My Australia – Nước Úc đa văn hóa

0

SSDH –  Có thể nói nước Úc là một môi trường làm người ta cảm nhận được rõ nhất ý nghĩa của từ “Đa văn hóa” – multiculturalism và hòa hợp văn hóa – harmony. Nét đa văn hóa không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà còn thấy rõ trong mọi mặt đời sống xã hội nước Úc.

Đa văn hóa nghĩa là có thể thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước những bạn bè đến từ các nền văn hóa khác mà không cảm thấy lạc lõng, là được tạo những cơ hội để thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mình, và hơn cả là việc những người xung quanh thừa nhận những nét văn hóa của riêng bạn và hy vọng bạn sẽ mang những bản sắc văn hóa riêng có chia sẻ với mọi người.

du hoc uc

Một ngày hội đa văn hóa ở trường đại học Murdoch. – Nguồn Internet

Với hơn 27% người dân Úc được sinh ra ở nước ngoài, tương đương với 6 triệu người, việc thúc đẩy nét hòa hợp văn hóa, xã hội là vô cùng quan trọng với xã hội Úc.

Trong cuộc sống hàng ngày, nét đa văn hóa ở Úc đôi khi đơn giản được thể hiện ở việc các bữa tiệc tổ chức cho đông người luôn có thức ăn chay để phục vụ nhu cầu đa dạng về văn hóa ẩm thực và tôn giáo của những người tham gia, là việc người có nhu cầu có thể dễ dàng tìm thấy các cửa hàng bán thực phẩm halal dành cho người theo đạo Hồi ở khắp nơi trên nước Úc.

Nhu cầu tôn giáo và thực hành các lễ nghi tôn giáo là một điểm cho thấy rõ nhất nét đa văn hóa của nước Úc. Có lẽ Úc là nơi có đa dạng cơ sở thờ tự nhất: gồm cả chùa của đạo Phật, nhà thờ của đạo Thiên chúa, các giáo phái Tin lành, đền của đạo Hin đu, đạo Hồi các cơ sở thờ tự của các đạo khác. Dù theo bất cứ một tôn giáo nào bạn cũng có thể tìm thấy những cơ sở thờ tự ở các thành phố lớn của nước Úc.

Ở các trường đại học luôn luôn có cơ sở tôn giáo (religion service), thường là một tòa nhà trong đó có nhiều khu cho nhiều tôn giáo để phục vụ nhu cầu cầu nguyện, cúng bái hay các thủ tục tôn giáo như đám cưới, lễ đặt tên cho con, v.v. Không chỉ các trường đại học mà ở những nơi công cộng như  sân bay cũng thường có các phòng cầu nguyện (prayer room) để phục vụ nhu cầu tôn giáo của hành khách khi họ ở sân bay.

Những ngày hội đa văn hóa (Multi-cultural festivals) được tổ chức ở nhiều nơi trên nước Úc với những quy mô lớn nhỏ khác nhau, đặc biệt ở các trường đại học. Ở quy mô lớn hơn, đó là những lễ hội văn hóa truyền thống của các nước được người dân Úc đến từ các quốc gia khác nhau tổ chức, và có những lễ hội có tầm vóc lớn, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, như lễ hội Trung thu ở Cabramatta, Lễ hội đèn lồng Việt Nam ở Melbourne, hay tết âm lịch của người Trung hoa…

australia

Trao đổi văn hóa Việt Nam – Ấn Độ – Nguồn Internet

Và hiện nay, nước Úc còn có “Tuần lễ hòa hợp văn hóa” – “Harmony Week” vào cuối tháng 3 hàng năm để thúc đẩy những lợi ích về kinh tế, xã hội mà một cộng đồng đa văn hóa đem lại cho nước Úc. Trong tuần lễ này, trên toàn quốc có rất nhiều các hoạt động đa văn hóa. Đặc biệt các trường tiểu học, trung học đều có các ngày hội hòa hợp “Harmony Day” để học sinh và các bậc phụ huynh có thể thể hiện những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Về mặt chính trị, vì nhận thức được tầm quan trọng của nét đa văn hóa trong xã hội Úc, ở các cấp chính quyền từ liên bang tới chính quyền địa phương luôn có cơ quan chuyên trách phụ trách các vấn đề đa văn hóa (multicultural affairs). Vì vậy nên việc trong chính quyền Liên bang mới của đảng Tự do không có bộ trưởng chuyên trách về vấn đề đa văn hóa đã gây ra nhiều quan ngại từ nhiều phía.

