Nguồn thông tin miễn phí về du học và học bổng du học Mỹ

0

SSDH – Khi mới quyết định sẽ nộp đơn du học Mỹ, quả thực chính bản thân mình cũng thấy khá bối rối vì thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu và tìm kiếm với từ khóa học bổng du học Mỹ trên Google thì kết quả trả về thường là các nhân vật được học bổng, hoặc các bài giới thiệu các trung tâm.

Vậy nên, mình viết bài này để tổng hợp lại một số nguồn thông tin miễn phí các bạn có thể dễ dàng tiếp cận. Đây đều là những nguồn mình đã từng dùng lúc chập chững tìm thông tin để nộp hồ sơ. Hy vọng các bạn sẽ có được cái nhìn tổng quát và dễ đưa ra định hướng hơn trong việc nộp hồ sơ du học.
 
1. VAPedia:

31032017duhoc10

  • Thông tin về quá trình tuyển sinh bậc Đại học (Ở Mỹ, College và University đều để chỉ bậc Đại học): https://goo.gl/U50dXv
  • Thông tin về quá trình tuyển sinh bậc Cao đẳng Cộng đồng (Community College – đây là chương trình học 2 năm và thường có học phí và chuẩn đầu vào không yêu cầu quá cao, sau đó sinh viên sẽ chuyển tiếp vào một Đại học khác để học 2 năm còn lại): https://goo.gl/bMjUEo
  • Thông tin về quá trình tuyển sinh bậc Trung học: https://goo.gl/lqLGD4

Vì mình chỉ nộp hồ sơ bậc Đại học nên chỉ tìm hiểu kĩ thông tin trong mục đó và cảm thấy những thông tin đưa ra ngắn gọn, súc tích và khách quan. Các câu hỏi mà các bạn quan tâm hầu như đều được giải đáp ở VAPedia: Hồ sơ gồm những gì? Hoạt động ngoại khóa như thế nào là tốt? Thông tin các kì thi chuẩn hóa?

Nếu như bạn chưa bao giờ tiếp cận với thông tin về du học Mỹ, lượng thông tin lớn và hơi dàn trải có thể khiến bạn hơi bỡ ngỡ vì thay vì chỉ cần xét kết quả dựa điểm số như bậc Đại học Việt Nam thì Đại học Mỹ xem xét rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kĩ năng đọc hiểu và tìm kiếm thông tin rất quan trọng ở bậc Đại học Mỹ. Nếu bạn gặp khó khăn và từ bỏ ngay cả nguồn tài liệu viết bằng tiếng Việt và cô đọng như VAPedia thì thực lòng bạn sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu của ban tuyển sinh.
 
2. The Common Application:

31032017duhoc11

Sau khi đọc bài trên VAPedia, bạn sẽ thấy rằng rất nhiều trường Đại học Mỹ (trong đó có Harvard) sử dụng hệ thống Common Application (hay được gọi là Common App) để nhận đơn từ học sinh.
 
Một việc mình làm lúc tìm hiểu việc nộp đơn là tạo một bộ hồ sơ trên trang Common App để xem thực sự thì một bộ hồ sơ cần có những gì (ví dụ như khung để nộp essay nhìn như thế nào, mình sẽ viết hoạt động ngoại khóa vào đâu). Sau đó thêm một vài trường vào danh sách để xem yêu cầu các trường gồm những gì.
 
Lưu ý là lúc mình nộp đơn thì sau 1 năm Common App sẽ xóa thông tin 1 lần, nghĩa là toàn bộ thông tin hồ sơ và bài luận trên Common App sẽ bị xóa hết. Vậy nên an toàn nhất là bạn chỉ nên bắt đầu điền chính thức hồ sơ vào năm bạn đã quyết định nộp.
 
3. Trại hè tuyển sinh Đại học – College Admissions Camp
 
Đây là kì trại hoàn toàn miễn phí do Thắp Sáng Khát Vọng Việt cùng thầy Kevin Sim, chuyên gia tư vấn du học Singapore đồng tổ chức sẽ diễn ra tại 2 thành phố lớn Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Chương trình tài trợ cho các bạn gia đình có điều kiện khó khăn ở những tỉnh khác có thể tham gia.

College Admissions Camp cung cấp những thông tin rất rất bổ ích cho mình. Đặc biệt là khi thầy Kevin Sim có thể nói thẳng nói thật về những sự thật đau lòng về tuyển sinh Đại học Mỹ, để mình tỉnh táo hơn, nghiêm khắc bảo bản thân phải cố gắng hơn.
Đây chắc chắn là một sự kiện không thể bỏ lỡ nếu bạn có ước mơ du học Mỹ cháy bỏng.
 
4. US News College

Một điều lưu ý trước khi đọc thông tin từ trang này là các số liệu như xếp hạng trường, tỉ lệ được nhận, điểm trung bình,… chỉ mang tính tham khảo. Ví dụ một trường có tỉ lệ nhận thấp hơn không có nghĩa là sẽ có chất lượng cao hơn hay tính cạnh tranh cao hơn một trường có tỉ lệ nhận cao hơn một tí. Hay một trường có ranking cao không có nghĩa việc được nhận sẽ “đáng giá” hơn những trường có ranking thấp. Với con số hơn 4000 trường Đại học ở Mỹ thì khi học ở một trường top 400 thì bạn cũng đang học ở top 10% đại học Mỹ rồi.
 
Đây là trang mình hay dùng để tham khảo về các trường để lên danh sách các trường mình sẽ nộp. Khi đã đến bước tìm trường để nộp thì đây là trang được nhiều học sinh mình biết tin dùng.
 
5. Google

Có vẻ hiển nhiên nhưng Google hay các công cụ tìm kiếm luôn là nơi bạn có thể tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc của bạn.
 
Sau khi đã tìm hiểu các nguồn ở phía trên nhưng vẫn không hiểu một mục nhỏ nào đó, bạn có thể tìm kiếm trên các công cụ như Google để tìm các bài viết hoặc diễn đàn trao đổi về thông tin.
 
Ví dụ “How to show, don’t tell” hay “What is weighted/ unweighted GPA?”

Chắc chắn bạn không phải là người đầu tiên hỏi những câu hỏi như thế đâu.
 
Ở trên là một số nguồn tham khảo mình đã dùng. Tất nhiên là không thể bao gồm hết được những tài liệu miễn phí đang ngày càng được hoàn thiện và nhân rộng ra hiện nay, nhưng sẽ đủ để bạn có thể đưa ra những định hướng cho giai đoạn sắp tới.

Theo: Nguonhocbong

Share.

Leave A Reply