SSDH – Học Bổng là một trong những yếu tố rất quan trọng để quyết định các du học sinh có khả năng sinh sống và học tập tại Mỹ trong bốn năm tới không. Để việc tìm kiếm, so sánh học bổng dễ dàng hơn, bước đầu tiên chúng ta cẩn nắm rõ những cụm từ cơ bản liên quan tới học bổng.
Để việc tìm kiếm, so sánh “học bổng” với các trường dễ dàng hơn, bước đầu tiên chúng ta cẩn nắm rõ được những cụm từ cơ bản liên quan tới “học bổng”
– EFC (Expected Family Contribution): Là mức tối đa bạn có thể đóng tiền cho trường. Số tiền này có thể từ lương của bố, mẹ; lương làm thêm của bạn, và tất cả những khoản thu nhập khác tuỳ vào từng gia đình. Có bạn chỉ có khả năng đóng được $1000 đến $5000 một năm, trong khi một số bạn đóng được toàn bộ học phí và hỗ trợ thêm tiền cho trường. Sự khác biệt này ảnh hưởng không ít tới việc bạn được nhận vào trường hay không.
– CSS/Financial Profile: Đơn xin hỗ trợ tài chính của College Board. Đơn được mở bắt đầu vào ngày 1/10. Ngoài ra, học sinh cũng cần nộp những giấy tờ chứng nhận khả năng tài chính như:
- Giấy xác nhận tài khoản ngân hàng
- Giấy chứng nhận lương/thu nhập của bố mẹ
- Giấy tờ thuế thu nhập, v. v.
LƯU Ý: Mỗi trường bạn apply (nộp hồ sơ) có thể yêu cầu một đơn riêng về hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế của họ, việc này bạn phải kiếm tra kỹ lưỡng qua trang web của mỗi trường (vào trang web, phần admission/international students; hoặc admission/ scholarship and financial aid)
– Các dạng cung cấp tài chính:
- Grants: Tiền trao cho học sinh cần hỗ trợ tài chính. Với grants, bạn không cần trả lại tiền cho trường sau khi tốt nghiệp. Tiền từ grants cấp cho bạn là của bạn để chi trả cho 4 năm đại học.
- Loans: Quỹ cho vay của các trường với một mức lãi suất nào đó sau khi bạn tốt nghiệp.
- Employments: “Tiền lương” từ nhưng công việc bạn làm trong trường để giúp bạn chi trả học phí du học
- Scholarships: Học bổng cấp cho bạn dựa vào thành tích học tập, khả năng lãnh đạo, năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao, v. v.
Grants với Scholarship về mặt hình thức đều giống nhau: Cung cấp tiền cho bạn để bạn trả học phí. Tuy nhiên, về tính chất thì hơi khác nhau một chút: Grants thường cho tiền dựa vào EFC còn Scholarships dựa vào điểm số, thành tích học tập và những yếu tố khác
Need – based aid: Hỗ trợ tài chính dựa vào mức cần thiết
Học sinh Việt Nam thường được nhận tiền dưới dạng này: Hỗ trợ tài chính dựa vào mức cần thiết. Với Need-based aid, EFC trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng trong bộ hồ sơ.
Ví dụ: Bạn A và bạn B học cùng một trường Phổ thông, có điểm SAT và GPA tương đương nhau, hoạt động ngoại khoá và essays của hai bạn đều tốt. Bạn A có EFC $5000 một năm trong khi B là $30000. Hai bạn đều apply vào trường XYZ có tổng cộng học phí và chi phí ăn ở trong một năm là $51000. Nếu trường XYZ nhận A, XYZ cần cung cấp cho A $51000 – $5000 = $46000 để A có thể theo học được. Trong khi đối với B, trường XYZ chỉ cần chi cho bạn $51000-$30000=$21000. Với thời buổi kinh tế hiện giờ, khả năng lớn là XYZ sẽ nhận B và phải từ chối A.
Mỗi trường có khả năng cung cấp need-based aid khác nhau. Khi tìm hiểu về Need-based aid, các bạn cần lưu ý với 2 cụm từ “Need-blind aid” and “Need-aware aid”.
– Với Need-blind, Admission Office và Financial Aid Office làm việc riêng biệt với nhau, đồng nghĩa với với việc bạn được nhận hay không không liên quan gì đền EFC. Với need-blind, học sinh A và B trong ví dụ trước không khác gì nhau mấy. Hiện giờ chỉ có 6 trường “đại gia” là need-blind cho học sinh quốc tế:
- MIT, Massachusetts Institute of Technology in Massachusetts
- Harvard University in Massachusetts
- Princeton University in New Jersey
- Yale University in Connecticut
- Dartmouth College in New Hampshire
- Amherst College in Massachusetts
– Với Need-aware, Admission Office và Financial Aid Office làm việc vô cùng chặt chẽ với nhau. EFC đối với những trường này quan trọng không kém gì SAT, GPA, Personal Statements, v. v. trong việc quyết định nhận bạn vào học hay không.
Merit – based Scholarship: Học bổng dựa trên thành tích học tập
Đây là học bổng bởi các trường Đại học hoặc bởi các tổ chức bên ngoài. Merit-based được trao dựa trên thành tích học tập, năng khiếu đặc biệt, khả năng lãnh đạo, điểm SAT,… Khác với Need-based, Merit-based không xem xét điều kiện tài chính của các ứng viên.
Tuỳ theo chính sách của từng trường, bạn có thể phải nộp hồ sơ riêng hoặc không. Một lần nữa, bạn cần tự tìm hiểu từ trang web của mỗi trường để xem họ cho học bổng như thế nào.
Để được nhận Merit-based Scholarship, hồ sơ của bạn phải rất xuất sắc. Học sinh quốc tề thường được nhận Need-based nhiều hơn là Merit-based.
Thực hư về học bổng toàn phần vào Havard
Với những trường Need-blind và Full-need, khi được nhận, bạn chỉ cần đóng khoản EFC như bạn đã khai ban đầu thôi, còn lại trường sẽ trả hết. Với một số trường có Merit-based Scholarship, bạn có thể được cung cấp nốt số tiền còn lại và tiền máy bay hai chiều,… Nhưng xin nhắc lại, merit-based vô cùng cạnh tranh và ít chân cho học sinh quốc tế; nên định nghĩa của cái “học bổng toàn phần” không đồng nghĩa là bạn không phải trả một đồng nào trong bốn năm theo học tại Mỹ.
Vũ Quân (SSDH) – Theo Kenhtuyensinh