hạn mà không gia hạn visa mới. Con số này cao hơn 0,1% so với giai đoạn 2009-2010.
Nhìn chung, tổng số người nước ngoài ở lại Australia bất hợp pháp năm 2010-2011 là 13.831 người (con số này là 14169 người trong giai đoạn 2009-1010).
Hiện DIAC đang nỗ lực để giảm thiểu số lượng sinh viên không tuân thủ đúng các quy định của luật visa, đồng thời tăng cường kiểm tra các chủ doanh nghiệp ở những khu vực xa xôi nhằm ngăn chặn tình trạng thuê mướn nhân công bất hợp pháp. Theo đó, các chủ doanh nghiệp được cảnh báo rằng họ cần phải kiểm tra tính hợp lệ về visa của những người đi xin việc trước khi quyết định thuê nhân công.
Hội thảo về sinh viên Ấn Độ tại Australia
Số liệu thống kê cho thấy sinh viên Ấn Độ chiếm 1/6 tổng số du học sinh tại Australia.
Trong số hơn 15 nghìn trường hợp bị hủy visa nói trên, sinh viên Ấn Độ, nhất là ở các trường nghề, chiếm số lượng lớn. Nguyên nhân là do họ không có mục đích học tập thực sự mà thường nghỉ học để đi làm với thời lượng nhiều hơn quy định cho phép.
Việc DIAC hủy visa của nhiều sinh viên Ấn Độ đã khiến cho trường Đại học Monash tổ chức một buổi hội thảo vào đầu tháng 11/2011 về tình trạng hiện tại của sinh viên Ấn Độ ở Melbourne.
Ông Masheeh Rahman, một trong những phóng viên điều tra hàng đầu, đồng thời là chuyên gia phân tích các vấn đề quốc gia của Ấn Độ tại thủ đô New Delhi, nhận định động thái của DIAC trong thời gian qua cho thấy sự thất bại của những chính sách giáo dục trước đây của chính phủ Australia.
Bên cạnh đó, theo ông, các thông tin về sinh viên Ấn Độ học nghề tại Australia còn rất nhiều hạn chế. Vấn đề nằm ở chỗ rất nhiều sinh viên chỉ đăng kí các khóa học nghề như một bước đệm để tìm kiếm cơ hội việc làm và nhập cư vào Australia. Vì vậy, việc họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì và làm gì sau khi ra trường là điều rất ít người biết đến.
Ngoài ra, ông Rahman cho biết mặc dù cách đây vài năm, các vụ tấn công sinh viên Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của giới báo chí Australia lẫn Ấn Độ và là nguyên nhân khiến cho số lượng sinh viên Ấn Độ đến Australia sụt giảm nhưng hiện nay, tình trạng đã được cải thiện và sinh viên Ấn Độ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều khi sang Australia du học.
Về phía các bậc cha mẹ, trong thời gian đầu khi mới xảy ra các cuộc tấn công, họ có tâm lí lo sợ con em mình có thể bị phân biệt chủng tộc tại Australia. Mặc dù vậy, người dân Ấn Độ hiện đã nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, báo chí nước này đã không phản ánh chính xác tình hình ở Australia.
Một ví dụ điển hình được ông Rahman đưa ra là trong cuộc hội thảo mà ông tham dự lần này, một thủ lĩnh sinh viên Ấn Độ có tham vọng chính trị đã tuyên truyền ý kiến cho rằng các vụ tấn công là một ‘chiến dịch phân biệt chủng tộc có tổ chức nhằm vào sinh viên Ấn Độ’.
“Thông tin này có thể sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ nhưng người ta sẽ sớm nhận ra rằng chúng sai lệch”, ông Rahman nhận định
Theo Bay Vút