Về mặt giáo dục, trong các chương trình đào tạo, vấn đề đa văn hóa là một trong những trọng tâm được nhấn mạnh. Các giảng viên luôn nhắc nhở sinh viên phải tôn trọng văn hóa, các tập tục, cách ăn mặc của mọi người, không áp đặt và coi những đặc điểm văn hóa của mình là đương nhiên, cũng không được phỉ báng, coi nhẹ văn hóa của người khác, đặc biệt là vấn đề tôn giáo. Không khó để tìm thấy những môn học liên quan đến đa văn hóa trong các khóa học ở nhiều cấp khác nhau từ phổ thông, học nghề cho đến đại học.

Đa văn hóa cũng có nghĩa là sự va chạm về văn hóa là không thể tránh khỏi. Hui, một sinh viên Trung Quốc trong một khóa đào tạo về lãnh đạo và văn hóa ở trường Monash, đã kể một câu chuyện va chạm văn hóa cậu gặp phải. Cậu thuê nhà cùng với hai người, một người theo đạo Hồi và một người theo đạo Hindu. Người theo đạo Hồi thì không ăn thịt lợn, còn người theo đạo Hindu không ăn thịt bò. Khi Hui mua thịt lợn hay thịt bò để trong tủ lạnh (cả nhà sử dụng chung tủ lạnh), đặc biệt là khi nấu ăn, hai bạn đó tỏ vẻ rất không hài lòng.

Còn Hoa, một sinh viên trường Curtin kể rằng, bạn thường có các buổi học nhóm, làm tiểu luận hay thảo luận nhóm. Một lần trong nhóm có một sinh viên đạo Hồi luôn đến muộn, khiến cho những người khác rất không hài lòng. Nhưng khi bạn ấy giải thích lý do là do phải đi cầu nguyện thì không ai tỏ ý coi thường, hay chê trách bởi người theo đạo Hồi phải cầu nguyện 5 lần mỗi ngày vào những thời điểm xác định trong ngày. Chỉ có sự hiểu biết và tinh thần tôn trọng văn hóa của người khác mới tránh được những xung đột có thể xảy ra như trong trường hợp này.

Nét đa văn hóa cũng mang lại những lợi ích to lớn đối với xã hội và nền kinh tế Úc. Lực lượng lao động của Úc là một lực lượng lao động đa kỹ năng, đa văn hóa, bởi nước Úc nổi tiếng về việc thu hút được những người lao động giỏi tay nghề từ khắp thế giới. Còn một xã hội đa văn hóa khiến những cư dân khắp nơi trên thế giới khi đến nước Úc cảm thấy nhiều nét thân thuộc như ở quê hương mình và cũng giúp họ dễ dàng ổn định cuộc sống hơn. Nét đa văn hóa nước Úc cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thu hút khách du lịch cũng như sinh viên khắp nơi trên thế giới đến Úc du học và trải nghiệm một xã hội hòa hợp đa văn hóa.

Sống ở Úc, điều quan trọng là khả năng hiểu, cảm thông và hòa đồng vào một xã hội đa văn hóa. Một điều không kém phần quan trọng chính là niềm tự hào và hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình bởi có rất nhiều dịp người ta kỳ vọng bạn sẽ chia sẻ những nét văn hóa đó.

Thái Hải(SSDH) – Theo Facebook

Share.

Leave A Reply