SSDH – SAT (Scholastic Aptitude Test) là một trong các kỳ thi đầu vào không thể thiếu nếu bạn muốn đăng ký vào học hệ cử nhân tại các trường ĐH Mỹ. Tại Việt Nam, “hội chứng SAT” không chỉ lan rộng ở học sinh đang có kế hoạch du học, mà còn tới cấp nhà nước, khi mà có những ý tưởng áp dụng kỳ thi này vào các kỳ thi quốc gia như tốt nghiệp, tuyển sinh. Trên tờ báo “Người NewYork” giới thiệu bài viết thú vị về những bà mẹ quyết định tham gia kỳ thi SAT bởi lý do “khiến tất cả chúng ta hay hành động ngu ngốc: tình yêu con cái”.
SAT không phải là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, vào một sáng thứ Bảy lạnh như cắt cách đây không lâu, tôi thấy mình đang nộp đơn vào một lớp cùng với khoảng 20 nam thanh nữ tú khác bộ dạng trông như thiếu ngủ.
Một trong số những cô gái trong lớp vác theo 2 cuốn sách ôn thi SAT to bổ chảng có dính những mẩu giấy nhớ màu hồng.
Tôi không thể hiểu được cô gái mang theo sách để ôn bài trong những phút cuối giờ thi hay để dọa dẫm những người thi cùng.
Chúng tôi được phân vào một phòng học môn Hóa, trên tường đầy những hướng dẫn trong tình huống khẩn cấp và những khẩu hiệu để thúc đẩy tinh thần.
“Nếu bạn không định đi đâu cả thì đó chính là nơi mà bạn sẽ tới” – một khẩu hiệu viết.
“Có ngày bạn sẽ làm tướng, có ngày bạn sẽ làm quân” – một câu nói khác được viết bằng kiểu chữ nghiêng ngả, màu phân chim.
Giám thị – trông có vẻ lo lắng – phát đề thi và phiếu trả lời.
Sau khi đọc chậm rãi một loạt cảnh báo từ một tờ giấy, cô nói rằng chúng tôi có 25 phút để hoàn thành phần đầu tiên của bài thi là phần bài luận.
Lần cuối cùng tôi thi SAT, đề thi không có bài luận. Nhưng cũng may là tôi đã được cảnh báo về sự thay đổi này bởi Debbie Stier – tác giả cuốn “The Perfect Score Project: Uncovering the Secrets of the SAT” (Kế hoạch đạt điểm hoàn hảo: Khám phá những bí mật của SAT).
Năm 46 tuổi, Stier đã quyết định cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho bài thi này, với mục tiêu là đạt được điểm số cao nhất có thể trên tổng điểm 2.400. Mục tiêu của tôi thì rất khiêm tốn: chỉ cần không bị bẽ mặt.
Chủ đề bài luận của tôi liên quan đến sự tiến bộ và việc nó có đòi hỏi sự đấu tranh và xung đột hay không. Theo Stier, chìa khóa để đạt điểm tốt trong phần bài luận là đưa ra luận điểm rõ ràng. “Hãy khẳng định, đừng trình bày dài dòng” – tác giả khuyên.
Tôi suy nghĩ về những hướng viết của mình và muốn tranh luận phản biện lại giả thuyết. Sau đó, tôi nhận ra rằng ai cũng đang cắm đầu viết, nên tôi đã bỏ ý định đó. Cuối cùng, tôi chọn viết về Dự án Mahattan, mặc dù tôi vẫn còn nghi ngại rằng liệu nguy cơ hủy diệt của hạt nhân có được coi là sự tiến bộ hay không. Khi tôi đến đoạn trích dẫn câu nói nổi tiếng của Robert Oppenheimer – giám đốc Dự án Mahattan: “Bây giờ tôi trở thành Thần Chết – kẻ phá hủy thế giới”, thì tôi không thể nhớ được chính xác sẽ phải viết gì tiếp theo. Vì thế, tôi nhớ đến lời khuyên của Stier “Chi tiết rất cần thiết, còn tính xác thực thì không”.
Tiếp sau đó là phần từ vựng, rồi đến phần toán học. Cô gái mang theo sách lúc nãy ngồi ngay phía sau tôi. Chúng tôi được phát cho những phần thi khác nhau, bởi vì cứ khi tôi cố tập trung đọc thì cô ấy lại bấm máy tính rõ to. Đến phần thứ 5 gì đó, tôi làm phần ngữ pháp, cô ấy làm toán thì tôi bắt đầu thấy đuối. Tôi cảm thấy càng lúc càng bất lợi, không phải vì lần cuối cùng tôi tính diện tích bề mặt hình trụ thì những nam thanh nữ tú đang ngồi thi cùng tôi còn chưa sinh ra.
Buổi sáng trôi qua, dường như họ trở nên phấn chấn hơn, còn tôi thì trông như bị thiếu caffeine. Phần thứ 6 của tôi là toán học, với những câu hỏi tự do phản ứng – kiểu câu hỏi mà tôi chưa từng gặp khi còn học phổ thông. Tôi gặp phải câu hỏi liên quan tới tìm tọa độ của điểm giao nhau của 2 đường thẳng trên biểu đồ. Chỉ có một trong hai đường được vẽ ra và tôi biết rằng để trả lời câu hỏi này, tôi cần phải tìm được độ dốc của đường thẳng thứ hai. Nhưng tôi không thể làm được câu này và tôi phải bỏ trống câu trả lời. Sau đó, tôi còn bỏ trống thêm một câu nữa.
Ngay sau đó, tôi làm tới phần đọc – một bài đọc dài về Haruki Murakami. Bài đọc này đang “phân tích một hoạt động” hay “thách thức một giả định”? Dường như cả hai đều hợp lý. Một cụm từ trong đoạn thứ hai mang ý “suy đoán”, “mỉa mai” hay “phòng thủ”? Tôi mà biết mới lạ. Khi chuyển sang phần thứ 10, tôi bắt đầu kiệt sức. Đó cũng là lúc tôi gây ra một lỗi ngớ ngẩn. Tôi bắt đầu điền câu trả lời phần 10 vào chỗ dành cho phần 9. Tôi đã xóa đi nhưng sau đó tôi không chắc là mình cần bao lâu để thoát khỏi tình cảnh này. Cuối cùng, tôi cảm thấy cơ hội vào đại học của tôi đang dần tuột mất, khi mà điểm SAT là một trong những yếu tố quan trọng để xét vào các trường.
Tú Anh (SSDH) – Theo Vietnamnet