Khi người Việt thịnh hành trào lưu du học

0

Sẵn sàng du học – Thực tế, chỉ khi các em đi du học bằng chính năng lực và khát vọng của mình, chỉ khi các du học sinh học một cách thực sự, họ mới tạo ra sự khác biệt. Còn không ít những câu chuyện dở khóc dở cười khi các em bị – được “đẩy” đi du học. Hãy du học một cách thực sự, bằng đam mê và khát vọng của tuổi trẻ chứ không phải vì cái vỏ hào nhoáng bên ngoài bởi chắc chắn, đó không phải là con đường duy nhất để thành công.

Ông Nguyễn Bá Trường Giang (Cựu du học sinh Hoa Kì, nguyên giảng viên phiên dịch Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh Mỹ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội): Du học là đòn bẩy cho những em có đam mê, khát vọng

– Ông từng du học ở Mỹ và trở về Việt Nam làm việc. Ông có thể chia sẻ về hành trình du học của mình?

+ Với chúng tôi ngày xưa, du học là một giấc mơ xa vời, chúng tôi không nghĩ rằng mình có cơ hội đến một quốc gia khác, cách nửa vòng trái đất và được học tại một ngôi trường danh giá. Khi tôi học cấp 3 chỉ nghĩ đến việc được vào đại học đã là may mắn. Chúng tôi không nghĩ đến du học vì không biết tiếng Anh. Cho đến khi lên đại học mới có cơ hội học tiếng Anh và ra trường được giữ lại giảng dạy môn Ngôn ngữ và Văn hóa Anh-Mỹ ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Đó cũng chính là những năm tháng giúp tôi có điều kiện trau dồi tiếng Anh để chuẩn bị cho con đường du học.

nguyen-ba-truong-giang

 – Theo ông, vì sao du học đang trở thành một trào lưu, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn cho con đi du học như hiện nay? Hành trình du học của tôi khá chông gai. Ra trường 6 năm tôi mới xin được học bổng của chính phủ Mỹ sang Đại học Cornell. Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn ước mơ học hành của mình, tôi lại tìm học bổng và học Luật ở Boston và sau đó quay về Việt Nam.

+ Vì các phụ huynh có khát khao mong muốn con mình được hưởng một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến và thực sự hàn lâm. Những nơi đó họ tin rằng, với sự đầu tư của mình sẽ cho con điều kiện tốt để học tập, rèn kỹ năng và sau này có cơ hội thành công. Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình thành công, đó chính là lý do họ quyết tâm cho con đi du học. Người Việt đầu tư rất lớn cho con cái, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí không cần học bổng để cho con đi du học.

– Theo ông, giá trị quan trọng nhất mà việc du học mang lại cho một bạn trẻ là gì?

+ Sự tự tin, lối suy nghĩ độc lập, khả năng chịu được những áp lực. Học trong môi trường như ở Mỹ, Anh thì khả năng chịu áp lực của sinh viên được cải thiện. Trong tương lai, khi làm việc, các em sẽ phải xử lý những khối lượng công việc lớn như thế, đó chính là rèn kỹ năng làm việc.

Những học sinh ra nước ngoài, học ở những trường tốt của Anh, Mỹ, Nhật, các em sẽ mang về phong cách mới, tư duy mới. Giá trị không phải là tôi đọc nhiều chữ hơn mà giá trị đó là phong cách của một con người, là tư duy, suy nghĩ, khả năng chịu được áp lực. Đó là tôi chưa nói đến tuổi thanh xuân các em được học trong môi trường lãng mạn, có cơ hội khám phá những nền văn hóa khác nhau.

-Vậy ông nghĩ gì về con số 3 tỷ USD của người Việt chảy ra nước ngoài hằng năm cho giấc mơ du học?

