SSDH- Xin chào mọi người, mình là Quân và mình đang làm việc tại Singapore. Công việc của mình là một kiến trúc sư dự án, các công trình bao gồm nhà máy, cao tầng và quy hoạch. Vì là KTS biết tiếng Việt nên mình khá được sếp ưu ái khi gần đây các dự án tại Việt Nam về kiến trúc và quy hoạc tăng đột biến, một phần vì sự phát triển khá nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam sau thời kì đại dịch.
Mình đã apply thành công vào chương trình thạc sĩ của trường Đại học Stanford tại California và được trường hỗ trợ 40% học phí. Chương trình thạc sĩ của mình có thể hoàn thành trong 1 năm và mình thấy nó khá phù hợp với định hướng cũng như kinh nghiệm làm việc của mình trong suốt thời gian ở Việt Nam và Singapore. Mình cũng chọn chương trình coursework với mục đích nhanh chóng tốt nghiệp (tiết kiệm thời gian vì mình cũng đã >30 tuổi) và có thể áp dụng ngay vào công việc, chứ mình không muốn đi theo hướng nghiên cứu.
Một số đặc điểm trong hồ sơ của mình:
1. Về học vấn: mình tốt nghiệp bằng kiến trúc sư của Đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh, với GPA chỉ có 2.99/4 (loại khá). Thực ra mình có bảng điêm năm 1 và năm 2 đại học khá be bét với nhiều điểm B và C, do mình cũng không có năng khiếu lắm trong các môn vẽ vời và cũng hơi lười trong thời gian đầu. Mình cũng khá tiếc vì điểm này trong bộ hồ sơ. Công bằng mà nói, bảng điểm đại học là cái đầu tiên mà hội đồng tuyển sinh sẽ xem và đánh giá. Nó thể hiện sự nghiêm túc cũng như năng lực học tập của ứng viên. Và bảng điểm đại học bạn KHÔNG THỂ LÀM NÓ KHÁ hơn được, kiểu như bút sa gà chết. Những yếu tố khác như kinh nghiệm làm việc, tiếng Anh, ngoại khóa… thì hoàn toàn có thể thay đổi và bổ sung. Các bạn đang học đại học lưu ý điều này.
Bù lại GPA khá thấp nên mình đã lên xin trường chứng nhận xếp hạng trong khóa. May mắn là do trường mình cho điểm khá gắt nên mình cũng có ranking trong top 6% toàn khóa. Và cái này vớt vát cho một bảng điểm đại học toàn B và C của mình.
2. Tiếng Anh: chương trình cao học ở Đại học Stanford không nhận điêm IELTS, bạn phải thi TOEFL. Mỗi khoa sẽ có yêu cầu một mức điểm riêng. Tuy nhiên mình được miễn tiếng Anh, vì mình đã có bằng thạc sĩ (1 năm) của Đại học Quốc gia Singapore. Bạn lưu ý, nếu bạn có bằng đại học hoặc cao học của một trong số các nước Anh, Úc, NewZealand, Singapore hoặc Canada thì bạn sẽ được miễn nộp điêm TOEFL. *Mình thi IELTS lần đầu vào năm 2015, đạt band 7.0 overall.
3. Thư giới thiệu: Mình xin ba thư giới thiệu của hai giáo sư ở Singapore và 1 giáo sư ở Việt Nam. Bạn chỉ cần liên hệ những người hiểu rõ mình nhất và cung cấp thông tin thêm để các giáo sư viết thư giới thiệu cho bạn.
4. Portfolio: Chương trình không yêu cầu phải nộp portfolio thiết kế, nhưng mình có nộp kèm vì mình có background là kiến trúc sư. Nội dung portfolio liên quan tới những dự án mình đã làm, vai trò, cũng như những thành tựu và giải thưởng liên quan mình đã đạt được. Mình có hơn 13 giải thưởng về thiết kế quốc tế cũng như có đồ án triển lãm ở nhiều sự kiện về kiến trúc xây dựng trên thế giới (Newyork, Paris, Milan, Osaka, Singapore, Vienna, Tây Ban Nha và Việt Nam…), nên điểm này mình khá tự tin và tập trung làm nổi bậc trong hồ sơ, vớt vát lại điểm GPA khá thấp thời đại học. Mình có hai đồ án đạt giải được chấm bởi Kiến trúc sư Moshe Safdie (tác giả công trình Marina bay sands), và kiến trúc sư Kazuyo Sejima (Giải Pritzker- Nobel Kiến trúc) nên mình nhấn mạnh vào hai yếu tố này. Portfolio mình làm cũng ngắn gọn, tầm 15 trang, tóm tắt và thể hiện những khả năng cũng như đam mê của mình với ngành dự định học.
5. Statement of purpose: Khác với bậc đại học, bậc cao học SOP khá đi thẳng vào mục đích. Bạn cần trả lời tại sao bạn muốn học ngành này và nó thực sự giúp cho tương lai sự nghiệp của bạn. Mình may mắn là từ lúc tốt nghiệp đi hẳng theo hướng thiết kế bền vững và các dự án cũng như giáo sư cũng là những người có tiếng trong lĩnh vực này ở Châu Á. Bài luận SOP cần đi thẳng vào mục đích, không nên kể lể lại CV, súc tích và thẳng thắng vào vấn đề. Đây cũng là một yêu cầu mà các giáo sư ở Stanford nói ra trong buổi webinar về ngành.
6. GRE : được miễn. Đây là cái trở ngại lớn nhất cho bạn Việt Nam nếu muốn nạp thạc sĩ ở Mỹ. May mắn là từ 2020 các trường ở Mỹ đã bỏ yêu cầu về GRE. Và Stanford cũng nằm trong số đó. Việc học GRE mình thấy khá tốn thời gian và công sức.
7. Mình nhận được kết quả khá trễ, có thể nói là tận cuối tháng 5. Mình nghĩ là khả năng cao mình vào waiting list vì thông thường các trường ở Mỹ sẽ bắt bạn xác nhận kết quả vào giữa tháng 4. Phải nói năm nay là một năm với tỉ lệ chọi cực kì khủng khiếp ở các trường top đầu thế giới, vì vừa hết 2 năm đại dịch và GRE cũng không cần nữa. Cho nên cái này tùy theo ngành của bạn nộp và tùy vào may mắn.
Tác giả: Quân PH