SSDH – Các cựu du học sinh Anh chia sẻ những kinh nghiệm để có thể hòa nhập tốt môi trường sống, môi trường học tập mới và du học thành công.
Lập kế hoạch
Lập kế hoạch trước khi du học và kế hoạch khi du học là bài học lớn đối với Hồ Hồng Bảo Trâm, tốt nghiệp Trường BSc Economics – University of Warwick (Anh). Bài học kinh nghiệm đầu tiên là phải lập kế hoạch qua đó học gì, tập lên kế hoạch những điều cần phải làm như chọn ngành, chọn trường, chọn chỗ ở, các phương tiện đi lại.
Bài học thứ 2 của Bảo Trâm là thích nghi với hoàn cảnh thì mới có thể vượt qua được khó khăn ban đầu, vì du học không còn như ở nhà nữa. Bài học thứ 3 là lập kế hoạch cho mình. Ra nước ngoài có một mình nên du học sinh phải biết ngày nào làm gì, mỗi tuần dành một buổi lập kế hoạch chi tiết từng ngày mình làm gì. Thầy cô chỉ lên lớp vài lần nên khi có dịp gặp thì ta phải chuẩn bị để đặt câu hỏi.
Du học sinh Việt Nam tại Anh
Du học sinh phải lập kế hoạch trong chi tiêu: Chi phí cuộc sống thế nào, mỗi tháng xài bao nhiêu, tiền ở, tiền ăn, tiền điện ra sao… Chi phí sống ở Anh khá cao nên cần lập kế hoạch để không xài lãng phí. Việc lập kế hoạch cũng giúp du học sinh định hướng nên học ngành gì cho phù hợp.
Giỏi hơn chính mình hôm qua
Bạn Trần Bảo Anh, D’Overbroeck’s College – Oxford (Anh), tiết lộ về kinh nghiệm thích nghi với môi trường học mới: “Tôi còn nhớ như in giờ học kinh tế đầu tiên của mình – một môn chưa bao giờ được học ở phổ thông nhưng lại là ngành tôi mong muốn được theo đuổi. Điều khác biệt quá rõ ràng là mọi người hăng hái phát biểu, tranh luận và đưa ra ý kiến, còn tôi lại là con bé duy nhất ngồi cặm cụi ghi chép”.
Khác biệt này khiến Bảo Anh là người duy nhất mà thầy giáo không nhớ tên. Cô hầu như chẳng hiểu chữ nào sau những giờ học. Nhằm vượt qua chính mình, Bảo Anh đã lấy hết động lực để thay đổi và đó chính là quyết định đúng đắn.
Bảo Anh cho biết: “Tôi đã đến tận nơi hỏi thầy giáo gần chục câu mà mình không hiểu. Tôi đã mạnh dạn hỏi bạn bè về những điều mới mẻ, mình chưa từng được nghe qua. Điều tôi nhận lại là sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè và sự chỉ bảo tận tâm của thầy cô. Lúc đó, tôi phần nào cảm nhận được mình đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn, không phải vì tôi giỏi hơn người khác mà bởi tôi đã giỏi hơn chính mình hôm qua”.
Thuê nhà, xem kỹ hợp đồng
Về chỗ ở, Nguyễn Thị Thúy, thạc sĩ ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng ĐH Sheffield (Anh), cho biết ký túc xá là lựa chọn của nhiều sinh viên vì có cơ hội trải nghiệm riêng về đời sống sinh viên và hòa nhập với bạn bè quốc tế. Ưu điểm lớn nhất của ký túc xá là an toàn, sạch sẽ và thuận tiện. Điều quan trọng nhất là sự thuận tiện khi đến trường, thư viện, tham gia nhiều hoạt động, các câu lạc bộ nếu ở ký túc xá.
Một lựa chọn khác là thuê nhà tư nhân hoặc các khu căn hộ, bạn có thể tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn nếu lựa chọn được căn hợp lý. Tuy nhiên, ở Anh, điều khoản hợp đồng khá chi tiết nên cần chú ý đọc kỹ các vấn đề liên quan đến đặt cọc trước khi ký kết. Hình thức “homestay” hay ở với người bản xứ nơi bạn sẽ được sống như một thành viên trong gia đình cũng là lựa chọn tuyệt vời. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, cuộc sống cũng như nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh của mình.
Không xem nhẹ việc thực tập
Đối với sinh viên, việc thực tập không chỉ để đúc kết những kinh nghiệm làm việc bổ ích mà còn giúp gia hạn visa cũng như khi nhận vào làm ở các tập đoàn lớn tại Anh sau này. Vương Gia Hiếu, theo học khóa chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH Warwick, nhớ lại: “Hồi mới vào năm học, mình không chú trọng tìm hiểu gì về thực tập và công việc sau này. Nhưng rồi suy nghĩ của mình thay đổi hoàn toàn sau khi dự một buổi thảo luận của Vietpro, một tổ chức của những anh chị từng là sinh viên tại Anh và hiện làm việc tại đây. Các anh chị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị hồ sơ và tìm hiểu về các bước duy trì được visa làm việc tại đây lâu dài”.
Gia Hiếu khuyên: “Bạn nên nhớ là việc chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn cho thực tập năm nhất sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cho những năm sau khi việc học ngày một bận bịu hơn. Vì vậy, đặc biệt là với những ai muốn làm việc tại Anh sau khi tốt nghiệp, mình khuyên các bạn nên chuẩn bị sẵn tinh thần và có một sự khởi đầu sớm để về sau mọi việc đều suôn sẻ như ý”.
Đông Đức (SSDH) – Theo Kenh14