+ Đó là một con số lớn đối với một đất nước nhỏ như Việt Nam với GDP chỉ khoảng 200 tỷ một năm. Nhưng nhìn vào bức tranh lớn hơn, nếu chi 3 tỷ đô la để đào tạo ra những thế hệ thực sự có kỹ năng, kiến thức, trở thành những công dân quốc tế khi các em được học ở những trường đại học lớn trên thế giới thì không lớn. Trong số những người đi du học đó đã có những người thành công, chúng ta đã có những giải Fields, sắp tới chúng ta sẽ có những giải Nobel về Vật lý, Kinh tế từ những con người đang du học đó. Với 3 tỷ USD để có thể tạo ra một thế hệ nhân tài cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thì không có gì đáng lo.

life1

– Có một bạn trẻ chia sẻ câu chuyện không nên đi du học với một lí do, nếu phải bỏ ra 2 tỷ để học 5 năm, sau đó về Việt Nam làm việc lương chỉ được từ 10-20 triệu thì không đáng. Số tiền đó nên đầu tư ở Việt Nam, hoặc chỉ gửi ngân hàng cũng đã có 15 triệu tiền lãi mỗi tháng, dù chưa làm gì? Ông nghĩ gì về bài toán này?

+ Có những người thực dụng sẽ nghĩ ngắn hạn như vậy. Nhưng nhìn rộng hơn, du học mang lại sự biến đổi cho cả một thế hệ, biến đổi về nhận thức, tư duy và tầm nhìn. Và những con người đó được du học và học một cách thực sự chứ không phải du hý sẽ trở thành những con người có ích. Đầu tư 2 tỷ cho một chặng đường dài của cuộc đời chứ không phải chỉ trong một giai đoạn ngắn.

Và tôi tin rằng, khi có cơ hội, những con người được đầu tư học hành bài bản đó sẽ biết nắm bắt và họ sẽ tạo ra những giá trị không chỉ dừng lại ở con số 2 tỷ mà còn lớn hơn. Tôi tôn trọng quyết định của bạn trẻ đó nhưng tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ mãi mãi là tuổi trẻ, chúng ta không bao giờ có lại tuổi trẻ của mình, tôi tin rằng trong 4, 5 năm tuổi trẻ đó, nếu chúng ta được học trong môi trường tốt hơn thì tuổi trẻ đó sẽ rất đẹp.

– Nhưng có một thực tế, vẫn có những du học sinh đi học theo phong trào, có không ít những phụ huynh phải “ăn quả đắng” khi phát hiện con mình đi du học nhưng không học mà sa đà vào game, hay chỉ mãi đi làm thêm, kiếm tiền, ông chia sẻ ý kiến về những trường hợp du học sinh này?

+ Việc này không hiếm nếu không muốn nói là nhiều. Nhiều du học sinh rơi vào hoàn cảnh khác nhau khi xa gia đình, xa cha mẹ và sống trong môi trường mới lạ. Đầu tiên là các em được tự do, rất dễ bị sa ngã. Những học sinh có ý thức học tốt, thường có sẵn từ ở nhà. Những em lười nhác, ở nhà không học và sang đó mong muốn thay đổi thì rất mạo hiểm, bởi các em dễ sa đà vào game, casino…

Tôi đồng ý với một số quan điểm của mọi người rằng, du học không phải là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành công, du học là đòn bẩy dành cho những em thực sự đam mê, có khát vọng để có cơ hội thành công cao hơn. Điều này không có nghĩa là bạn không đi du học thì không có cơ hội thành công. Du học mang lại nhân sinh quan mới, tư duy phản biện đa chiều. Đó là những giá trị vô hình mà du học mang cho cả một thế hệ.

Còn với những học sinh lười nhác, sa đà thì ở môi trường nào các em cũng thất bại mà thôi. Vì thế, các phụ huynh lưu ý chọn thời điểm du học cho con, khi con đủ chín chắn và xứng đáng với sự đầu tư của bố mẹ thì hãy đi.

-Vậy theo ông, du học là nền tảng tốt để dẫn đến thành công, nhưng để thành công thì đó có phải là con đường duy nhất?

 + Du học tạo nền tảng tri thức, nền tảng về năng lực cứng và năng lực mềm. Nhưng không có nghĩa các bạn không đi du học thì không thành công. Quan trọng vẫn là ý thức học tập và làm việc suốt đời. Sự thành công là những trang giấy tâm hồn được hằn lên bằng kinh nghiệm. Những người thành công họ có linh cảm sâu sắc trước cuộc sống, điều đó không có nghĩa là hằng đêm họ đọc sách của hiền nhân, bởi nếu thế, tôi chỉ cần vào thư viện hay ngồi ở nhà đọc sách.

– Xin cảm ơn ông!

Thái Hải SSDH) – Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply