SSDH – Giỏi tiếng Anh ở tất cả các kỹ năng cộng với nguồn tài chính đảm bảo từ gia đình là điều kiện cần để các em bước vào môi trường học tập quốc tế.
Lý Vinh Việt Long (1990), con trai chị Liễu Ánh từng học trường quốc tế tại TP HCM và tốt nghiệp chương trình Tú tài Quốc tế (IB). Sau đó, Long theo đuổi Đại học Loyola Marymount (Mỹ) trong suốt 3,5 năm học; lấy bằng thạc sĩ Đại học San Francisco trong vòng một năm; thực tập sinh 3 tháng tại Nhật Bản trước khi làm việc lâu dài tại Australia.
Các phụ huynh cùng chia sẻ kinh nghiệm cho con du học.
Trải qua chặng đường dài cho con du học, chị đúc kết, vấn đề tài chính và trình độ tiếng Anh là 2 thách thức mà học sinh và phục huynh thường gặp phải.
Theo chị Ánh, phụ huynh buộc phải tính được tổng chi phí, cũng như đảm bảo nguồn tài chính đó trong suốt quá trình du học của con. Chi phí một năm nội trú đóng cho trường đại học hạng tốt tại Mỹ trung bình 50.000-60.000 USD mỗi năm. Nếu tính thêm tiền mua sách vở, di chuyển, vé máy bay, tiêu xài, xăng và bảo hiểm khi có xe hơi thì “ngốn” hết 60.000-70.000 USD.
Vấn đề quan trọng không kém là trình độ tiếng Anh của sinh viên. Các giáo sư thường giảng bài rất nhanh, giờ lên lớp của học sinh thì ít, trong khi kiến thức cần truyền tải lại nhiều. Phụ huynh này tiết lộ, cứ một giờ đến lớp, con trai chị phải làm bài tập 4 giờ thì mới đạt điểm A. Nếu không giỏi tiếng Anh sẽ không thể bắt kịp bài. Vì vậy, cha mẹ nên giúp con xây dựng trình độ tiếng Anh vững vàng trước khi bước vào môi trường học tập quốc tế.
Ngoài ra, sinh viên mới nhập học nội trú cũng gặp nhiều khó khăn tâm lý trong 6 tháng đầu. Áp lực học hành, lần đầu sống xa nhà, sống chung với du học sinh quốc tế, khác biệt về văn hóa… đều khiến các em phiền muộn. Sinh viên dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn phổ biến ở nước ngoài như hút bồ đà, uống rượu, đi bar, vũ trường, quan hệ tình dục bừa bãi…
Nếu muốn cho con du học ngay từ cấp phổ thông, cha mẹ cần dành nhiều thời gian chỉ bảo và rèn luyện tính tự lập cho các em ngay từ nhỏ. Trẻ sớm trưởng thành, suy nghĩ thấu đáo thì những rủi ro phát sinh khi du học cũng thấp hơn.
“Tôi nhớ lại ngày dự lễ tốt nghiệp thạc sĩ của con vào cuối tháng 5, cảm giác giống như vận động viên vừa chạy về đích, vui mừng nhưng mệt lả sau một cuộc đua đường dài 10km”, chị tâm sự trong buổi chia sẻ kinh nghiệm cho con du học, tổ chức tại ISHCMC American Academy vào đầu tháng 11.
Sống và làm việc tại Việt Nam suốt 20 năm, bà Lee Baker cũng có con nộp đơn vào các trường đại học Mỹ. Theo bà, quá trình nộp đơn nhập học khó nhưng không phải là không thể. Học sinh quốc tế, đặc biệt là Việt Nam thường được đánh giá cao tinh thần học tập và có lợi thế hơn hẳn.
Để chuẩn bị tốt, bà Lee Baker khuyên phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về các trường đại học bằng mọi cách. Sau đó, chọn danh sách các trường phù hợp nhất và liên hệ với bộ phận tuyển sinh sau khi sàng lọc lại. Phụ huynh cũng cần lường trước mức học phí khá cao của từng trường.
Nguồn: Vnexpress