Sẵn sàng du học – Luca Lampariello, 38 tuổi, người Italy, từng cho rằng ngữ pháp nhàm chán, nhưng sau đó đã tìm ra bí quyết để việc học trở nên thú vị, dễ dàng.
Thông thạo 13 thứ tiếng trong đó có Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Luca Lampariello chia sẻ năm phương pháp học ngữ pháp dành cho người trưởng thành.
Khi nhắc đến ngữ pháp, dù ở bất cứ ngôn ngữ nào, tôi cũng nghĩ về năm điều gồm: học, sách vở, trường học, quy tắc và nhàm chán. Tôi tưởng tượng việc thành thạo ngôn ngữ nghĩa là nói chuyện tự nhiên, trôi chảy như người bản địa mà quên mất để làm được điều này, tôi phải thạo ngữ pháp.
Thời gian đầu học tiếng Anh, tôi vật lộn tiếp thu ngôn ngữ nhưng rồi nhận ra phương pháp ngốn kiến thức trong sách vở không hiệu quả. Thay vì học thụ động, người học nên hấp thụ ngữ pháp giống như trẻ em hấp thụ ngôn ngữ.
Vài năm trước, khi đi dạo ở thành phố Rome, tôi bắt gặp cặp vợ chồng người Nga có con trai 7 tuổi sống mới chuyển đến Italy sống một năm. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu bé nói tiếng Italy trôi chảy, sử dụng nhuần nhuyễn cả tiếng Nga và tiếng Italy. Chưa hết, cậu bé có thể kết hợp nhiều ngữ pháp khó khi giao tiếp.
Nếu có con, bạn có thể hiểu trẻ tiếp thu ngôn ngữ dễ dàng như nào. Người lớn cũng như vậy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người trưởng thành hoàn toàn có khả năng học ngôn ngữ như trẻ em nhưng họ không biết cách sử dụng bộ não để học hiệu quả như trẻ. Dưới đây là 5 phương pháp học ngữ pháp mà tôi áp dụng vào học ngoại ngữ.
1. Chọn tài liệu có nhiều đoạn hội thoại
Trẻ em học ngôn ngữ thông qua bối cảnh thực tế, chẳng hạn từ cuộc trò chuyện của cha mẹ chứ không dùng sách vở. Vì vậy, bạn cũng nên lựa chọn tài liệu học sử dụng nhiều đoạn hội thoại, lấy bối cảnh thực tế thay vì lý thuyết và bài tập suông. Bạn có thể tham khảo tài liệu ASSIMIL, có giáo trình cho nhiều ngôn ngữ.
2. Chọn nội dung hấp dẫn, thú vị
Ngoài nhiều hội thoại, tài liệu nên có nội dung hấp dẫn, thú vị. Chẳng hạn, các ví dụ trong sách nên lấy từ thực tế đời sống hoặc vấn đề trong sinh hoạt thường nhật. Tài liệu chứa hình ảnh, sơ đồ tư duy sẽ càng hiệu quả hơn trong việc tiếp thu kiến thức.
3. Học ngữ pháp từ nội dung
Thông thường, người học sẽ tìm đọc và học thuộc các nguyên tắc ngữ pháp trong sách giáo trình và đó là lý do chúng ta sợ ngữ pháp, tiếp thu không hiệu quả. Bởi việc học thuộc hàng trăm quy tắc của một ngôn ngữ là điều không thể và không có tính ứng dụng.
Khi bạn thấy nguyên tắc ngữ pháp trong tài liệu học, hãy ghi chú vào sổ, đọc lại chúng nhưng đừng ép buộc bản thân ghi nhớ hết.
4. Vận dụng
Để có thể ghi nhớ mà không cần học thuộc, bạn nên vận dụng quy tắc ngữ pháp đã học vào việc luyện nói. Khi luyện nói một mình, bạn hãy đặt ra các chủ đề cần sử dụng ngữ pháp đã học và liệt kê nội dung bạn có thể nói. Ví dụ, nếu đang học cách dùng các thì quá khứ trong tiếng Anh, bạn có thể kể lại chuyến du lịch đáng nhớ nhất hoặc đặt ra bối cảnh bạn và bố mẹ nói về chuyến du lịch này.
Khi trò chuyện với người khác, hãy cố gắng khơi gợi nhiều đề tài liên quan đến các quy tắc ngữ pháp bạn đang học. Những lần đầu sử dụng, bạn có thể nói chưa trôi chảy, thiếu ý, sử dụng sai nhưng dần dần qua luyện tập, bạn có thể vừa nói tốt vừa sử dụng ngữ pháp nhuần nhuyễn.
5. Học hỏi từ sai lầm
Khi trò chuyện với người khác, đặc biệt với người bản ngữ hoặc gia sư, bạn nên khuyến khích họ nhận xét về cách trò chuyện của bạn. Những phản hồi bao gồm chỉ ra lỗi sai về ngữ pháp (và nhiều lỗi khác), đưa ra gợi ý sửa đổi, thậm chí giải thích tại sao bạn cần sửa đổi. Nếu có vốn tiếng Anh khá, bạn có thể hỏi họ trong tình huống này thì nên sử dụng ngữ pháp nào là phù hợp nhất.
Hãy ghi chú lại những phản hồi của người khác và cố gắng sửa sai vào những lần giao tiếp tiếp theo, hoặc bạn nên chủ động ôn tập lại một mình trước khi trò chuyện với mọi người. Việc luyện tập một mình giúp bạn diễn đạt trơn tru, tự nhiên, hình thành phản xạ và làm chủ cuộc trò chuyện trong thực tế.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress